Phóng sự

Sự thật về những cái chết thương tâm trên cầu 'Vĩnh biệt'

15:40, 06/10/2014 (GMT+7)
Dù bị cấm, nhưng gần 20 năm nay, người dân các xã Tam Tiến, Tam Xuân 1, Tam Phú... vẫn mặc nhiên dùng mương thủy điện này như là một "tuyến giao thông". Biết rằng hiểm nguy, nhưng do bức bách việc qua lại, trở ngại xa xôi giữa hai bên bờ sông nên người nông dân và các cháu học sinh nơi đây mới đâm liều đến vậy.
 
Để rồi mỗi đầu năm học mới, mùa mưa lũ tràn về, khi những cái chết xảy chân, rớt cầu liên tục xảy ra, thì câu chuyện "ao ước" có một cây cầu tử tế lại trở thành chủ đề không dứt của dư luận. Mương thủy lợi có tên là "cầu Máng", bấy lâu nay nó phải mang một biệt danh "cầu Vĩnh biệt". Bởi đã 16 người chết, hàng chục người khác may nhờ được cứu kịp không thì cũng vong mạng với hà bá sông Trường Giang.
 
Lời nguyền và những cái chết thương tâm ở cầu Vĩnh biệt
 
Cầu Máng thủy lợi trơ trọi, bé xíu rộng chỉ 0,8m dài đến 200m vắt ngang qua đoạn sông Trường Giang nối liền các xã Tam Tiến, Tam Xuân, Tam Phú (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lúc nào cũng sâu hun hút, cuồn cuộn nước  đục ngầu từ thượng nguồn đổ về. Từ năm 1989, cầu Máng được xây dựng chỉ với mục đích phục vụ đưa nước từ công trình đại thủy nông Phú Ninh về tưới tiêu cho hàng chục hécta lúa thuộc đồng bãi vẹt xã Tam Tiến.
 
Ấy vậy nhưng từ khi có cây cầu, thì dân hai bên bờ Trường Giang trước phải lụy đò qua sông, nay người già, phụ nữ cẩn trọng thì đi bộ, dắt xe; đám thanh niên trai trẻ lại xe máy, xe đạp công kênh hàng hóa phóng ào ào qua cầu. Mấy cháu học sinh của xã Tam Tiến tại xã không có trường cấp 3, thay vì phải mất đến hơn 20 phút, 7km đường xa ngược qua cầu Tam Kỳ để đến trường bên kia sông, thì nay cũng liều đi đường tắt mà qua cầu này.
 
Có điều, đối với người dân hai bờ Trường Giang nhiều năm qua nhắc tên cầu Máng có lẽ ít thông dụng bằng cái tên cầu "Vĩnh biệt". Một câu chuyện bằng lời nguyền chết chóc, những cái chết thương tâm ở cây cầu này đã được truyền tai, đồn thổi như một lời nhắc nhở người dân sự hiểm nguy khi qua cầu.
 
Chính quyền xã Tam Tiến đã dựng biển cảnh báo, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm qua lại trên cây cầu đã dẫn đến những cái chết thương tâm
Chính quyền xã Tam Tiến đã dựng biển cảnh báo, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm qua lại trên cây cầu đã dẫn đến những cái chết thương tâm
 
Theo lời kể của dân xã Tam Tiến thì tên cầu "Vĩnh biệt" bắt đầu từ cái chết của một cặp tình nhân sắp cưới trên cầu. Người ở quê xứ này có quan niệm mê tín rất lạ kỳ, vợ chồng trước ngày cưới không được dắt nhau qua cầu sẽ gặp chuyện bất trắc. Ấy vậy mà chiều chạng vạng cuối năm ấy, đôi tình nhân trẻ người trước, kẻ sau lại dắt dìu nhau qua cầu Máng để phát thiệp hồng cho bà con hai họ. Nào đâu, khi ra giữa cầu nhỏ hẹp không lan can, dây vịn, một cơn gió lốc làm cô gái chao đảo rồi trượt chân rơi suống dòng nước sâu hun hút. Để cứu vợ sắp cưới, anh thanh niên cũng vội vã lao suống dòng sông sâu để lặn tìm...
 
Tìm mãi, lặn mãi đến cuối cùng ngay cả chàng trai trẻ cũng mất dạng dưới lòng sông. Cô gái lúc tử nạn cũng đã có thai được gần 3 tháng, và kể từ đó, người qua lại trên cầu Máng thường rỉ tai nhau, chuyện hễ chập choạng tối lại gặp thoắt ẩn thoắt hiện một đôi nam nữ ai oán đứng trên cầu. Tiếp sau cái chết của đôi tình nhân này, một năm sau cũng ngay tại cầu Máng đã xảy ra vụ lật thuyền thương tâm làm 6 người chết.
 
Nhiều năm gần đây, nhất là vào dịp cuối năm cầu Máng lại chứng kiến liên tục những cái chết thương tâm do trượt chân, rớt cầu khiến cho lời đồn "cầu vướng lời nguyền" cứ vậy lan xa... Đến nỗi, dân hai bờ Trường Giang lập cả miếu thờ và bây giờ chỉ toàn gọi cầu Máng là cầu Vĩnh biệt...
 
 
Mới đây nhất, cái chết khi qua cầu Vĩnh biệt của bà bán lá chuối Nguyễn Thị Đồi, ở thôn Tiến Thành (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) vào trưa ngày 19/8/2014 thêm một lần nữa khiến người dân trong xã không khỏi hoang mang. Hôm đó, như thường nhật bà Đồi loanh quanh thu mua lá chuối khắp xã Tam Xuân 1 để về gói bánh bỏ chợ.
 
12h trưa nắng gắt, mệt mỏi, nhưng vì lo thằng con trai ở nhà ngóng mẹ buổi cơm trưa nên bà Đồi cứ liều cắm cúi, vội vã chạy xe qua cầu Máng. Đến giữa cầu, chiếc xe cồng kềnh chở lá bỗng loạng choạng rồi lao thẳng suống dòng sông, tai nạn của bà Đồi được một người dân qua cầu phát hiện hô hoán, kêu cứu...
 
Nhưng phải đến chiều ngày hôm sau thi thể bà mới được tìm thấy. Một cái chết ở cầu Vĩnh biệt cũng để lại nỗi đau, day dứt cho người thân là của chị Nguyễn Thị Lan (36 tuổi). Trùng hợp là chị Lan cùng là người thôn Tiến Thành như bà Đồi. Cuộc sống thuần nông quần quật quanh năm với ruộng đồng, nhưng vợ chồng chị Lan, anh Nguyễn Dương vẫn không thể nào lo đủ cho cả gia đình tới 5 miệng ăn. Vừa sinh con trai thứ 3 được một tháng rưỡi, chị Lan đã phải đạp xe ra chợ xin làm dọn dẹp, phụ việc để có thêm thu nhập.
 
Chiều tối mịt cuối năm 2010, khi qua cầu Vĩnh biệt, chị Lan đã không kịp mang gạo, mang sữa về cho các con. Ba đứa con nhỏ dại, đứa lớn mới lên 10, đứa nhỏ giờ mới chưa đầy 4 tuổi kể từ ngày mẹ vĩnh viễn bỏ mạng dưới chân cầu, phải chịu cảnh mồ côi, cha bệnh tật gà trống nuôi con cuộc sống muôn bề khó khăn...
 
Vì nghèo khó nên xã cấm mà dân vẫn cứ liều!?
 
"Đã rất nhiều cái chết thương tâm xảy ra, tại hai bên đầu cầu đều có bảng cảnh báo nguy hiểm, cấm giao thông nhưng người dân vẫn cứ đi, cứ cố tình liều?. Chính quyền địa phương đã giải quyết vụ việc như thế nào để ngăn chặn, bảo đảm tính mạng, an toàn cho người dân"?... Câu hỏi mà PV chuyên đề CSTC và nhiều cơ quan truyền thông đặt ra gần đây hiện vẫn chỉ nhận được lời giải đáp chung chung, viện lý do khó khăn, thiếu vốn.
 
Trưởng thôn Tiến Thành, ông Mai Xuân Hùng vừa đem Biên bản vụ tai nạn cầu Máng ra cho PV xem vừa thở dài chia sẻ: Dân quê ở đây, chủ yếu là người đi chợ, dân làm đồng sống tại hai xã Tam Xuân 1 và Tam Tiến. Mấy hôm nay vào năm học mới, mỗi ngày có đến hàng trăm cháu học sinh sử dụng cây cầu đầy nguy hiểm này làm đường đi học. Cô thấy đấy, với người dân quê làm ra hạt gạo, đồng tiền khó lắm. Nên nếu đi tắt qua cầu Vĩnh biệt đỡ được 7km đường, tiết kiệm chí ít cũng cả lít xăng hơn 20 ngàn mỗi ngày thì họ quý vô cùng...
 
Bà Nguyễn Thị Đào (61 tuổi) dù từng là nạn nhân gặp nạn thoát chết, nhưng vì bức xúc mưu sinh hàng ngày vẫn liều mình qua cầu Vĩnh biệt
Bà Nguyễn Thị Đào (61 tuổi) dù từng là nạn nhân gặp nạn thoát chết, nhưng vì bức xúc mưu sinh hàng ngày vẫn liều mình qua cầu Vĩnh biệt
 
Đã rất nhiều lần chính quyền địa phương tổ chức họp dân, bản thân trưởng thôn cũng phải trực tiếp đến từng nhà, gặp từng người để vận động, tuyên truyền bà con không nên để con em, nhất là các cháu học sinh chạy xe qua cầu Máng... Nhưng vì tiện đường, chủ quan mà đã xảy ra nhiều cái chết đáng tiếc như trên. Là trưởng thôn, nên mỗi lần có tai nạn xảy ra, tôi lại phải vừa tổ chức dân tìm kiếm, cứu vớt người bị nạn, rồi lại ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ danh sách những nạn nhân tử vong khi đi qua cầu nên vừa giận, vừa xót lắm.
 
Gặp chúng tôi ngay khi vừa dắt xe qua cầu Vĩnh biệt, ông Nguyễn Văn Thiết (52 tuổi, trú thôn tổ 8, thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến và bà Nguyễn Thị Đào (thôn Phú Đông, xã Tam Phú) đều thừa nhận: Mới mấy hôm trước nghe tin bà Đồi tử nạn trên cầu Vĩnh biệt ni nên qua cầu cũng run lắm. Ngay như bà Đào, ngót nghét 63 tuổi rồi, từng thoát chết do rớt cầu hồi năm 2013, nhưng may mắn được người dân cứu vớt kịp, vậy mà vẫn cứ tiếp tục qua cầu bán cá mỗi ngày... Âu cũng vì mưu sinh mà liều.
 
Biên bản vụ tai nạn chết người tại cầu Máng
Biên bản vụ tai nạn chết người tại cầu Máng
 
Riêng ông Thiết thì tâm sự: Tui có đến 4 đứa con, cháu đang học cấp 3 ở trường THCS Nguyễn Trãi và Phan Bội Châu. Nhưng cả hai trường đều nằm bên kia sông, đường đi học xa, biết đám con cháu qua cầu đi học mỗi ngày sẽ rất nguy hiểm, nhất là mùa mưa đang đến gần nhưng cũng đành cắn răng để chúng đi vì xa quá, qua cầu cho nó tắt. Lo lắng cho tính mạng bọn trẻ lắm chứ. Hằng ngày, mỗi trưa, hay chiều về hai vợ chồng tui vì bất an nên cứ dẫn nhau ra cầu ngóng đợi.
 
Khi nào thấy bọn nhỏ chạy xe qua thấu cầu bên này, rẻ đường về làng thì mới yên tâm chứ biết làm răng. Ngay chính bản thân tui, mỗi ngày phải đi qua hai lần vì công việc, lần nào tôi cũng phải dắt bộ xe máy qua cầu rồi mới dám nổ máy chạy. Sợ lắm nhưng bây giờ không còn cách nào khác, phải liều thôi.
 
Theo Chủ tịch xã Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam) - ông Nguyễn Giúp: Cầu Máng còn được gọi là "cầu Vĩnh biệt" dài hơn 200m và chỉ rộng 0,8m bắc qua sông Trường Giang, nối hai xã Tam Tiến và Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành). Cầu Máng thực chất chỉ là kênh dẫn nước bắc ngang qua sông. Nhưng do nhu cầu đi lại của người dân và học sinh ở hai bên cầu nên họ bất chấp cảnh báo, hàng ngày vẫn đi xe máy, xe đạp chở hàng hóa lưu thông qua lại đã dẫn đến những cái chết thương tâm. Từ năm 2009 đến nay đã có đến 16 người tử vong, cùng hàng chục người bị thương, thoát chết do được cứu khi đi qua cây cầu này. Để không còn xảy ra những cái chết thương tâm trên cầu "vĩnh biệt", UBND xã Tam Tiến vừa quyết định làm bờ ngăn chặn ở hai đầu cầu và có lệnh cấm các phương tiện xe máy, xe đạp lưu thông qua cầu.
Tính đến nay, con số tử vong khi đi qua cầu này đã lên tới 16 người. Và nếu người dân vẫn cứ tiếp tục liều qua cầu như vầy thì chắc chắn sẽ còn nhiều cái chết thương tâm xảy ra nữa. Trước cái chết của nhiều người khi đi qua cầu, cách đây 3 năm UBND xã, huyện đã xem xét cho mở rộng thành cầu để người dân qua lại an toàn hơn nhưng chính quyền địa phương lại không có kinh phí để triển khai. Phía Công ty khai thác thủy lợi Quảng Nam cũng đã đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng trụ và kéo dây cáp hai bên thành cầu nhưng cũng chỉ là tạm thời, không khả thi trong bảo đảm an toàn cho người dân qua cầu máng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây các trụ bê tông hai bên cầu với mục đích cấm người đi xe máy qua lại, chỉ cho phép người đi bộ. Về lâu dài thì chính quyền xã mong muốn nhà nước đầu tư cho xây dựng một cây cầu mới để tạo điều kiện cho hàng ngàn người dân nơi đây đi lại an toàn và thuận lợi hơn" -  ông Giúp nói.

 

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác