Phóng sự

Về "làng Trường Sa" gặp những người đi xây đảo

15:49, 23/07/2014 (GMT+7)
Trung úy Lương Văn Điệp nơi biển đảo.
Trung úy Lương Văn Điệp nơi biển đảo.
Những con người ấy đều đã ngấp nghé cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng ký ức về một thời trai trẻ, rẽ sóng, vượt ngàn trùng khơi ra Trường Sa không bao giờ nguôi ngoai. Niềm vinh dự của họ là đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Trường Sa.
 
Trong một góc của "Bảo tàng đồng quê" ở Giao Định (Giao Thủy, Nam Định) trưng bày những cưa, những đục, những bay… Đó chính là những vật dụng đã cùng với hàng trăm người dân Bỉnh Di suốt hơn 20 năm qua đi kiến thiết Trường Sa. Với nhiều người dân nơi đây thì Trường Sa chính là ngôi nhà thứ hai của họ. Đã lâu rồi người ta quên gọi làng Bỉnh Di mà thay vào đó là một tên gọi khác thân thương, trìu mến "Làng Trường Sa". Những ngày này khi biển đảo quê hương "dậy sóng", họ càng khát khao được góp một phần nhỏ bé công sức của mình để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
 
 
 
Gặp những người đặt viên gạch đầu tiên kiến thiết Trường Sa
 
Những con người ấy đều đã ngấp nghé cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng ký ức về một thời trai trẻ, rẽ sóng, vượt ngàn trùng khơi ra Trường Sa không bao giờ nguôi ngoai. Niềm vinh dự của họ là đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Trường Sa.
Vợ chồng ông Tạo luôn động viên con trai hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vợ chồng ông Tạo luôn động viên con trai hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Về Bỉnh Di, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Lê Văn Biền thì đều được người dân nơi đây nhắc lại "ông Biền "Trường Sa" hả?". Sở dĩ người ta gọi ông như vậy là bởi vì hơn nửa đời người ông Biền gắn bó với Trường Sa. Ông cũng là một trong số bảy người đầu tiên ở Bỉnh Di đi xây dựng Trường Sa. Ngoài tám mươi tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm vậy mà khi nhắc đến Trường Sa gương mặt ông bỗng linh hoạt hẳn lên.
 
Ông Biền bảo: "Những ngày này nghe tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở Hoàng Sa tôi đau lòng lắm. Chả gì thì tôi cũng đã gắn bó với vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc đến vài chục năm chứ ít gì". Nói rồi ông kể lại cho chúng tôi nghe vì đâu mà người làng ông lại có thêm cái "nghề" xây dựng biển đảo: "Tôi nhớ năm đó là năm Tân Mùi (năm 1991 - pv), gần giáp Tết, ông Hoàng Kiền là người làng Bỉnh Di, khi đó là Trung đoàn trưởng đơn vị 83 Công binh về quê để tuyển một số thợ giỏi ra xây dựng đảo. Lứa đầu tiên đó có tôi và 6 người nữa được chọn. Nhiệm vụ của chúng tôi là xây nhà hai tầng cho bộ đội hải quân đóng trên đảo và xây dựng cột mốc chủ quyền trên đảo Nam Yết thuôc quần đảo Trường Sa".
 
Hồi đó làng Bỉnh Di nghèo, gia đình nào cũng có năm bảy miệng ăn nên kinh tế nhà nào cũng khó khăn. Chính vì thế khi nghe tin được trả lương cao lại không mất tiền ăn ở nên có rất nhiều người đăng kí. Tuy nhiên, ông Kiền nói chỉ tuyển những người có tay nghề cao, có sức khỏe và có lý lịch rõ ràng.
Những dụng cụ này đã theo người dân Bỉnh Di đi xây dựng Trường Sa.
Những dụng cụ này đã theo người dân Bỉnh Di đi xây dựng Trường Sa.
Ông Biền nhớ lại: "Khoảng tháng 2 năm Tân Mùi, sau khi ăn tết xong tôi với 6 anh em nữa lên đường. Sau khi đi ra đến Cam Ranh, chúng tôi mới xuống tàu đi ra đảo. Lần đầu đi tàu, chúng tôi ai cũng bị say sóng nôn mật xanh mật vàng và không ăn uống được gì. Cũng may lúc đó sóng yên biển lặng nên chỉ sau ba ngày ba đêm tàu chúng tôi cũng tới đảo".
 
Dù đã chuẩn bị tinh thần ra đảo sẽ thiếu thốn trăm bề nhưng những người như ông Biền vẫn không lường hết được những khó khăn đang chờ đón họ. Thời tiết biển đảo khắc nghiệt, cái nắng, cái gió nơi đây nhiều khi làm tổ thợ ông Biền như muốn kiệt sức. Không chỉ thế mà cái sự thiếu nước ngọt, rau xanh cũng là nỗi ám ảnh khôn cùng đối với những người thợ Trường Sa.
Anh Nguyễn Văn Bốn cũng được coi là một trong những lớp đâu tiên ra đảo Trường Sa của làng Bỉnh Di nhớ lại: "Tôi phải mất rất nhiều thời gian mới quen được khí hậu khắc nghiệt của biển đảo. Lúc đầu, do không thích nghi được với nước biển mặn nên tôi bị dị ứng khắp người, da nổi mẩn đỏ. Hồi đó nước ngọt quý như vàng. Mỗi người mỗi ngày chỉ được dùng tối đa là 10 lít nước ngọt. Sau khi tắm rửa, vệ sinh lại dùng chính nước đó để trộn bê tông, nước biển mặn nên không dùng được".
 
Là trong số những người thợ mộc giỏi nhất làng hai anh em ông Đỗ Văn Phông và Đỗ Văn Đoàn cũng may mắn một lần ra đảo để lắp ráp giường,tủ, bàn ghế cho các chiến sĩ, cán bộ trên đảo. Ông Phông  nhớ như in ngày lên đường. Đó là vào ngày 20-5-1992 sau khi vào đến Đà Nẵng ông Phông cùng với ông Đoàn được đoàn xe đơn vị chở vào Nha Trang. Khi vào đến Nha Trang công việc chính là đóng sẵn các loại bàn ghế, giường, tủ. Sau hơn một năm ở Nha Trang đóng sẵn bàn ghế, giường tủ ông Phông cùng với ông Đoàn xuống tàu ra đảo Nam Yết. Công việc chính của hai ông khi ra đến đảo là lắp ghép hoàn chỉnh bàn ghế, giường tủ cho chiến sĩ. "Chúng tôi được chở dọc đi các đảo Đá Đông, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Trường Sa Lớn. Mỗi lần lên tàu là mỗi lần chúng tôi bị say sóng tưởng chết" - ông Phông nhớ lại. Ngày đó, từ đảo nọ sang đảo kia các ông chỉ được ở có 15 ngày, thời gian ít ỏi ông Phông cùng với người em của mình tranh thủ làm ngày đêm.
 
Những thế hệ đầu tiên ra đảo xây dựng năm nào, tuy giờ tuổi đã cao nhưng họ luôn hướng về Trường Sa với một nỗi nhớ khôn nguôi là muốn được quay trở lại Trường Sa, được ngắm nhìn những công trình mình tạo dựng, được xem những thay đổi của cảnh vật xung quanh. Không còn là những ngôi nhà cấp bốn lụp sụp mỗi khi có bão là nước chảy tràn vào nhà, không còn những bữa cơm thiếu rau mà giờ đây cuộc sống trên đảo đã được nâng lên rất nhiều.
 
Truyền lửa cho thế hệ sau
 
Tính đến nay, Bỉnh Di đã có tới hơn ba trăm lượt người đi xây đảo Trường Sa. Một phần đó cũng vì miếng cơm manh áo, nhưng có lẽ thứ cốt yếu nhất trong họ chính là tình yêu biển đảo thiêng liêng. Thứ tình yêu ấy được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, nó ngấm sâu trong từng mạch máu của người dân Bỉnh Di. Với họ, không niềm vui nào là biển cả không hiểu, không nỗi buồn nào mà biển cả không hay. Có người con gái về nhà chồng cũng đành lỗi hẹn không về kịp. Lại có người hay tin cha mất, mẹ qua đời cũng chỉ biết khóc cùng sóng nước mênh mông. Vì nhiệm vụ thiêng liêng đâu phải lúc nào muốn về cũng được. Mỗi lúc hoạn nạn, khó khăn ấy những người đi xây đảo lại động viên nhau phải vững tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng một Trường Sa kiên cố trước mọi sóng gió.
Đội thợ mộc thôn Bỉnh Di chụp ảnh kỷ niệm.
Đội thợ mộc thôn Bỉnh Di chụp ảnh kỷ niệm.
Khi chúng tôi đến, bố con ông Nguyễn Văn Cần cũng mới từ Trường Sa trở về. Ông Cần chia sẻ: "Năm 2011, tôi cùng nhiều anh em đi xây dựng ở đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa. Có đi mới thấy, đây chính là môi trường để rèn luyện tính cách con người tốt nhất. Thế nên lần thứ 2 ra đảo tôi đã đưa người con trai út đi theo. Trước ở nhà nó rụt rè, yếu đuối lắm. Thế nhưng khi ra đảo, sóng gió biển cả đã làm nó cứng cáp và trưởng thành hơn nhiều. Có ra đó mới thấy tình yêu đối với biển đảo lớn lao lắm. Nếu có cơ hội bố con tôi sẽ tiếp tục đi nữa. Nếu Tổ quốc cần chúng tôi sẽ xung phong đầu tiên".
 
Kế thừa truyền thống của cha ông, Trung úy Lương Văn Điệp sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh cũng đã tự nguyện xin ra Trường Sa công tác. Suốt gần bốn năm anh Điệp được về phép duy nhất một lần. Ông Lương Văn Tạo - bố anh dù thương nhớ con rất nhiều nhưng lúc nào cũng tỏ ra cứng cỏi để con trai yên lòng công tác tốt. Lần về phép ba tháng, ông Tạo giục con trai lấy vợ, anh Điệp chỉ cười nói với bố: "Chỉ có ba tháng thì làm sao kịp để con tìm hiểu ai. Với lại, lấy người ta xong lại bỏ đó đi đằng đẵng thì tội nghiệp người ta lắm bố ạ!". Trước quyết tâm của con, ông Tạo cũng chỉ biết động viên con cố gắng, vì ông hiểu, với đấng nam nhi chẳng tình yêu nào có thể sánh bằng tình yêu tổ quốc thiêng liêng.
 
Một đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở Bỉnh Di là trong hầu hết mỗi ngôi nhà đều có những vỏ sò, vỏ ốc, quả bàng vuông… Những thứ đó luôn được bày rất trang trọng trong tủ kính, bởi đó chính là những kỷ vật mà họ mang về từ biển đảo quê hương. 
 
Nhiều khi nhớ Trường Sa, họ lại mang kỷ vật ra ngắm nghía. Những ngày này khi tình hình biển đảo nóng bỏng, những người dân Bỉnh Di lại dậy sóng trong lòng. Tình yêu biển đảo quê hương với họ không mông lung, không xa vời mà nó thiết thực, gần gũi như máu thịt mình vậy.

Nguồn: Cstc.cand.com.vn

Các tin khác