Phóng sự

Quá buồn vì bóng đá Việt Nam

15:19, 28/07/2014 (GMT+7)
Thêm một lần nữa hình ảnh bóng đá nước nhà lại bị bôi bẩn bởi những hành vi vô cùng tệ hại của các cầu thủ. Và cũng thêm một lần nữa bóng đá Việt Nam lại lên báo quốc tế với những lời bình không mấy tốt đẹp. Quá buồn vì bóng đá Việt Nam!
 
10 năm một câu chuyện
 
Còn nhớ cách đây 10 năm, vụ việc một số cầu thủ Đội tuyển U23 Việt Nam tham gia cá độ, tổ chức cá độ và bán độ trận Việt Nam - Myanmar trong khuôn khổ SEA Games 23 tổ chức tại Philippines, đã tạo nên chấn động mạnh cho dư luận trong nước cũng như quốc tế. Những cái tên đang lên và được xem như những “người hùng” của bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ như Văn Quyến, Quốc Vượng đã cùng nhau thực hiện hành vi bán độ trắng trợn trên sân khách và nghiêm trọng hơn, tại một giải mang tầm khu vực.
 
Ngay lập tức, vụ việc đã tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong lòng những người yêu bóng đá nước nhà nói riêng và cả xã hội nói chung. Hầu hết, dư luận đều cho rằng đó là hành vi không thể chấp nhận được, phản bội lại niềm tin và tình yêu của hàng triệu người Việt Nam dành cho môn thể thao vua, hơn hết là chà đạp lên danh dự của cả một nền bóng đá vốn còn đang chập chững phát triển và khẳng định mình.
 
Cùng lúc, nền bóng đá Việt Nam bị giới truyền thông khắp năm châu nhận định rằng, đây là xì căng đan tồi tệ nhất chưa từng xảy ra bao giờ trong lịch sử môn bóng đá nước Việt. Thậm chí hãng tin AP của Mỹ còn bình luận: “bệnh tiêu cực có vẻ như đã trở nên quá phổ biến trong làng thể thao ở Việt Nam”. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam được giới truyền thông quốc tế đưa tin rầm rộ như thế, nhưng buồn thay đấy lại là xì căng đan tồi tệ nhất, chứ không phải là một thành tích ngoạn mục nào đó của đội banh nước nhà.
 
Tưởng chừng, vụ việc này sẽ là bài học đắt giá, cũng như “tấm gương” răn đe cho bất cứ cầu thủ nào đang khoác lên mình những chiếc áo số. Tuy vậy, cũng 10 năm sau, một lần nữa, báo chí thế giới lên tiếng vụ việc 6 cầu thủ thuộc CLB Đồng Nai bị bắt sau khi tham gia dàn xếp tỉ số trong trận đấu với Than Quảng Ninh diễn ra trên sân Cẩm Phả trong khuôn khổ V-League 2014. Sự việc trở thành giọt nước tràn ly, khi vụ tiêu cực gần đây nhất của bóng đá Việt Nam liên quan đến CLB Ximang The Vissai Ninh Bình lắng xuống chưa được bao lâu. Người hâm mộ nước nhà vừa ngán ngẩm vừa cảm thấy xấu hổ trước bạn bè quốc tế. Và một câu hỏi được đông đảo người dân đặt ra là bao giờ bóng đá Việt Nam mới có thể thực sự chuyên nghiệp?
 
Câu hỏi liên tiếp được dành cho những nhà quản lý, lãnh đạo, những người mang trọng trách định hướng và phát triển nền bóng đá của Việt Nam. Báo chí không ngần ngại cho rằng “Cầu thủ dính chàm: Sự vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm”, trích lời của một vị HLV “giá như họ được dạy dỗ đến nơi đến chốn thì đâu đến nỗi” càng khiến dư luận cảm thấy bức xúc, bởi ai là người dạy các cầu thủ từ chối bán độ?. Khi sự việc xảy ra, mọi trách nhiệm đều được dồn lên các cầu thủ, vấn đề đạo đức, giáo dục bắt đầu được đào bới, tuy vậy, các cầu thủ đều còn rất trẻ, thiếu kém về bản lĩnh là điều không tránh khỏi, vậy ai sẽ dẫn dắt họ hay đã mặc kệ, để đến lúc sự việc xảy ra thì lại đổ lỗi cho nhau?

Truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về các vụ bê bối của bóng đá Việt Nam
Truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về các vụ bê bối của bóng đá Việt Nam
 
 
Văn hóa trong thể thao đang mục ruỗng hay còn non kém?
 
HLV Trần Văn Phúc, người có hơn 40 năm gắn bó, tâm huyết với bóng đá Việt Nam trên nhiều cương vị nêu ra một thực trạng: Hầu hết cầu thủ đều không học hết lớp 12, cá biệt có người chỉ học hết cấp 1. Điều đó cho thấy rằng, lỗ hổng về mặt phổ cập giáo dục từ lâu trong làng bóng đã được xem như là chuyện bình thường, và không có bất cứ nhà tuyển dụng nào lên tiếng yêu cầu bằng cấp trình độ học vấn của các chân sút, điều họ quan tâm duy nhất là “tố chất”, là “tài năng”, là “phát hiện mới”…, toàn là những "mỹ từ"!
 
Phải chăng vì thế mới có chuyện các cầu thủ U19 Hoàng Anh Gia Lai chú tâm đèn sách, đi thi tốt nghiệp rồi thi đại học được báo chí rầm rộ đưa tin như “chuyện lạ có thật”, đủ thấy vấn đề dạy văn hóa, đạo đức cho cầu thủ ở nước ta đang ở mức nào.
 
Không được dạy đạo đức, nhiều cầu thủ thậm chí còn bị lây nhiễm thói hành xử thiếu chuyên nghiệp của chính lãnh đạo đội bóng mình khi mà chuyện một thành viên đội bóng lao vào sân túm cổ, chửi bới trọng tài không hiếm gặp ở V-League. V-League hơn 10 năm khoác áo chuyên nghiệp chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp, ông “bầu” đổ “núi tiền” để mua về các cầu thủ “sao, số” chứ ít ai bỏ tiền để dạy văn hóa cho cầu thủ.
 
Phải chăng, các nhà lãnh đạo, quản lý đang chú tâm xây dựng bộ khung hoành tráng với những hợp đồng liên kết nước ngoài, đào tạo chuyên môn hoành tráng, nhằm đi tắt trong việc đưa nền bóng đá Việt Nam ngang tầm quốc tế, mà quên đi việc xây dựng một nền tảng vững chắc đó chính là “văn hóa”. Văn hóa là nền tảng cho sự phát triển, nếu thiếu văn hóa, một “tòa nhà” dù có được xây cao tới đâu cũng nhanh chóng bị sụp đổ, và đó là lí do mà suốt bao nhiêu năm qua, nền bóng đá Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, chật vật khẳng định mình, trong khi người hâm mộ nước nhà đang dần quay lưng và không mấy mặn mà với các mùa giải được tổ chức trong nước.
 
Thiết nghĩ, vụ việc xảy ra lần này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà quản lý, lãnh đạo về trách nhiệm trong việc định hướng, dẫn dắt cho thế hệ các cầu thủ Việt Nam ngay từ khi chập chững bước vào nghề, đó là bài học về lối ứng xử, về tinh thần thi đấu, và cả về ý thức tự tôn dân tộc. Sẽ không bao giờ có một nền bóng đá phát triển khi mà các cầu thủ chưa có được một nền tảng văn hóa được xây dựng đến nơi đến chốn.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác