Phóng sự

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam

08:42, 31/07/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
 
Cách đây 50 năm, ngày 31/7/1964, tàu khu trục USS Maddox mang số hiệu 731 thuộc biên đội xung kích 7, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam.
 
Khi đi ngang khu vực Đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, các thiết bị trinh thám điện tử của tàu Maddox đã mở hết công suất để do thám, xác định hệ thống phòng thủ, bảo vệ bờ biển của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trước sự xâm phạm trắng trợn của Hải quân Mỹ, Quân đội ta quyết tâm trừng trị hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền vùng biển Việt Nam. Ngày 1/8, Bộ Tư lênh Hải quân nhận mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu về sử dụng lực lượng đánh tàu địch nếu chúng tiếp tục có hành động vi phạm vùng biển nước ta.
 
Thực hiện nhiệm vụ do Bộ Tư lệnh Hải quân giao, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 135, trực tiếp là phân đội chiến đấu gồm 3 tàu phóng lôi mang số hiệu: 333; 336; 339 của Hải quân nhân dân Việt Nam được trang bị súng máy 14,5mm và ngư lôi, sẵn sàng xuất kích đánh đuổi tàu địch. 
 
13h10 ngày 2/8/1964, khi tàu USS Maddox cách Đông Nam Hòn Nẹ, khoảng 10 hải lý, xâm phạm vùng biển Hòn Mê, Lạch Trường, cả 3 tàu của ta đồng loạt xuất kích, tiếp cận địch để phóng ngư lôi.
 
Tàu địch dùng pháo 127mm bắn vào đội tàu của ta, khi tàu ta tiếp cận gần hơn thì chúng dùng súng 40mm và 20mm bắn dữ dội nhằm ngăn chặn không cho tàu ta tiến đến gần để phóng ngư lôi. Trận đánh trên biển diễn ra rất quyết liệt. Để hỗ trợ, phá vây cho tàu USS Maddox, Hải quân Mỹ đã điều 4 máy bay F-8U, từ tàu sân bay USS Ticonderoga đến ném bom, bắn phá ác liệt vào các tàu của ta.
 
Mỹ đã dựng lên cái gọi là
Mỹ đã dựng lên cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" - Ảnh tư liệu
 
Mặc dù thua kém địch về trang bị, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên phân đội 3 tàu phóng lôi của ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay F-8U của Hải quân Mỹ, đánh bị thương tàu Maddox, buộc tàu địch phải hoảng sợ, tháo chạy khỏi vùng lãnh hải của ta.
 
Toàn bộ sự thật chỉ có như vậy! Vụ đụng độ chiều ngày 2/8/1964 là do tàu khu trục USS Maddox ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của ta. Việc chúng ta sử dụng các tàu phóng lôi để thực hiện các hành động tự vệ trên biển là cần thiết, chính đáng, hợp với lẽ phải và luật pháp, được dư luận nhiều nước và chính dư luận Mỹ thừa nhận và kịch kiệt lên án hành động xâm phạm trắng trợn của Hải quân Mỹ.
 
Nếu chỉ vin vào chứng cớ dối trá cho rằng tàu ta tấn công tàu Mỹ để tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc là chưa đủ sức thuyết phục, cho nên Mỹ phải tiếp tục dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, tố cáo Việt Nam. Chúng vu cáo ta: “Đêm 4/8/1964, các tàu phóng lôi của Hải quân Việt Nam một lần nữa lại vô cớ tấn công tàu khu trục USS Maddox và tàu USS Turner Joy đang hoạt bình thường trên hải phận quốc tế”. Đây là sự vu cáo hết sức trắng trợn, vì hôm đó thời tiết xấu, hoàn toàn không có một tàu phóng lôi hay tàu chiến của Việt Nam hoạt động ở khu vực mà Mỹ rêu rao lấy cớ để dùng không quân tập kích miền Bắc. 
 
Ngày 5/8/1964, Mỹ mở chiến dịch “Mũi tên xuyên” sử dụng lực lượng của biên đội tàu sân bay USS Constellation và USS Ticonderoga gồm 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như: AD6, A4D, F8U, F4H… bất ngờ mở cuộc tấn công đánh phá vào hầu hết các căn cứ Hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ Bãi Cháy (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hoá), Cửa Hội, Vinh - Bến Thuỷ (Nghệ An) đến Cảng Sông Gianh (Quảng Bình) hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân ta trong ngày 5/8/1964, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta. Chiến dịch “Mũi tên xuyên” với những tham vọng to lớn đã bị thất bại ngay từ trận đánh đầu tiên. Lực lượng tàu chiến đấu của Hải quân Việt Nam chẳng những đã không bị tiêu diệt trong một trận đánh, mà còn giáng cho Không quân Mỹ những đòn nặng nề.
 
Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam đến nay đã 50 năm trôi qua, nhưng, câu hỏi đặt ra là: Tại sao người Mỹ lại dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”? Tại sao lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam lúc đó còn nhỏ bé, trang bị kém hiện đại lại dám đương đầu với Hải quân và Không quân Mỹ?
 
Câu trả lời là: Việc Nhà trắng và Lầu Năm góc phải dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đầy mập mờ và dối trá để tạo dư luận nhằm thực hiện chiến lược: “Gây sức ép tối đa và liên tục bằng cách đưa quân đội vào để Mỹ hoá cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam; khẩn trương chuẩn bị đưa chiến tranh phá hoại bằng Không quân, Hải quân ra miền Bắc Việt Nam” do Tổng thống và Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã đề ra, nhằm cứu vãn cho các chiến lược chiến tranh mà Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam đã bị phá sản.
 
Còn vì sao Hải quân nhân dân Việt Nam lại chiến thắng trong đối đầu với Hải quân và Không quân Mỹ? Câu trả lời là: Các tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam, các lực lượng chiến đấu bảo vệ căn cứ đều chiến đấu rất dũng cảm. Dựa vào trận địa phòng thủ và sức mạnh của chiến tranh nhân dân, sự phối hợp phòng không của ba thứ quân, trong đó, các trận địa pháo của bộ đội phòng không và dân quân tự vệ biển phối hợp rất chặt chẽ và đắc lực. Các tàu của Hải quân đã chiến đấu rất dũng cảm, phát huy được cao độ trí thông minh sáng tạo và kỹ năng chiến đấu, vừa cơ động phòng tránh, vừa đánh trả địch có hiệu quả và hạn chế được tổn thất. Mặc dù địch chiếm ưu thế hỏa lực và cơ động, lại có lực lượng tiến công đường không, nhưng chúng đã vấp phải một đối tượng có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, ý chí chiến đấu kiên cường, trận địa được chuẩn bị sẵn… nên đã chuốc lấy những thất bại nặng nề. 
 
Như vậy, trước hành động ngang ngược của kẻ thù, quân dân miền Bắc và Hải quân nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ bằng được vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Cùng với trận đánh đuổi tàu USS Maddox ngày 2/8, trận ngày 5/8/1964 là trận đánh thắng đầu tiên đã ghi vào lịch sử của Hải quân Việt Nam, đồng thời là ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác