Phóng sự

Ước mơ kiệt cùng của đứa bé có hai bộ phận sinh dục

15:28, 19/07/2014 (GMT+7)
Sở hữu một cái tên đầy nữ tính nhưng cháu Phạm Thị Quế Trâm, 11 tuổi, trú tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) lại mang hình hài nam giới và phát triển song song hai bộ phận sinh dục. Hiện tượng kỳ lạ này đã khiến gia đình cháu Trâm chịu nhiều điều tiếng, riêng cháu Trâm phải sống cuộc sống thiệt thòi khi không biết mình là nam hay nữ? 
 
Từ nỗi đau của người mẹ
 
Ngôi nhà thuê của vợ chồng anh Phạm Văn Tính (42 tuổi) và chị Phạm Thị Do (35 tuổi), ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) những ngày này có nhiều khách lạ ghé thăm. Có người đến bởi hiếu kỳ nhưng cũng không ít những tấm lòng hảo tâm đến bởi xót thương cho số phận của cháu Phạm Thị Quế Trâm khi hay tin cháu mang trên mình hai bộ phận sinh dục của cả nam và nữ. Tôi cũng không biết gọi bé là trai hay gái, mặc dù vẻ bề ngoài, bé trổ tướng nam nhi. Bé không còn lạ lẫm với người lạ nữa, nhưng vẻ mặt cứ ngơ ngác khi thấy chúng tôi vào thăm nhà. Dường như, đứa trẻ này đang ngày một mường tựa ra nghịch cảnh cùng nỗi bất hạnh em đang mang trong mình.
Trâm thường vẽ những bức tranh có hình ảnh cậu con trai chơi đá bóng.
Trâm thường vẽ những bức tranh có hình ảnh cậu con trai chơi đá bóng.
Mời chúng tôi ngồi trên chiếc ghế gỗ duy nhất được kê giữa nhà, nhưng nó đã xiêu vẹo, chỉ chực đổ rạp xuống đất. Vợ chồng anh chị ngượng nghịu cười chào khách, nụ cười méo mó, xuềnh xoàng đúng chất dân miền Tây. Nhưng hằn sâu đáy mắt, nỗi đau của người làm cha, làm mẹ cứ vời vợi.
 
Nói về căn bệnh lạ của cháu Trâm, chị Do cho biết lúc mang thai, chị có đi siêu âm nhưng bác sĩ không phát hiện dị tật gì. Chẩn đoán thai nhi bình thường, nhưng khi sinh thì thấy cháu có hai bộ phận sinh dục nằm gần nhau. "Lúc tôi bế cháu, tôi đã khóc òa lên và thiếu chút nữa là ngất lịm. Hạnh phúc chẳng tày ngang khi niềm mong mỏi có đứa con trai cũng chẳng thành hiện thực. Bộ phận sinh dục nam của cháu bé tí nằm bên cạnh bộ phận sinh dục nữ, trông rất kỳ cục". Vợ chồng chị Do, anh Tính đi hỏi bác sĩ thì được chẩn đoán là cháu mắc phải dị dạng lưỡng tính, một loại bệnh rất hiếm gặp. Cháu có đầy đủ cơ quan sinh dục của nữ giới như buồng trứng, tử cung, mang cả nhiễm sắc thể của nữ giới nhưng bên ngoài lại có hai bộ phận sinh dục của cả nam và nữ. Năm 1995, vợ chồng anh Tính dắt díu nhau từ Bến Tre lên Tây Nguyên làm kinh tế. Khó khăn vất vả, lại sinh liền tù tì 4 đứa con khiến người vợ mụ mị đi. Đứa con đầu bị teo cơ, sống èo uột nay ốm mai đau. Đến đứa thứ ba là bé Trâm lại mang hình hài ái nam ái nữ, nghịch cảnh đổ ập xuống đầu hai vợ chồng.
 
Vợ chồng chị Do khóc hết nước mắt. Ở cái vùng núi heo hút, nghèo khó này, việc đứa con dị dạng của chị Do nhanh chóng trôi vào quên lãng. Người ta cũng chỉ biết chỉ trỏ, nhỏ to rồi vì miếng cơm manh áo, họ chẳng còn bận tâm đến đứa trẻ kỳ lạ này nữa. Vợ chồng anh Tính ôm con đi làm giấy khai sinh, loay hoay mãi mới quyết định ghi là giới tính nữ như lời chẩn đoán của bác sĩ khi chị Do mang thai.
 
Lúc 5 tuổi cháu Trâm có nhiều sự biến đổi về thể trạng, nhưng khi bộ phận sinh dục nam bắt đầu phát triển mạnh, lấn át và có phần to hơn bộ phận sinh dục nữ. Ngoài ra, từ hình dáng bên ngoài đến phong cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói của cháu Trâm cũng hoàn toàn giống nam giới. Chính điều này khiến cho anh Tính và chị Do thêm phần khổ tâm khi không thể xác định giới tính cho con mình.
 
Chị Do nói trong nước mắt: "Càng thêm tuổi, cháu Trâm càng giống con trai trong khi đó lại có buồng trứng như con gái. Năm lên 10 tuổi, cháu có hành kinh duy nhất một lần nhưng đến nay không thấy có nữa. Tôi không biết dị tật bẩm sinh đó có ảnh hưởng tới sức khỏe của cháu không, chứ như thế này mãi lúc lớn lên chúng tôi biết làm sao để dựng vợ hay gả chồng cho cháu".
 
Điều xót xa hơn khi cháu Trâm luôn là chủ đề bàn tán của bàn dân thiên hạ, anh Tính nghẹn ngào kể: "Quê chúng tôi ở tận Long An, giờ tha phương cầu thực, bỏ xứ mà đi cũng bởi hoàn cảnh éo le mà ra cả. Đi đến đâu hàng xóm cũng gièm pha, họ nói vợ chồng tôi ăn ở bạc phước cũng không sao, cháu Trâm nhỏ dại biết gì đâu mà trêu ghẹo nó". Trâm thường hồn nhiên kể với ba mẹ mình, người ta thường hay bắt cháu cởi quần ra để xem "của quý" khiến cháu rất sợ hãi. Nhìn con, mà lòng cha mẹ vừa đau xót vừa uất giận. Nhưng càng giận bản thân hơn khi không thể trả lời một câu hỏi đơn giản của con: "Bố ơi con là nam hay nữ?".
 
Ước mơ được mang tên nam nhi
 
Cùng sống với những bất thường trên cơ thể, Trâm gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như khi em đến trường, vì luôn bị bạn bè trêu chọc. Mặc khác, Trâm chỉ đi vệ sinh được ở bộ phận sinh dục nam, nhưng do cấu tạo có nhiều khiếm khuyết khiến việc đi vệ sinh của cháu gặp nhiều bất tiện. Anh Tính chia sẻ: "Gia đình muốn đưa cháu đi kiểm tra tổng quát lắm nhưng không có điều kiện. Nhà cửa ở dưới miền Tây cũng bán trả nợ tiền thuốc thang cho hai mẹ con Trâm rồi. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào mỗi đồng tiền làm thuê của tôi. Đến cơm gạo còn bữa có bữa không nữa là".
 
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng điều đó không ngăn được những ước mơ tươi sáng và nghị lực phi thường trong Trâm. Dù đã 11 tuổi, nhưng Trâm chỉ mới học lớp 2 ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Khác biệt và có phần "quá lứa" so với các bạn, vậy mà cậu bé vẫn cố gắng thuyết phục bố mẹ cho đi học lại sau 3 năm dang dở việc học do gia đình lang bạt từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Chị Phạm Thị Do bên người con có hai bộ phận sinh dục cả nam và nữ.
Chị Phạm Thị Do bên người con có hai bộ phận sinh dục cả nam và nữ.
"Ngày tôi đưa cháu sang xin học, cô giáo không cho bởi lớp đã đông người còn cháu thì lớn tuổi quá. Lúc đó cháu Trâm đứng khóc trước cửa lớp, còn nằng nặc đòi mẹ về nhà bán mấy con vịt đi để đóng trước học phí, nó cứ sợ là cô giáo biết nhà tôi nghèo không có tiền nộp học nên không cho vào lớp. Sau này được đi học rồi, cháu nó vui mừng lắm. Ngoài giúp ba mẹ làm việc vặt như quét nhà, nấu cơm, giặt đồ thì toàn bộ thời gian cháu đều chú tâm cho việc học. Cháu Trâm học giỏi nhất lớp, hai học kỳ vừa rồi đều có giấy khen", chị Do tự hào khoe.
 
Tuy hằng ngày phải đối diện với những ánh mắt dò xét, bàn tán và trò nghịch ngợm của đám bạn học nhưng với dũng khí của một người con trai, Trâm luôn biết tìm cách để vượt qua. Được biết, các bạn trong lớp hay chọc ghẹo Trâm, nhưng Trâm không bao giờ ỷ lớn ăn hiếp nhỏ và đánh lại các bạn. Trâm còn biết dùng các trò chơi như nhảy dây, trốn tìm, bắt cá sấu… để rủ các bạn cùng chơi và làm hòa với mọi người. Cũng như cùng các bạn giải các bài tập khó nên đến giờ ai cũng yêu quý Trâm.
 
Khi nói đến mong ước của mình, Trâm hồn nhiên bảo: "Con muốn em trai con gọi con là anh Lùn chứ không gọi là chị Trâm nữa, bởi con là con trai mà! Đặc biệt, con muốn được đi học và hứa sẽ học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ về chữa bệnh cho mẹ và chị gái con". Thế còn Trâm ước mơ của riêng mình thì sao? Trâm ngập ngừng nói nhỏ: "Con ước có một phép màu nào đó biến con thành con trai. Con sẽ cùng bố mẹ đi làm giấy khai sinh, con sẽ đổi tên là Phạm Trần Quân chứ không dùng tên Trâm nữa. Con muốn được mạnh mẽ và trở thành một quân tử". Ước mơ của cậu bé lớp hai đã khiến những người lớn như chúng tôi ngậm ngùi, rơi nước mắt.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác