Phóng sự
Thuyết 'Trung Quốc đe dọa' đã lan tràn khắp nơi
09:13, 29/07/2014 (GMT+7)
Trung Quốc vừa tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra đời của “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”. Nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc không thừa nhận thuyết “cường quốc sẽ xưng bá” và bày tỏ mong muốn giải quyết tranh chấp, bất đồng tồn tại giữa các quốc gia thông qua phương thức hòa bình, hiệp thương đối thoại. Dư luận quốc tế hết sức lo ngại về cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” của nước này.
Tờ “Tin tức Thế giới” cho biết gần đây, tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông ngày một căng thẳng. Quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước xung quanh như Nhật Bản, Phillipines và Việt Nam ở trong cảnh “kiếm chuẩn bị rút khỏi bao, tên đã lắp vào cung”, thậm chí xuất hiện nguy cơ “cướp cò”. Tuy nhiên, công tác ngoại giao của Trung Quốc dường như cho thấy tình trạng “lực bất tòng tâm, mệt mỏi đối phó”.
Mặc dù Trung Quốc luôn nói rằng nước này đang “trỗi dậy hòa bình”, song mấy năm trở lại đây, thuyết “Trung Quốc đe dọa” đã lan tràn khắp nơi, khiến ngoại giao Trung Quốc phải đối mặt với cục diện mới.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc hung hăng ngăn cản, ép đuổi, đâm va, phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư của Việt Nam |
Tờ “Bình luận Trung Quốc” của Hãng thông tấn Hồng Kông, ngày 21/7, có bài phân tích về 3 nguyên nhân lớn dẫn tới thuyết “Trung Quốc đe dọa” viết, tự nhiên, Trung Quốc một mực nói với quốc tế rằng mình không sử dụng sức mạnh và cũng không xưng bá đối với các nước khác, nhưng trên vũ đài quốc tế luận bàn về mối đe dọa từ Trung Quốc vẫn liên tục không ngớt. Giáo sư đại học ngoại ngữ, tiến sỹ kinh tế chính trị học của Hàn Quốc Kang Jun Young cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này bao gồm cộng đồng quốc tế quan niệm không chấp nhận Trung Quốc trỗi dậy, cách xử lý các vấn đề quốc tế thời gian qua của Trung Quốc gây nhiều tranh cãi, và việc tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc. Giáo sư Kang Jun Young còn cho biết, phía Trung Quốc đang nỗ lực “chiến lược thuyết phục” nhằm xoa dịu cáo buộc đe dọa các quốc gia khác của Trung Quốc.
Giáo sư Kang Jun Young phân tích 3 nguyên nhân: Thứ nhất, Trung Quốc cải cách đã 35 năm nay, hiện nay đã phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhất hoặc thứ hai của 75 quốc gia khác trên thế giới. Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức kinh tế thương mại thế giới, nhất cử nhất động của Trung Quốc cũng lập tức ảnh hưởng tới quốc gia khác. Xét về góc độ các quốc gia bị ảnh hưởng mà nói, tình trạng và mức độ tác động tới các quốc gia này của Trung Quốc trước kia và Trung Quốc hiện nay là hoàn toàn khác nhau, vì thế mà họ cũng khó có thể chấp nhận được việc này.
Thứ hai, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép lên các nước khác, làm mất lòng tin của họ đối với Trung Quốc. Giáo sư Kang Jun Young ví dụ, những sản phẩm khoa học công nghệ cao của Nhật Bản đều cần đất hiếm từ Trung Quốc, nếu Trung Quốc không xuất khẩu thì đây là điều khó khăn cho Nhật Bản.
Thứ ba, theo sự tăng tốc phát triển kinh tế, Trung Quốc cũng đã mở rộng lực lượng quân sự, các nước láng giềng nhận ra được sự thay đổi của Trung Quốc, từ một quốc gia có thực lực nhỏ bé trở thành nước lớn trên thế giới, cảm thấy một Trung Quốc nghèo mà hòa thuận trước đây, đến nay có tiền đã bắt đầu phô diễn lực lượng của mình ra ngoài. Bỗng nhiên gần đây lãnh đạo Trung Quốc một mực nhấn mạnh về sự yêu chuộng hòa bình, không có ý đồ xưng bá. Tuy nhiên, các nước không tin sự trỗi dậy hòa bình này của Trung Quốc.
Chuyên gia Hàn Quốc này cho rằng, đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ hiện nay còn chưa được giải quyết, Trung Quốc có thể tiến hành “chiến lược thuyết phục” và đàm phán với các nước khác, đồng thời tăng cường sức mạnh mềm, để thay đổi cách nhìn và thành kiến của các quốc gia khác đối với Trung Quốc.
Khác với việc tuyên bố sự trỗi dậy hòa bình, là các động thái sử dụng sức mạnh quân sự trên biển Hoa Đông và Biển Đông gần đây của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng, với âm mưu hiện thực hóa yêu sách một cách phi lý.
Theo một chuyên gia thuộc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson Yun Sun, khi Trung Quốc tăng cường phát triển sức mạnh thông qua “trỗi dậy hòa bình”, khi đã trở thành vượt trội hơn mọi kẻ thù tiềm năng, lúc đó sức mạnh kinh tế - quân sự sẽ là sự bảo đảm vững chắc cho hòa bình đại lục, tương tự như lập luận của một tướng lĩnh Trung Quốc “tăng cường sức mạnh quân sự" là “biện pháp răn đe và ngăn chặn hiệu quả nhất chống lại sự bao vây phong tỏa và hành động khiêu khích từ nước ngoài”. Do đó, những động thái thể hiện sức mạnh như thử nghiệm tên lửa đạn đạo, phát triển tàu sân bay nội địa, thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, tăng cường ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục, đó là “hòa bình” từ quan điểm Trung Quốc mà theo đó thì cưỡng chế cuối cùng cũng đạt được mục đích đặt ra.
Chiến thuật của Bắc Kinh là sự lừa dối việc ngăn chặn chiến tranh và duy trì hòa bình thông qua sức mạnh, nhưng không thể chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ giảm bớt cưỡng chế và áp đặt. Điều này cũng không thể trả lời được câu hỏi, liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có mang lại được hòa bình, nhưng cộng đồng thế giới cần phải hiểu rõ ràng hơn những sắc thái trong các tuyên bố của Bắc Kinh về trỗi dậy hòa bình và cần phải xem xét kỹ những gì mà họ đã làm.
Nguồn: dangcongsan.vn