Phóng sự
'Kiếp cầm ca' của những cử nhân thất nghiệp
15:11, 08/10/2014 (GMT+7)
Được ăn học, ra trường cầm tấm bằng cử nhân trong tay, họ bắt đầu cuộc mưu sinh đầy khốc liệt nơi thị thành. Người may mắn được làm đúng nguyện vọng nhưng không ít cử nhân đã phải dấn thân vào kiếp "mua vui" đường phố. Hát rong hiện nay được coi là nghề cứu cánh cho rất nhiều cử nhân thất nghiệp. Họ cũng phải luyện tập bài bản, cứ tưởng đó là cái nghề tự do ấy lại phải o ép bởi những luật chơi theo kiểu giang hồ mà ít người tưởng tượng ra.
Tâm sự đắng lòng của cử nhân đi hát rong
Những con phố Hà Nội về chiều mỗi lúc một thưa người, sự hối hả của một ngày làm việc nhường chỗ cho ánh đèn đường vàng vọt. Đó cũng là lúc Thắng cùng nhóm bạn bắt đầu công việc "mua vui cho thiên hạ". Hì hục lôi bộ loa khá đồ sộ ra khỏi phòng trọ, bật nguồn, thử míc bằng giọng đặc tiếng địa phương rồi nhanh chóng cùng 2 người bạn hướng về phía quảng trường của sân vận động Mỹ Đình.
Nể người quen Thắng mới cho chúng tôi bám càng, trải nghiệm những vất vả của những người mang "kiếp cầm ca" đường phố. Thắng bảo: "Cái nghề này phần vì thích, phần vì không thể kiếm được công việc khác bọn em mới làm. Chứ chúng em toàn cử nhân, ăn học đàng hoàng mà đêm nào cũng phải lang thang, hát cho người ta nghe, nhặt từng đồng bạc lẻ. Em nào đâu có muốn".
Theo như những "ca sĩ" đường phố này, hiện trên địa bàn Hà Nội có tới vài chục nhóm hát rong. Trong số họ không ít là sinh viên, thậm chí cả cử nhân đại học đã tốt nghiệp. Họ đều xuất thân từ những tỉnh lẻ như Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… sau khi học xong chuẩn bị cả mấy chục bộ hồ sơ xin việc nhưng rồi đi đâu cũng bị lắc đầu. Vạn bất đắc dĩ họ mới phải "xin là người hát rong" như vậy.
Tưởng chừng đây là nghề tự do nhưng hát rong cũng phải tuân thủ luật chơi theo kiểu giang hồ |
Với mái tóc vàng, gương mặt đặc "quê kiểng" Văn Tâm được coi là "ca sĩ" hát chính của nhóm. Tâm còn nhớ như in cái ngày cả làng cả, xóm mừng ra mặt vì nhận tin anh đỗ đại học trên Hà Nội. Ai nấy cũng xuýt xoa, mừng cho gia đình anh nay mai có cơ hội đổi đời, thoát nghèo. Sau 4 năm ăn học, cầm tấm bắng tốt nghiệp đại học loại ưu Tâm hừng hực khí thế, bắt đầu gõ cửa đi xin việc.
Một tháng, hai tháng rồi một năm không thể chen chân kiếm được công việc như mong muốn, Tâm bắt đầu thấm sự nghiệt ngã của kiếp mưu sinh. Áp lực thuê nhà, tiền ăn hàng tháng khiến Tâm làm bất kể nghề gì có thể từ chạy bàn, rửa bát thuê. Vốn có giọng hát, Tâm bắt đầu bén duyên với nghề hát rong 3 tháng nay. "Mưu sinh thì còn kể gì đến sạch bẩn, sang hèn nữa. Không làm không có tiền trụ ở đất này nên phải làm thôi". Dứt lời Tâm nói đầy chua chat: "Hát rong còn "sạch" gấp nghìn lần cái nghề trai bao mà bạn tôi có thằng đã làm".
Dẫu sao họ cũng được liệt vào hàng những người trí thức, có học. Ngày ngày bêu mặt đúng những chỗ đông người nhất để hát, để mua vui. Không ít người phải bỏ nghề vì không chịu được xấu hổ khi gặp người quen, bạn học. Một lần đang cất cao giọng hát tại một quán bia trên đường Lê Đức Thọ, Tâm vô tình gặp lại cô bạn cùng lớp đại học trước đây. Thật cay đắng, cô bạn đang cười nói hoan hỉ bên chồng kia lại chính là người yêu cũ thời sinh viên.
Tâm kể: "Nghĩ cũng cay đắng thật. Bọn em không đến được với nhau cũng chỉ vì cấm đoán, vì em nghèo. Vậy mà trong bộ dạng một kẻ hát rong, kẻ ăn mày em lại gặp cô ấy. Chắc chắn cô ấy đã nhận ra giọng hát của em ngay từ những câu đầu tiên. Bởi ngày sinh viên em thường hát cho cô ấy nghe mà".
Quả thực có tiếp xúc, trò chuyện với những "kiếp cầm ca", đặc biệt là những cử nhân chúng tôi mới thấy được họ khó khăn thế nào để vượt qua được sự tự ái của bản thân. Nguyễn Văn Đông, một sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng Du Lịch nhưng chưa xin được việc. Khi gia đình ngừng chu cấp vì lý do khó khăn, dồn tiền nuôi các em ăn học.
Với bộ loa vài triệu đồng, các nhóm hát rong có thể kiếm cơm khá dễ dàng |
Làm đủ nghề nhưng cũng chẳng nuôi được chính mình, lại không dám nói với bố mẹ ở quê là đang thất nghệp.Đông được một người bạn giới thiệu đi hát rong bán kẹo cao su. "Bố mẹ em mà biết em chưa kiếm được việc chắc buồn lắm. Em vẫn bảo là đã xin được làm hướng dẫn viên du lịch. Cứ nói vậy cho bố mẹ yên tâm”- Đông nói như khóc.
Hát rong cũng là một công việc, phải bỏ sức lao động, mồ hôi và nước mắt để kiếm được đồâng tiền. Thế nhưng, đặc thù nghề nó nhạy cảm, ngày ngày phải lang thang khắp các phố phường Hà Nội, chườn mặt ra những chỗ đông người nhất để mua vui.
Anh Hưng người mới vào nghề được 3 tháng tâm sự: “ Nói thật ra thì nhiều lúc cũng thấy nhục lắm. Hát cho người ta nghe, người ta thông cảm thì mua giúp phong kẹo, gói bông ngoáy tai hoặc thậm chí là cho không tiền. Thế nhưng cũng không thiếu gì người dè bửu nói chúng tôi là thanh niên sức dài vai rộng làm gì không làm lại đi xin tiền bố thí của thiên hạ”.
Vội vã chia sẻ những câu chuyện đời với chúng tôi, nhóm hát rong của Thắng lại lặng lẽ tiến về phía đông người. Họ lại cất cao giọng hát, cặm cụi ngửa mũ ra đón những đồng bạc lẻ của người qua đường. Cái nghề mua vui cho thiên hạ ấy cũng thật lắm nỗi buồn.
Hát rong cũng có ông bầu
Những tưởng các nhóm hát rong ở Hà Nội lập ra tự phát, mạnh ai nấy làm nhưng thực chất họ đều hoạt động dưới một "người quản lý". Người này có nhiệm vụ đào tạo, đứng ra "bảo kê" địa bàn thậm chí còn sắm cả đồ nghề hoạt động. Chính vì vậy hát rong, bán kẹo cao su được bao nhiêu các nhóm hát này đều phải nộp cho "người quản lý", sau đó sẽ chia lương, thưởng cho từng người. Họ luôn đặt ra tiêu chí chỉ nhận tiền khi người hảo tâm bỏ vào mũ, vào hộp. Tuyệt đối không giật đồ, ăn cắp vặt, nếu vi phạm sẽ bị khai trừ ra khỏi nhóm. "Anh Hùng lúc nào cũng bảo bọn em như vậy, bởi bọn em lao động chân chính, sống được là nhờ vào lòng tốt của mọi người". - Đông nói.
Qua tìm hiểu, trên địa bàn Hà Nội có một người đứng đầu, lập ra các nhóm, chia địa bàn để hoạt động, tránh tình trạng tranh giành của nhau. Sau mỗi ngày đi hát số tiền bán kẹo cao su, được cho sẽ dồn lại, đếm tổng rồi đưa hết cho người quản lý. Điều đặc biệt các nhóm hát không bớt xén, giấu giếm nửa đồng.
Anh Tâm chia sẻ: "Đó là ý thức của mỗi người. Cái nghề này cũng cần có hội có phường, không thể tự sắm đồ rồi đi ra hoạt động được. Nếu như "người quản lý" biết gian lận chắc chắn sẽ bị đuổi việc, thậm chí còn bị xử kiểu giang hồ". Lương của những người hát rong thường từ 3 - 4 triệu đồng.
Nhóm hát thường chọn quán bia buổi chiều để hành nghề |
Nếu như nhóm hát nào chịu khó, hát hay bán được nhiều kẹo, xin được nhiều tiền sẽ được người quản lý thưởng chung 3 đến 4 triệu chia nhau. Đặc biệt có người lương lên tới 7 triệu đồng vì có giọng hát hay, đặc biệt, có thể giống những ca sĩ nổi tiếng. Giới hát rong ai cũng biết Mr Thắng với giọng đặc biệt kiểu Mr Đàm, anh này đều như vắt chanh, tháng nào cũng nhận đủ 7 triệu đồng.
Các nhóm này thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để tránh sự nhàm chán cho "khán giả". Sự thay đổi địa bàn cũng được quy định khá chặt chẽ, nếu như vi phạm sẽ bị người quản lý phạt tiền, thậm chí bài trừ ra khỏi hội.
Hát rong đường phố cũng được đào tạo khá bài bản, từ cách hát cho đến cách đi lại, ứng xử với khách hàng. Bên cạnh giọng hát, người hát rong cần phải luôn thể hiện sự tự nhiên cần thiết. Luôn tỏ ra nhún nhường, lấy lòng người đối diện. Có như vậy mới "móc" được tiền của thiên hạ.
Văn Tâm chia sẻ: "Đi hát nhiều rồi sẽ có kinh nghiệm. Nhiều khi gặp nhóm ăn uống đang vui vẻ họ cần phấn khích mình cũng phải hát bài nào vui nhộn, có khi phải nhảy phụ họa. Vừa lòng họ mới cho tiền. Hoặc đến những chỗ nhiều đôi trai gái uống nước, ngắm phố mình lại hát những bài mũi mẫn, tình yêu nồng nàn. Thậm chí cần thiết phải giả khóc khi đang hát. Nếu hát không đúng gu người ta, chưa biết chừng bị đuổi, thậm chí họ còn đánh cho". Dứt lời Tâm nói tiếp: "Tháng trước ông bạn em vào quán nhậu, toàn dân máu mặt lại đi hát bài mùi mẫn, giả khóc. Suýt bị chúng nó đánh cho nhừ đòn".
Không phải tự nhiên nhiều cử nhân, sinh viên phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" đi làm nghề hát rong. Đơn giản bởi nghề này không phải ai cũng làm được, chí ít cũng phải có chất giọng, hát lọt tai người khác. Mỗi đêm nếu như chịu khó lang thang các quán ăn, chợ cóc cũng kiếm được đến tiền triệu. Vốn bỏ ra không đang kể, chỉ là bộ loa, míc vài triệu đồng, kèm theo là những đồ bán lặt vặt như: kẹo cao su, bông ngoáy tai. Kinh nghiệm của những người hát rong chuyên nghiệp là vào những quán bia vỉa hè buổi chiều, thực khách ở đây thường khá thoáng, tiền mua kẹo, cho thường có mệnh giá 10; 20 thậm chí 50 nghìn.
Thắng tâm sự: "Vào các quán bia chủ yếu là các người thoáng tính. Tuy nhiên một người hát, người kia phải hết sức nhanh nhẹn và hiểu ý đi bán kẹo. Khi uống phê phê, người ta thường thích nghe hát. Khi vào bán kẹo hay xin tiền họ nhanh chóng cho ngay để tránh làm phiền khi nghe hát. Cứ như vậy phải có sự kết hợp linh hoạt".
Nguồn: cstc.cand.com.vn