Phóng sự
Trầm bạc tỉ, thú chơi thượng lưu xứ Huế
09:52, 30/08/2014 (GMT+7)
"Loại trầm hương mua từ Lào về có giá 700-800 triệu/kg bây giờ hiếm lắm, nhiều người nghĩ rằng loại trầm càng cao giá thì càng khó bán. Nhưng ngược lại, trầm có chất lượng tốt, giá càng cao thì càng dễ bán. Cứ có hàng loại này là sẽ có khách đặt trước ngay, khách còn tranh mua luôn đó. Nhiều khách ở Hà Nội, tôi chỉ cần gửi email ra cho họ xem hình ảnh hàng và nếu đồng ý giá mua là họ chuyển tiền cho tôi, sau đó tôi sẽ chuyển hàng ra cho họ. Rất đơn giản và nhanh gọn", anh Lê Quốc Hải (phường Phước Vĩnh, TP Huế) chia sẻ.
Làm giàu từ nghề đẩy trầm
Khi chúng tôi tìm đến "xưởng" (thực chất chính là nhà ở của chủ "xưởng") chế biến trầm dó (còn gọi là xoi dó hay đẩy trầm, xỉa trầm) của anh Lê Quốc Hải (43 tuổi), năm công nhân, người mình trần, người áo thun, vẫn đang say sưa, cần mẫn miệt mài dùng dao, đục... chặt, đẽo gọt từng khúc gỗ dó. "Công việc này khá dễ làm, làm lâu quen tay là có thể kiếm tiền ổn định lo cho gia đình", một "thợ đẩy trầm" đang làm công cho gia đình anh Hải nói vậy.
Khởi nguồn từ những phu đi trầm đã chồn chân, đến nay nghề này gần như không kén đối tượng lao động nào, từ người già đến trẻ nhỏ và không phân biệt đàn ông, đàn bà. Chỉ cần siêng năng, cần cù là có thể làm được việc và có kế sinh nhai ổn định.
"Tôi thuê thợ có khi 5-7 người, có khi lên tới 10 người, thậm chí hơn nữa. Mình đi chọn mua cây dó về rồi tiến hành đục, tỉa. Tôi thường mua dó ở Hà Tĩnh, sau đó khoan các lỗ để "vô thuốc tạo trầm". Hơn 20 năm trong nghề, tôi biết rõ cây dó nào có nhiều tinh dầu", anh Hải nói.
Dù đã 20 năm trong nghề nhưng bản thân anh Hải (có vợ và bốn người con) lúc đầu cũng chỉ là phu tìm trầm rồi làm thợ đẩy trầm, cứ vậy dần dần quá trình tìm tòi, học hỏi đã khiến anh trở thành một thợ lành nghề và đứng ra làm chủ "xưởng" như hiện nay. Ngay cả người vợ của anh cũng tham gia vào công việc đẩy trầm như các thợ khác trong "xưởng".
Giá mua cây dó cũng tùy theo kích thước, năm tuổi của cây. Theo anh Hải, nguyên tắc chung khi mua dó là cây có nhiều lỗ khoan tạo dầu, vỏ cây có màu xám đậm tất nhiên chứa nhiều tinh dầu. Tuy nhiên muốn đảm bảo nhất cần dùng đục thử ngay tại vườn bằng cách xoi vào thân cây...
Tuy đơn giản nhưng công việc này tương đối vất vả. Thợ phải khuân vác dó từ vườn về xưởng, rồi mới đến công đoạn đục đẽo. Mỗi thợ đẩy trầm kiếm khoảng 200 - 250 ngàn mỗi ngày. "Trước tiên phải bóc sạch vỏ cây rồi chặt thân cây thành từng đốt ngắn. Sau đó đẽo đến khi nào phát hiện có tinh dầu thì dừng lại. Cuối cùng là khâu làm sạch, từ giai đoạn này người thợ phải cẩn thận, tỉ mẩn đục, đẽo để gạn sạch giác gỗ trắng, chừa lại phần gỗ đen có chứa tinh dầu. Dụng cụ làm sạch như dao, đục... càng sắc bén càng hạn chế phần gỗ tinh dầu rơi vãi ra ngoài nhờ tránh được làm gỗ xây xước. Ngoài ra tùy thuộc vào tay nghề của thợ xoi, người thâm niên trong nghề rất hiếm gây lãng phí tinh dầu".
Để chứng minh cho lời mình nói, anh Hải cầm một miếng "mắt trầm" giải thích: "Đây là thành phẩm, sau khi đã làm hết các công đoạn, "mắt trầm" này có chứa tinh dầu nên phần thịt cây sẽ có màu đen đậm".
Do công việc đòi hỏi tỉ mẩn, cẩn trọng nên một ngày bình quân các thợ đẩy trầm cũng chỉ có thể đẽo đục được khoảng 3-4 lạng tinh dầu, loại này có giá dao động từ 10 đến 12 triệu đồng/kg.
Một cây trầm kiểng để trang trí - thú chơi trầm kiểng hiện đang được giới đại gia ưa chuộng. |
Theo nhiều nguồn thông tin thì cây dó có nhiều loại, ở Việt Nam chủ yếu là loài dó bầu, tên khoa học là Aquilaria crassna. Cây dó có thể cao từ 30-40m, vỏ xám, gỗ mềm. Gỗ dó từ 8-10 năm có khả năng tích lũy tạo nhựa trầm vô cùng quý hiếm. Ngày nay để kích thích cây dó cho trầm, người ta khoan, đục những lỗ trên thân cây rồi cấy thuốc tạo tinh dầu. Sau khoảng hai năm cây dó bắt đầu cho tinh dầu và có thể khai thác. Loại cây này cũng rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất đai trung du miền Trung.
Theo anh Phạm Văn Thanh, một hướng dẫn viên du lịch có nghề ở Thừa Thiên-Huế, nghề trồng dó, đi trầm, chế biến trầm hương rất nổi tiếng ở xứ này. Ngoài phường Phước Vĩnh, có thể kể một số nơi nghề này thịnh như phường Trường An, phường Thủy Xuân, phường An Tây... Dù đã có thời gian nghề này lắng xuống, nhất là khoảng thời gian sau năm 1999 - khi mà việc đi rừng tìm trầm gần như không còn nữa, nhưng bây giờ nhờ thành công trong việc trồng dó tạo trầm, nghề đẩy trầm, tạo trầm xông... phát triển trở lại, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình, thậm chí nhiều người đã phất lên, giàu có, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Đặc biệt, một xu hướng mới là hiện nay có cả chuyện xuất khẩu lao động có chuyên môn đẩy trầm ra nước ngoài, trong đó nhiều nhất là sang Malaysia, nơi có khá nhiều những cánh rừng có nhiều dó trầm nên họ cần tuyển đội ngũ thợ lành nghề vào rừng tìm trầm hay đẩy trầm. Việc xuất khẩu lao động dạng này đã diễn ra gần chục năm nay, đem lại thu nhập rất cao cho người lao động.
Trầm mỹ nghệ giá càng cao, càng dễ bán
Sau khi đã giới thiệu về công việc đẩy trầm hay xoi dó, anh Hải dẫn chúng tôi vào nhà trong... Vừa vào đến nơi, hương trầm tỏa nồng nàn khắp phòng. Nhiều bao trầm kiểng hay còn gọi là trầm mỹ nghệ với giá trị khá lớn nhưng lại được một cách khá bừa bộn trên bàn và cả dưới nền nhà. Vừa cầm bao trầm kiểng lên, anh Hải vừa giới thiệu: "Với loại trầm này, khách mua về thường để trưng trong phòng khách, văn phòng hay nhà hàng, khách sạn… Nó không chỉ để trang trí mà còn có thể đuổi muỗi, loại trừ khí độc, tà ma, theo phong thủy rất tốt. Mặt hàng này bán khá chạy, chủ yếu dành cho người khá giả, đại gia hoặc dùng để xuất khẩu ra nước ngoài vì giá bán của nó khá cao, từ 30 triệu đồng/kg trở lên".
Theo anh Hải, bên cạnh việc đẩy trầm hay xoi trầm ép lấy tinh dầu thì gần đây ngày càng có nhiều người đến đặt hàng trầm mỹ nghệ hay trầm kiểng. Đối với những cây dó có hình dáng đẹp, nhiều lỗ khoan, người ta không đục đẽo ép lấy tinh dầu mà để nguyên cây chạm khắc mỹ nghệ. Với niềm tin loại trầm này có thể xua đuổi tà khí, khử dó độc theo quan niệm dân gian nên giá của loại trầm này có khi được đẩy lên cao ngất ngưởng. Nhiều cây có dáng đẹp và độc đáo có khi giá bán lên tới mấy trăm triệu hoặc gần cả tỉ bạc.
Nói tới loại trầm tự nhiên, hoang dã của Lào, anh Hải hào hứng cho biết, loại trầm này thường có tuổi thọ lớn, hàm lượng tinh dầu cao. Nhưng nó cũng được phân loại theo lượng và màu sắc tinh dầu. Tinh dầu càng đậm, càng dày, màu càng đen thì giá càng đắt. "Cây dó tự nhiên của Lào giá bán thường rất cao và theo nhiều mức giá khác nhau. Vì tùy theo lượng tinh dầu và cả màu sắc của loại tinh dầu có trong cây dó, nếu cây nào thả vào nước mà nó chìm xuống do tinh dầu có nhiều thì 1kg loại này có thể giá bán lên tới khoảng 700-800 triệu. Bên cạnh đó, các loại khác có nhiều mức giá và tùy theo cảm quan của mỗi người, có thể từ 30, 50, 70, 80 tới hàng trăm triệu đồng.
Những thợ đẩy trầm miệt mài, kì công với công việc của mình. |
Bình thường sau khi vào rừng khai thác nếu có hàng thì người Lào sẽ gọi điện qua chào giá, nếu đồng ý mua thì chúng tôi sẽ nhanh chóng qua và trả tiền rồi mang hàng về. Nhưng dù mua bên Lào về thì thợ của tôi vẫn phải đục đẽo, tỉa kỹ lưỡng trước khi thành phẩm", anh Hải cho hay.
Thấy tôi thắc mắc về loại trầm có giá gần cả tỷ bạc có thể sẽ khó bán vì giá cao và kén khách, nhưng anh Hải lại cười bảo rằng, nếu có loại đó sẽ rất dễ bán vì cứ có hàng là sẽ có khách đặt trước ngay. "Nói ít người tin chứ loại trầm chất lượng càng tốt, càng cao giá thì càng dễ bán vì chỉ cần có hàng là tôi sẽ gửi hình ảnh và giới thiệu qua email cho khách hàng xem. Nếu khách hàng nào thích và đồng ý giá mua là họ nhanh chóng xác nhận, chuyển tiền cho tôi trước rồi tôi mới chuyển hàng tận nơi cho họ". Theo anh Hải, với loại hàng cao cấp đó, nhiều khách cả ở trong nước và nước ngoài còn tranh nhau mua. Nhưng hiện nay tìm được loại trầm như thế vô cùng hiếm gặp vì chúng ngày càng ít và không phải dễ tìm.
Có thể nói, so với việc người người, nhà nhà kéo nhau vào rừng, ra tận Quảng Bình, Hà Tĩnh, thậm chí sang đến Lào để tìm kiếm trầm về bán, với biết bao nguy nan, hiểm họa cho người tìm trầm; thậm chí đã có nhiều người phải bỏ mạng chốn rừng sâu nước độc vì trầm, thì việc đẩy trầm hay gia công như hiện nay nhẹ nhàng và "sướng" hơn rất nhiều. Nhờ nghề này, mà gia đình anh Hải cũng như nhiều gia đình khác ở Huế có thu nhập ổn định, thậm chí khá cao so với mặt bằng chung, để chăm lo cho gia đình, ổn định cuộc sống, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác
Nguồn: CSTC.CAND.COM.VN