Phóng sự

Mùa tận diệt ươi rừng và những hệ lụy

16:03, 26/08/2014 (GMT+7)
Chưa bao giờ và chưa khi nào, người dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên lại háo hức với việc lên non hái trái ươi rừng về bán rầm rộ như dịp này. Những mùa trước, khi giá thành thấp, chỉ có những người đi nhặt ươi bay (trái rụng) nên rừng vẫn nguyên màu xanh của đại ngàn. Thế nhưng, trước cơn “bão giá” của trái ươi mùa này, hàng trăm người đã chen lấn nhau vào rừng, hết nhặt quả đến đốn hạ cây, tranh giành lãnh địa khai thác dẫn đến những hậu quả đau lòng.
 
Cây ươi, hay còn gọi là cây đười ươi (tên khoa học là Sterclia lyhnophora), sinh sống tập trung nhiều ở vùng Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Ươi là một loại cây rừng thân gỗ có đường kính gốc lên đến trên 1m, phải mất khoảng 10 năm mới đạt được chiều cao từ 20m - 40m để cho trái chín, và cứ 4 năm loài cây này mới cho trái chín một lần. Hạt ươi có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát, nên từ nhiều năm trước, thương lái đã thu mua nhưng với giá thành thấp nên mùa ươi chín, chỉ có những người dân từ tốn vào rừng nhặt ươi bay. Tuy nhiên, từ khoảng vài tháng nay, thương lái đột nhiên thu mua ồ ạt, cả quả chín lẫn trái xanh, trung bình từ 20.000 đồng/kg tươi đến khoảng 350.000 đồng/kg hạt khô nên đã xảy ra tình trạng, người dân ồ ạt vào rừng khai thác quả ươi mang về bán.
 
Khai thác theo kiểu tận diệt
 
Cũng bởi vậy, từ khoảng giữa tháng 6 đến nay, trên địa bàn nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người, có cả dân địa phương và những nơi khác đến, ồ ạt vào rừng khai thác ươi theo hình thức tận diệt. Không ai đủ kiên nhẫn chờ trái rụng mới nhặt, những người khai thác đã mang theo cả cưa xăng, cưa máy để triệt hạ những gốc ươi to cao hàng chục mét chỉ để hái trái, kéo theo những hệ lụy khôn lường. Song, vì cái lợi trước mắt, bất chấp tất cả, những phận người nơi đây vẫn đánh đu với tử thần để đổi lấy cuộc mưu sinh nghiệt ngã.
 
Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cây ươi sinh sống và phát triển mạnh ở các huyện A Lưới và Nam Đông, song sự bình yên bao đời nay đã bị xâm hại nghiêm trọng trong suốt thời gian qua. Với mức giá hấp dẫn mà thương lái đưa ra, nhiều người dân không chỉ ở địa phương, mà còn nơi khác lũ lượt kéo vào những cánh rừng để mưu sinh. Mùa ươi bắt đầu từ tháng 6, cũng là lúc các em học sinh nghỉ hè, theo bố mẹ đi hái ươi. Bình quân mỗi tuần có gia đình thu được hàng chục triệu đồng. Đó là chưa kể đến những người lén lút, liều lĩnh đốn hạ cây, thu nhập mỗi tháng trên 50 triệu đồng, thậm chí có hộ thu cả trăm triệu đồng. Kế đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có lẽ là địa phương xảy ra tình trạng nhức nhối nhất về khai thác quả ươi tại khu vực Trung Trung Bộ. Đã có những cái chết thương tâm liên tiếp xảy ra liên quan đến quá trình khai thác ươi, bởi địa phương này cũng là nơi tập trung số lượng ươi sinh sống nhiều nhất. Hàng trăm người khắp nơi đổ về Quảng Nam chặt phá rừng để hái quả ươi, khiến cho lực lượng chức năng, vốn đã thiếu và mỏng, nay lại càng yếu hơn bao giờ hết trước sức tàn phá ghê gớm của sự mưu sinh này, và sự buông lỏng tất yếu đã dẫn đến những tai nạn thương tâm. 
Quả ươi được phơi khô trước khi đem bán
Quả ươi được phơi khô trước khi đem bán
 
Khoảng 9h ngày 1/7, tại thôn 3, xã Trà Don, huyện Bắc Trà My, anh Hồ Thanh Hối (SN 1990), trú tại nóc Tắc Nầm, thôn 3, xã Trà Don, trèo lên cây ươi để chặt cành thì bị rơi xuống đất bể hộp sọ, gãy tay chân và chết trên đường đưa đi cấp cứu. Trước đó, vào ngày 29/6, cháu Hồ Văn Toán (SN 1999), trú tại thôn 3, xã Trà Leng, trong quá trình chặt cây ươi lấy hạt đã bị cây đè chết tại chỗ và ngày 25/6, ông Võ Vui (SN 1952), trú huyện Thăng Bình cũng bị rớt hố chết tại khu vực rừng phòng hộ thác 5 tầng xã Trà Mai trong quá trình đi hái hạt ươi. Ngoài ra, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Bắc Trà My, đã có thêm 5 người khác bị thương do chặt hạ cây ươi để lấy hạt.
 
Không chỉ rưng rưng nước mắt khi khai thác ươi rừng xảy ra tai nạn, ở những cánh rừng đỏ rực ươi mùa quả chín, trong hành trình mải miết mưu sinh, giữa những con người lao động tận cùng đói khổ với nhau đã xảy ra những cuộc tranh chấp, tranh giành lãnh địa dẫn đến đổ máu. Người dân thôn 5, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) vẫn còn ám ảnh bởi vụ án xảy ra vào chiều 12/6 tại cánh rừng của thôn xuất phát từ việc tranh chấp khu vực khai thác ươi. Anh Trần Xuân Hiệp, trú thị trấn Trà My đã bị Trần Văn Hướng, là người địa phương đâm thủng ruột phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch chỉ vì nhóm khai thác ươi của anh đã xâm phạm “lãnh địa” cánh rừng Trà Giác thuộc quyền “quản lý” của Hướng để khai thác ươi bay.
 
Tiếp đó, khoảng 17h45 ngày 30/6, cũng tại xã Trà Giác, do mâu thuẫn trong quá trình làm ăn, đối tượng Huỳnh Văn Thanh (SN 1990), điều khiển xe máy mang BKS 67M1-21884, chở theo Danh Thừa (SN 1989), trú tỉnh An Giang, trên đường đi hái quả ươi về đã phóng nhanh, vượt ẩu nên đâm thẳng xe vào ông Nguyễn Hồng Linh (SN 1956), một người bản địa, làm ông Linh chết tại chỗ.
 
Không riêng gì Thừa Thiên - Huế hay Quảng Nam, các tỉnh duyên hải miền Trung khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hay các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Kon Tum, vấn nạn khai thác quả ươi bằng cách triệt hạ cây vẫn đang diễn ra ồ ạt khiến cho cơ quan chức năng gần như bất lực trong việc tìm cách đối phó. Tính đến ngày 27/7, đã có ít nhất 8 người chết và hàng chục người bị thương trong lúc khai thác ươi rừng. Tại tỉnh Khánh Hòa, người khai thác ươi còn ngang nhiên vào rừng dựng lán trại, sau đó đánh dấu, phân chia từng cây ươi để chờ ngày hái quả.
 
Quyết liệt ngăn chặn tệ nạn chảy máu rừng vì khai thác ươi
 
Trước tình hình cây ươi bị triệt hạ và nhiều tai nạn, tệ nạn liên tiếp xảy ra do khai thác ươi, chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã có những biện pháp cứng rắn, chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ địa đàng xanh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý cây ươi trên địa bàn tỉnh. Phòng Cảnh sát môi trường (PC46) Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Kim Huệ (SN 1977, trú tại 158 Trần Cao Vân) và Nguyễn Thị Ngọc Thạch (SN 1973, trú tại 70, Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ) có hành vi vận chuyển trái phép 5.653kg ươi đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc nên đã tiến hành bắt giữ và xử phạt.
 
Những cây ươi rừng khổng lồ bị triệt hạ để hái quả
Những cây ươi rừng khổng lồ bị triệt hạ để hái quả
 
Tính đến ngày 10/7, Phòng PC46 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 9 đối tượng về hành vi khai thác, vận chuyển ươi trái phép, phạt tiền 895 triệu đồng, tịch thu 10,074 tấn quả ươi, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,784 tỷ đồng.
 
Thượng tá Lê Văn Hồng, Trưởng phòng PC46 Công an Quảng Nam cho biết thêm, việc kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển ươi gặp nhiều khó khăn, trở ngại không nhỏ. Vì lợi nhuận, đa số đối tượng vi phạm có thái độ chống đối, phản ứng gay gắt, không cho tổ công tác kiểm tra phương tiện, địa điểm vi phạm. Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, trong nỗ lực bảo vệ rừng ươi, để ngăn chặn, lực lượng Kiểm lâm đã phải phối hợp với Công an, Biên phòng, chủ rừng và lãnh đạo các xã tổ chức 9 đợt truy quét, chốt chặn, phát hiện hàng trăm cây ươi bị chặt hạ, kiểm tra và xử lý 72 vụ khai thác cây ươi, vận chuyển hạt ươi trái phép. Qua đó, thu giữ trên 7,72 tấn hạt ươi không rõ nguồn gốc, tịch thu 5 xe ôtô, 3 xe môtô và 26 máy cưa xăng.
 
Cũng tại Quảng Nam, trong gian khó đã xuất hiện những mô hình giữ rừng có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao cho cộng đồng. Ấy là việc người dân Ca Dong ở làng Tắk Nầm, thôn 3, xã Trà Don, huyện Nam Trà My đã biết cách liên kết bảo vệ rừng ươi, không cho người lạ vào rừng chặt hạ hái quả, tổ chức cho dân làng cam kết khai thác theo kiểu truyền thống. Để bảo vệ được rừng ươi, gần 200 người của 45 hộ dân trong làng đăng ký danh sách đi khai thác ươi. Danh sách đăng ký với xã và được Kiểm lâm sở tại xét duyệt cho phép tham gia khai thác theo kiểu truyền thống là chỉ thu lượm ươi chín rụng, không được đốn hạ. Đồng thời liên kết bảo vệ, nghiêm cấm người lạ xâm nhập vào rừng, đốn hạ khai thác trái phép. Hiệu quả của việc làm này là, bình quân mỗi hộ dân một ngày thu được 12 - 15kg ươi khô bay rụng, mỗi người có thu nhập hơn 700 nghìn đồng/ngày.
 
Từ đầu mùa tới nay, dân làng Tắk Nầm thu được khoảng 8 tấn ươi, tương đương với hơn 1,2 tỷ đồng, nếu chia đều cho 45 hộ dân trong thôn thì bình quân mỗi hộ có thu nhập khoảng 26 triệu đồng. Cuộc chiến bảo vệ rừng ươi ở miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, quyết liệt là vậy song xem ra vẫn đang là một cuộc chiến đấu lâu dài, đầy cam go và thử thách, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các cấp chính quyền.
 

 

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác