Phóng sự

Tận diệt ươi rừng ở Quảng Nam và Quảng Ngãi

'Ươi rừng rưng rưng nước mắt'

08:52, 25/07/2014 (GMT+7)
Những cánh rừng ươi đang kêu cứu, máu cũng đã đổ bởi hàng loạt vụ tranh chấp, gây án, TNGT chết người do các đối tượng khai thác ươi rừng gây ra... Lợi đâu chưa thấy, mà "ươi rừng đã rưng rưng nước mắt"!...
 
Tháng 6 đến cuối tháng 7, khi những cánh rừng ươi chín đỏ rực là lúc dân các bản làng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhiều  tỉnh vùng núi ở miền Trung lại nô nức lưng gùi, vai vác dắt nhau đi "đón lộc rừng". Nhưng gần đây do quả ươi đem lại thu nhập cao, nên thương lái và người dân tứ xứ theo mùa ươi cũng ồ ạt đổ lên miền núi để thu gom. Đáng lo ngại, họ không những tranh giành vùng ươi với người dân địa phương mà bất chấp sự ngăn cấm, đẩy đuổi của lực lượng chức năng để khai thác theo kiểu hủy diệt bằng cách đốn và cưa hạ cây ươi để lấy trái.
Những cánh đồng ươi đỏ rực tại các khu rừng ở miền núi Quảng Nam.
Những cánh đồng ươi đỏ rực tại các khu rừng ở miền núi Quảng Nam.
Những cánh rừng ươi đang kêu cứu, máu cũng đã đổ bởi hàng loạt vụ tranh chấp, gây án, TNGT chết người do các đối tượng khai thác ươi rừng gây ra... Lợi đâu chưa thấy, mà "ươi rừng đã rưng rưng nước mắt"!...
 
Ồ ạt lên rừng "tận diệt" ươi vì ham lợi
 
Miền Trung vào mùa khô, nhưng nắng nóng bỏng rát vẫn không thể ngăn nổi từng đoàn người đang kéo nhau lũ lượt vào rừng khai thác ươi… Ươi rừng phải mất gần 10 năm, cây đạt chiều cao hơn 20m, đường kính tối thiểu 30cm thì mới phát triển, ra trái, và phải đến 3 - 4 năm mới cho quả một lần. Năm nay, ươi vào mùa chín rộ đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi có thêm nguồn thu nhập từ việc đi nhặt ươi bay. Nhưng việc ươi được thương lái thu mua với giá thành rất cao (dao động từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg) đã khiến cho nhiều đối tượng vì hám lợi, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng Kiểm lâm, ồ ạt lên rừng khai thác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, môi trường, công tác bảo tồn rừng ươi, đẩy cây ươi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đến nguy cơ bị tận diệt và khan hiếm...
 
Tại tỉnh Quảng Nam, ươi rừng hiện có nhiều nhất tại các huyện Bắc và Nam Trà My, Nam Giang, Tây Giang... vì vậy không ngạc nhiên khi liên tục gần một tháng nay tại khu rừng phòng hộ thuộc địa phận vùng núi cao của Bắc Trà My, hay trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận thuộc các xã vùng cao huyện Phước Sơn, tiếng cưa máy, cây gãy đổ rầm rĩ suốt ngày đêm. Đến tận thực địa khu vực người dân khai thác hạt ươi mới càng xót xa hơn. Những lối mòn nhằng nhịt giữa rừng già, la liệt những gốc ươi đường kính gần cả mét gãy đổ xen lẫn với hàng đống lều chõng, vật dụng tạm bợ, bao tời, bao tải, gùi tre đựng hạt để ngổn ngang…
 
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, ông Phan Tuấn cho biết:  Đặc điểm của cây ươi bay có màu đỏ rực, cây thẳng đứng nên chỉ cần nhìn từ xa là có thể phát hiện. Vào mùa, mỗi cây ươi cho khoảng 10-20kg quả, quả ươi  khi đã chín và rụng còn gọi là "ươi bay" phát tán xuống đất trong chu vi chừng 100m. Lâu nay, để khai thác quả ươi người dân tại điạ phương chỉ đơn thuần vào rừng tìm cây ươi đã chín rụng quả, đi quanh gốc nhặt ươi để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nếu trúng cây có quả nhiều thì chỉ cần nhặt một cây đã có gần 20kg quả, đổi bán được cả tiền triệu. Nhưng trước cơn sốt "ươi" và "cái lợi trước mắt, vội quên đi thiệt hại lâu dài", nên các đối tượng khai thác ươi rừng, mà thậm chí cả người dân bản địa cũng đã và đang thu hoạch ươi theo kiểu tận diệt. Cũng vì hám lợi quá mức, nên ươi chưa kịp chín rụng đã bị người dân khai thác ngay cả khi còn xanh trên cây đem về bán, dù giá chỉ bằng 1/2 giá của ươi bay (ươi chín rụng - PV)... Thậm chí đu mình, leo lên cây chặt cành hái ươi xanh chưa đủ, họ còn căng cây (lột vỏ xung quanh gốc cây để cây ươi chết -PV) hòng tận thu quả. Manh động hơn, là mang cả cưa máy, rựa lớn, đốn hạ luôn cả gốc để lấy trái ươi bất chấp sự ngăn cản, truy quét gắt gao của lực lượng Kiểm lâm...  
Vì hám lợi, những khu rừng ươi đã bị người dân ồ ạt chặt phá, khai thác đến cạn kiệt.
Vì hám lợi, những khu rừng ươi đã bị người dân ồ ạt chặt phá, khai thác đến cạn kiệt.
Tuy không  náo nhiệt như ở Tây Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, hiện huyện Phước Sơn nơi được mệnh danh là thủ phủ của ươi rừng của Quảng Nam cũng ồn ã không kém. Một chủ đại lý nông sản ở huyện Phước Sơn cho hay: "Đã vào tháng cao điểm ươi rừng chín rụng (tháng 6 đến tháng 8 - PV) và các cánh rừng ở các xã Phước Đức, Phước Xuân, Phước Hòa của huyện Phước Sơn, trái ươi chín đỏ rực, trĩu nặng các nhành cây. Hơn tuần qua thương lái dưới Tam Kỳ đã lên ngã giá thu gom, ươi non họ cũng mua. Họ nói non phơi khô sẽ trở nên già. Giá họ đưa ra 60.000-80.000 đồng/kg tươi; khô thì 200.000-250.000 đồng/kg; còn ươi bay thì giá lên đến 300.000 - 350.000 đồng/kg. 
 
Nước mắt ươi rừng
 
Có câu "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt", những ngày qua cả rừng ươi, người khai thác ươi đang "chảy máu" và đẫm nước mắt vì phải trả giá cho hành động hủy hoại môi trường của mình. Hiện khắp các cánh rừng ươi, những cây ươi hàng chục năm tuổi tại tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung đang kêu cứu vì bị các đối tượng chặt hạ, khai thác hạt không thương tiếc... Còn người dân, vui mừng thoáng chốc vì ươi rừng được giá, nhưng rồi "lộc rừng" còn chưa thấy đâu thì tai họa đã liên tiếp ập xuống. Ươi rừng có hạn nên chuyện mâu thuẫn, tranh giành "lãnh địa" giữa những người đi khai thác ươi là điều khó tránh khỏi.
 
Vào chiều 12/6, tại cánh rừng thuộc khu vực thôn 5, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam đã xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Thợ rừng, anh Trần Xuân Hiệp (trú thôn Đàn Nước, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) đã bị đối tượng Trần Văn Hướng (người cùng địa phương) dùng hung khí sắc nhọn đâm thủng ruột, phải vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
 
Theo khai nhận của hung thủ thì nguyên do anh Hiệp cùng một số người bạn đã xâm phạm "lãnh địa" cánh rừng thuộc địa phận xã Trà Giác để hái ươi rừng. Việc nảy sinh giằng co, tranh chấp đã khiến Hướng rút dao chặt cành ươi để đâm thẳng vào bụng làm Hiệp gục tại chỗ... Sự việc chưa kịp lắng xuống, thì ngày 15/6 tại xã Cà Dy (huyện Nam Giang, Quảng Nam) lại tiếp tục xảy ra một vụ việc đau lòng. Anh Kring B. (32 tuổi, trú thôn Pà Ròng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) trong lúc đốn cây ươi rừng để lấy hạt đã bị gốc ươi ngã đổ đè lên người dẫn đến tử vong; Tiếp đó, khoảng 17h45 ngày 30/6, ngay tuyến đường Đông Trường Sơn qua địa phận thôn 1, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, đối tượng Huỳnh Văn Thanh (SN 1990), điều khiển xe máy mang BKS: 67M1 - 21884, chở theo Danh Thừa (SN 1989), cùng trú Ấp Tân Hiệp, xã Vọng Thế, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, trên đường đi hái quả ươi về đã phóng nhanh đã đâm thẳng xe vào ông Nguyễn Hồng Linh (SN 1956, người dân tộc Cadong) làm ông Linh chết tại chỗ. Bản thân Thanh và Thừa cũng bị thương, còn xe máy bị rơi xuống vực núi... 
Do thương lái thu mua với giá thành rất cao nên ươi rừng bị người dân khai thác triệt để.
Do thương lái thu mua với giá thành rất cao nên ươi rừng bị người dân khai thác triệt để.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn rừng ươi, giữ gìn ANTT tại các khu vực rừng núi của lực lượng Kiểm lâm, Công an cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại bởi sự bất chấp, manh động của các đối tượng khai thác ươi rừng trái phép. Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết, vào khoảng 12h15 ngày 26/6, đối tượng Dương Quốc Thạnh (SN 1993, trú xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) trong lúc vận chuyển hạt ươi trái phép từ huyện Nam Giang về nhà bằng đường sông để bán, khi đến địa bàn bãi quả xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, Thạnh bị tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Đại Lộc phát hiện yêu cầu dừng ghe lại để kiểm tra. Nhưng Thạnh cùng một số người trên ghe đã cố tình tấp ghe vào bờ rồi vác các bao ươi chia nhau chạy trốn. Buộc lực lượng Kiểm lâm phải dùng công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su bắn cảnh báo, nhưng Thạnh vẫn vác bao ươi bỏ chạy và bị một viên đạn cao su trúng vào người gây thương tích.
 
Sau khi sự việc xảy ra, Thạnh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 103kg hạt ươi, còn chiếc ghe đã bị người dân chuyển đi nơi khác. Trước sự việc này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường thêm lực lượng, các Hạt Kiểm lâm địa bàn túc trực 24/24h kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật vẫn không nghỉ...
 
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện tình trạng khai thác ươi trái phép trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam vô cùng phức tạp, khó kiểm soát được, nguyên nhân là do hàng ngàn người dân tứ xứ đổ về rừng quá đông, họ mang cả dụng cụ như cưa máy, rựa vào rừng để chặt cây thu hạt và rất manh động… Để đối phó với lực lượng chức năng, ban ngày các đối tượng tìm địa điểm cây ươi có hạt, sau đó tập trung phát dọn sạch sẽ để đến khuya chặt hạ, sau đó tập trung thu hạt. Đặc biệt các đối tượng khi bị phát hiện, đưa về lập biên bản và đẩy đuổi, nhưng bị đuổi ở xã này thì các đối tượng lại trốn sang xã khác... Tính đến ngày 25/6, lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 72 vụ khai thác cây ươi, vận chuyển hạt ươi trái phép; thu giữ 7,72 tấn hạt ươi, 8 xe ôtô và môtô, 26 máy cưa xăng và nhiều dụng cụ khác.

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác