Phóng sự

Chuyện từ những bức ảnh

10:06, 14/08/2014 (GMT+7)
Đầu tuần vừa rồi, trên Facebook cá nhân của một hành khách đi máy bay có chụp tấm ảnh nhân viên phục vụ của nhà ga Tân Sơn Nhất đang hứng nước máy trong nhà vệ sinh chế vào các vỏ bình đựng nước uống tinh khiết kèm theo chú thích ám chỉ rằng, Công ty dịch vụ mặt đất đã lừa dối khách hàng khi cho họ uống nước bẩn.
 
Lập tức, bức ảnh ấy phát tán rất nhanh, được cộng hưởng bởi những bức xúc của hành khách có ác cảm về chuyện hoãn giờ bay, hủy chuyến…, đã tạo nên một làn sóng phản ứng vô cùng mạnh mẽ. Và cái gì đến cũng phải đến, một vài tờ báo mạng, trong trào lưu săn tin trên Facebook, đã làm tin và chĩa mũi dùi vào Nasco, đơn vị chủ quản của nhân viên có hành động chiết nước vào bình đựng kể trên.
 
Lập tức, phía Nasco đã đưa ra lời thanh minh rằng, nước đó được hứng để làm vệ sinh sàn ở khu vực mới xây dựng và các bình đựng nước cũ được tận dụng làm bình chứa nước. Lời thanh minh đó được cư dân mạng coi là trò cười, là trò chống chế trẻ con của lãnh đạo một công ty lớn thuộc một tổng công ty trọng điểm.
 
Tất nhiên, lời biện bạch trên khó có sức thuyết phục tuyệt đối nhưng chính những "chỉ trích viên" cũng cần phải xem lại chính mình trước khi đưa ra chỉ trích vội vàng.
 
Trong tất cả chúng ta, những người thường xuyên đi máy bay, có bao giờ chúng ta được phục vụ nước uống đóng trong các bình tinh khiết kể trên ở các sân bay hay không? Đây chính là câu hỏi giúp ta xem lại chính mình trước và sau khi đưa ra lời chỉ trích nặng nề.
 
Phải nói thẳng rằng, "KHÔNG BAO GIỜ" chúng ta bị cho uống nước như thế. Tất cả đều là nước đóng trong chai, còn lớp nilon bảo vệ nguyên vẹn. Đó mới chính là sự thật, chứ bức ảnh kể trên chưa phải là sự thật.
Phối cảnh khu mua sắm ngầm và nhà ga Metro trung tâm tuyến số 1 tại TP Hồ Chí Minh trong tương lai
Phối cảnh khu mua sắm ngầm và nhà ga Metro trung tâm tuyến số 1 tại TP Hồ Chí Minh trong tương lai
Ngay sau vụ nước uống là vụ cưa một loạt cây dầu cổ thụ ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ việc xây dựng nhà ga đường xe điện ngầm. Cũng là những bức ảnh, cũng là báo điện tử với những lời xót xa cho cảnh quan đô thị, cũng như những cây cổ thụ lâu năm. Và tất nhiên, cũng là phản ứng mạnh mẽ đến cực đoan của cư dân mạng cho rằng chính quyền thành phố làm ẩu, làm sai, là bừa.
 
Họ, những “chỉ trích viên”, đặt ra vấn đề là “Tại sao không nhổ cả rễ cây luôn đem trồng ở chỗ khác?” hoặc “Tại sao không chọn địa điểm khác mà làm nhà ga Metro?”.
 
Toàn những câu hỏi nghe có vẻ hợp lý và nhân văn cả. Nhưng nó có phải là những câu hỏi đã có suy xét hay không?
 
Trong tất cả những người đã và đang chỉ trích chính quyền TP Hồ Chí Minh, đã có ai được TẬN MẮT NHÌN thấy bản thiết kế của nhà ga Metro ấy hay chưa? Xin thưa rằng chắc chắn là chưa và bởi thế, làm sao họ biết được việc cưa cây ấy là BẮT BUỘC. Và có ai biết rằng người Pháp đang hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết kế hệ thống metro đó và người Pháp nói riêng và người phương Tây nói chung rất tôn trọng cảnh quan thiên nhiên nên việc cưa cây với họ là tối kỵ. Khi việc tối kỵ vẫn phải thực thi, điều đó có nghĩa là bất khả kháng.
 
Và cuối cùng, trong tất cả những người chỉ trích kia, có ai biết rằng, dầu là loại cây rễ cọc chứ không phải rễ chùm như xà cừ. Việc nhổ cây lên để trồng chỗ khác, đối với các cây cổ thụ cao ngang tầm khách sạn Caravelle là một điều gần như bất khả ở hoàn cảnh hiện tại của TP Hồ CHí Minh. Nên nhớ, nhổ một cây cổ thụ cỡ ấy để di dời đi nơi khác không thể được thực hiện nhờ việc “Chém Gió”.
 
Sự thật nằm ở chỗ đó, chứ không phải ở bức ảnh tiếc thương cho những cái cây bị “bức tử” như người ta nói.
 
Sự thật cũng nằm ở chỗ, muốn xây mới, đôi khi phải đập cái cũ đi một cách không thương tiếc.
 
Và sự thật còn nằm ở chỗ, chúng ta dành bao nhiêu thời gian để tham gia trồng cây xanh đô thị so với khoảng thời gian chúng ta ngồi khóc những thân cây già nua?
 
Bức ảnh chỉ là bức ảnh. Nó chỉ là một khoảnh khắc được giữ lại, chứ không phải là cả một không gian sinh động xung quanh đang kể một sự thật nào đó. Nửa cái bánh mì cũng là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không thể là sự thật. Đằng này, bức ảnh chưa chắc đã chứa đựng nổi một nửa sự thật.
 
Chúng ta đối diện sự thật với thái độ thế nào, đó chính là điều quan trọng nhất. Chúng ta đủ lý trí để đánh giá sự việc trước khi đồng lõa với những đàm tiếu vô bổ nhưng lại vô cùng nguy hiểm vì nó gây hoang mang trên mạng xã hội. Vậy thì chúng ta hãy tự buộc mình vào một sự thật trước nhất đi đã. Đó là chúng ta vẫn còn quá hời hợt, thiếu thận trọng và luôn cố khoác cái áo tử tế (vô tình hay cố ý), để cuối cùng hè nhau bóp méo những sự thật đến mức độ kinh hoàng

Nguồn: Cstc.cand.com.vn

Các tin khác