Phóng sự
Chó nghiệp vụ, sự tin cậy thủy chung
09:25, 07/08/2014 (GMT+7)
Có dịp chứng kiến những hoạt động tập luyện, sinh hoạt của các huấn luyện viên Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hồ Chí Minh mới hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả và những nỗ lực cao độ mà đội ngũ cán bộ huấn luyện đang từng ngày từng giờ phải trải qua…
Những phút nhọc nhằn
Chúng tôi đến Đội Huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ (quen gọi là Đội Cảnh khuyển) - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hồ Chí Minh vào buổi sáng sớm khi không khí huấn luyện chó nghiệp vụ tại đây diễn ra rất hứng khởi và đầy kỷ luật. Mỗi hiệu lệnh của cán bộ huấn luyện đều được chó nghiệp vụ đáp ứng nhanh chóng, thuần thục. Như ở bài tập vận động, các chú chó nhanh thoăn thoắt chui qua cống, vượt cầu thang cao, chướng ngại vật, quay về vị trí ban đầu... Tất cả như một trò chơi vận động rèn luyện sự linh hoạt, dẻo dai dành cho các cảnh khuyển. Tiếp theo là bài tập điều lệnh nhằm rèn tính kỷ luật, thói quen chấp hành đúng hiệu lệnh cho những chú chó. Cùng với các động tác bên cạnh người huấn luyện, chó còn được huấn luyện nghe điều khiển từ xa để thực hiện các động tác như gọi chó về bên cạnh người huấn luyện, hiệu lệnh sủa, động tác cắp đồ vật, động tác ngửi, bò tiếp cận mục tiêu, tấn công, cầm chân khống chế đối tượng... cùng nhiều động tác khác, ngay cả cách đi, đứng, ngồi, nghỉ... đều phải dạy, tập luyện.
Điển hình như hệ chó tấn công, truy tìm đối tượng, việc tập luyện cho chú chó nghiệp vụ tấn công “quân xanh” - những chiến sĩ đóng vai tội phạm - cũng là một công việc đầy gian nan, cực khổ. Sau tiếng hô “tấn công” của HLV, chú chó vụt phóng đi và lao thẳng, cắn phập hàm răng vào cánh tay của “quân xanh” có giáp ống bảo hộ - lúc đó đang là mục tiêu ẩn hiện từ đằng xa. Đồng thời bằng sức mạnh của mình, chú chó này đẩy ngã đối tượng xuống đất và khống chế gọn ghẽ. Hành động của chú chó chỉ dừng lại khi nghe tiếng hô lớn “Dừng!” của HLV. Tuy nhiên, “quân xanh” phải nằm im dưới đất để tránh cho chó bị kích động có thể tấn công tiếp.
Thượng úy Phạm Văn Nam, Phó Đội trưởng Đội Cảnh khuyển, cho biết: “Những bài tập này không những rèn tính kỷ luật, dạy cho chó nghiệp vụ những kỹ năng đặc biệt mà còn tạo sự liên kết, gắn bó giữa người huấn luyện và chó. Đối với từng loại chó nghiệp vụ sẽ có những phương pháp huấn luyện riêng, rất cẩn trọng, kỹ càng. Riêng với chó chuyên ngành tấn công, do bản tính hung dữ, nên HLV cần phải hiểu rõ tâm lý và đặc tính của chúng”.
Đặc biệt, mỗi chú chó đều có hệ phả riêng của mình (hồ sơ lý lịch), trong đó ghi rõ tên tuổi chó ông bà nội ngoại, chó cha mẹ - nói chung là ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, quê quán của mỗi chú chó. Ngoài hệ phả thì mỗi chú chó nghiệp vụ còn có một sổ bệnh án theo dõi xuyên suốt tình hình sức khỏe.
Nhìn Thiếu úy Nguyễn Thành Hồng chăm sóc cho chú chó Becgie của mình tên Akia mới thấy hết tình cảm mà một cán bộ huấn luyện dành cho cảnh khuyển. Chú Becgie to lớn trông có vẻ hung dữ ngồi im thích thú với những động tác vuốt ve, xoa đầu dỗ dành của người huấn luyện.
Chó nghiệp vụ - đồng đội trung thành
Chia sẻ về những vui buồn trong nghề huấn luyện cảnh khuyển, Đại úy Nguyễn Văn Chăm cho biết, với hơn 10 năm huấn luyện, từ chó nghiệp vụ bảo vệ đến chó đặc định ma túy, đến nay anh là cán bộ hướng dẫn nghiệp vụ huấn luyện cảnh khuyển cho một số chiến sĩ - HLV khác. Nghề này quan trọng nhất là sự nhẫn nại, kiên trì, và cả sự hy sinh, tâm huyết, đam mê với công việc.
Có thể kể một vài vụ nổi bật, như vào đêm 26/1/2013, chú chó nghiệp vụ tên Bin đã theo chân Thượng úy Nguyễn Viễn Du - Đội Cảnh khuyển cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an quận 1 đột kích quán bar 39 (tòa nhà Kumho Asiana Plaza Sài Gòn, đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1).
Với khả năng đánh hơi đặc biệt của mình, chú chó Bin đã tìm kiếm và phát hiện được 12 viên thuốc lắc và hai bịch chất bột màu trắng nghi là heroin, được cất giấu trong các khe ghế ngồi, góc khuất của quán bar mà các dân chơi đã tìm cách phi tang trước đó... Một vụ việc khác liên quan đến hành vi “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc” bị Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá vào ngày 31/5/2013 cũng được các chú chó nghiệp vụ giúp sức.
Theo đó, sau thời gian dài theo dõi, lúc 0h15 rạng sáng cùng ngày, hơn 70 chiến sĩ PC45 phối hợp với Đội Cảnh khuyển huy động 10 chú chó nghiệp vụ bao vây sòng bạc quy mô lớn, dưới hình thức lắc tài xỉu đặt cược ăn tiền hàng trăm triệu đồng tại khu đất số 32/9C ấp Hưng Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, do hai tên Trần Tấn Đạt (SN 1979, thường gọi là Đạt “con”, ngụ huyện Hóc Môn) và Huỳnh Văn Đức (SN 1972, ngụ quận 12) cầm đầu. Kết quả, 65 người bị bắt quả tang đang sát phạt đỏ đen, tang vật bị thu giữ gồm 280 triệu đồng, 1 bộ chén đĩa dùng để lắc tài xỉu, 5 xe ôtô, 26 xe gắn máy và 35 ĐTDĐ các loại...
Bên cạnh thời gian đánh án, chó nghiệp vụ còn được các chiến sĩ đưa đi tuần tra tại nhiều tuyến đường trong thành phố hay tham gia cứu hộ, cứu nạn, truy tìm xác nạn nhân bị chôn vùi dưới các đống đổ nát. Trong đó nổi bật là thảm họa sập cầu Cần Thơ xảy ra vào tháng 9/2007, các chú chó nghiệp vụ cũng đã góp phần tìm kiếm thi thể các nạn nhân bị vùi bởi hàng ngàn khối bê tông, gạch đá ở độ sâu 5-7m...
Các HLV cho chó nghiệp vụ luyện các bài tập phản xạ nằm |
Công tác đánh án, huấn luyện chó nghiệp vụ thầm lặng, gian nan là thế, nhưng khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi bệnh tình của chúng cũng hết sức công phu. “Mỗi khi chó bị bệnh, gần như những HLV sẽ phải cắm trại 24/24h để chăm lo cho nó từng ly từng tý một. Nhiều khi phải thức cả đêm để theo dõi, đút từng thìa sữa hay thức ăn cho nó... Nói không quá lời chứ chúng tôi chăm lo cho chó nghiệp vụ còn hơn chăm sóc con mình nữa, vì chăm con còn có vợ, có gia đình phụ giúp chứ với chó nghiệp vụ, nó chỉ nghe lời HLV mà thôi”, Đại úy Chăm bộc bạch.
Chia sẻ với ý kiến này, Thiếu úy Nguyễn Ngọc Niềm - cán bộ thú y của Đội, vui vẻ cho biết: “Vào mỗi buổi sáng tôi thường đi quan sát từng chú chó, xem chúng có bất cứ điều gì bất thường hay không. Nếu có, tôi sẽ phải nhanh chóng có biện pháp chăm lo sức khỏe cho chúng... Làm công việc này, nhiều lần phải tiêm chích cho các chú chó nghiệp vụ, nên hầu như mỗi lần tôi đi qua, chúng vẫn “để bụng” nên cứ sủa um lên”...
Với những công việc tập luyện hằng ngày và tham gia vào quá trình phá án cùng nhiều công tác khác của ngành, có thể nói, chó nghiệp vụ đã góp phần giúp lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh lập nên những chiến công xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên nhiều lĩnh vực ở địa bàn thành phố... Đúng như lời khẳng định của Thượng úy Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh khuyển, xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ, Đội luôn quan tâm đến chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo cán bộ huấn luyện chó nghiệp vụ trên cơ sở bám sát thực tiễn chiến đấu, đồng thời làm tốt công tác nuôi dưỡng, quản lý chu đáo đàn chó nghiệp vụ, duy trì huấn luyện củng cố và nâng cao năng lực các hệ chó, đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Công an. Trên cơ sở đó, chó nghiệp vụ đã lập được nhiều chiến công, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và trên các lĩnh vực công tác khác của lực lượng Công an.
Thượng úy Phạm Văn Nam nhấn mạnh:
“Để quen tính nết và huấn luyện được một cảnh khuyển có thể sử dụng được vào công tác nghiệp vụ, cán bộ huấn luyện phải thật sự là một người bạn thân thiết, gắn bó với chúng từ giờ học đến việc chăm sóc sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân”.
|
Nguồn: cstc.cand.com.vn