Hứa với vợ và con Tết này sẽ gửi tiền và quà về, nhưng anh Bình đã tử nạn nơi xứ người cách xa quê nhà hàng nghìn cây số. Trong 3 nạn nhân Việt bị chết ngạt khi bật bếp gas để sưởi trong phòng trọ đêm 27/12/2013 thì họ ở cùng một ngôi làng nhỏ và chung một hoàn cảnh khó khăn như nhau.
Đặng Thị Điệp (vợ anh Sầm Văn Bình) suy sụp từ hôm nhận được tin chồng tử nạn |
3 cái chết đau đớn ở trời Tây
Trời he nắng nhưng gió rét căm căm, con đường nhỏ dẫn về xóm 10A, xã Nghĩa An (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) u ám, ngập trong không khí tang thương. Từ đầu xóm, nhiều tốp người tụm năm tụm bảy bàn tán về vụ 3 người con của làng vừa tử nạn tại Nga mấy ngày trước. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình chị Đặng Thị Điệp (36 tuổi, vợ của nạn nhân Sầm Văn Bình) nằm khuất giữa xóm, từ ngoài ngõ đã nghe tiếng khóc cha, tiếng khóc chồng ai oán vang vọng. 6 tháng trước, khi đứa con trai thứ hai vào lớp 5 cũng là lúc anh Bình vác ba lô tạm biệt vợ con lên đường sang Nga đi lao động cùng bạn bè với giấc mơ gửi tiền về nuôi hai con ăn học và giúp vợ trang trải cuộc sống lam lũ.
Đi cùng anh trong chuyến đó còn có 2 người cùng xóm 10A, tất cả họ đều chung một hoàn cảnh là khó khăn về kinh tế, họ đã được đi sang Nga qua con đường môi giới của một số người quen ở huyện Diễn Châu với tiền phí cho một chuyến đi chừng 60 triệu đồng, với lời hứa qua Nga làm việc phụ hồ sẽ có thu nhập ổn định.
Nửa năm qua Nga theo bạn làm nghề, anh Bình gọi điện về thông báo cho vợ và gia đình biết hai tháng đầu tiên anh có việc làm nhiều nhất và được trả tiền công 15 triệu đồng/ tháng nhưng phải trang trải cuộc sống bên đó nên số tiền còn lại cóp nhóp để gửi về quê cho vợ mới được gần 20 triệu đồng. Còn 3 tháng gần đây vì việc làm ít nên tiền lương chỉ đủ chi tiêu mà không còn dư để gửi về.
Biết là khó khăn nhưng nếu trở về sẽ vỡ nợ chưa đủ tiền vốn nên Bình cố ở lại để làm việc, cách đây hơn 1 tuần anh gọi điện về động viên mẹ con chị Điệp: "Vợ và các con ở nhà cứ an tâm, bố đang làm việc ổn định, Tết này sẽ gửi tiền lương và quà về cho vợ và con". Ôm hai đứa con vào lòng, chị Điệp khóc và nhớ lại lần mới đây nhất mà chồng gọi điện về, "Em và các con ở nhà cứ yên tâm, anh ở bên này vất vả nhưng sẽ kiếm được tiền để gửi về cho em trả nợ...". Nhưng chị Điệp không ngờ rằng đó lại là cuộc gọi cuối cùng của chồng mình từ xứ người.
"Ba ngày trước khi đang đi làm ngoài đồng thì nhận được điện thoại của anh em bạn bè từ Nga gọi về thông báo anh Bình chết rồi. Nghe tin báo mà như trời sập đè lấy tôi vậy'', chị Điệp kể lại giây phút nhận được tin chồng tử nạn. Theo chị Điệp thì anh Bình được mọi người bên đó thông báo đã chết cùng 2 người khác là anh Đặng Công Xuân (43 tuổi) và Phạm Văn Tiễn (19 tuổi) cả 3 đều trú cùng xóm, họ đã chết do ngạt khí gas khi bật bếp gas để sưởi ấm trong phòng trọ vào đêm 27/12/2013.
Biết chồng đã tử nạn, chị Điệp và người thân đã phát tang lập bàn thờ cho anh Sầm Văn Bình |
Đứng bên bàn thờ lập vội để thắp nén nhang cho cha, đứa con gái học lớp 9 của anh Bình gọi tên cha thảm thiết "Cha ơi về với mẹ và chúng con, hôm trước cha còn nói Tết này sẽ gửi kẹo và áo ấm về cho con và em mà. Cha không về thì năm sau ai nuôi con và em ăn học nữa cha ơi, kỳ này con và em đều được giấy khen cha ơi!...".
Chị Điệp cho biết, hiện tại chị và người thân không biết phải lo liệu việc đưa thi thể của chồng về bằng cách nào nữa, nguyện vọng của gia đình là thi hài của chồng được hỏa táng để đưa về quê nhưng mọi việc chỉ biết trông chờ vào anh em bạn bè bên đó giúp đỡ. "Anh ơi xa lắm, mẹ con em không qua được bên đó để nhìn anh lần cuối. Em và con ở nhà đã lập bàn thờ khấn vong thắp hương cho anh rồi", chị Điệp khóc lịm và cho biết gia đình đã làm lễ phát tang cho chồng ngày hôm qua.
Cần sự giúp đỡ kịp thời
Cách cổng nhà gia đình chị Điệp mấy chục bước chân là ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Đặng Văn Xuân ( 43 tuổi), anh Xuân cũng là người nhiều tuổi nhất trong số 3 người tử nạn và hoàn cảnh gia đình éo le nhất. Chiếc bàn thờ cho anh Xuân được vợ con đặt ngay giữa gian nhà thiếu cửa sổ lộng gió. Người vợ và các con chỉ biết ôm di ảnh của người thân mà khóc ngất.
Anh Xuân có tất cả 5 người con, cuộc sống gia đình quanh năm lam lũ không bứt ra khỏi cái nghèo nên anh Xuân đã bàn với vợ sẽ cùng người con trai đầu quyết định đánh liều sang xứ người mong kiếm tiền gửi về cho vợ con xây lại vài gian nhà mới để mưa gió, bão lụt khỏi phải sang ở nhờ nhà hàng xóm. Đặng Văn Huân con trai đầu anh đi vào một dịp khác, còn anh Xuân thì đi cùng với hai người trong xóm.
Chị Hoàng Thị Thanh (vợ anh Xuân) cho biết chi phí gần 80 triệu đồng cho chồng và con đi nước ngoài tất cả đều cắm sổ đỏ và vay nóng bà con họ hàng, hiện tại số tiền mà anh gửi về mấy tháng qua chưa được một nửa. Biết cuộc sống khó khăn của chồng nơi xứ người vất vả, nguy hiểm nên chị cũng luôn động viên chồng và con trai giữ gìn sức khỏe để làm việc.
"Nhiều lần anh Xuân gọi về nói cuộc sống bên đó khắc nghiệt lắm, trời băng giá lạnh tê tái người không làm việc được. Đi làm thì phải chui lủi để trốn tránh cảnh sát địa phương vì không có giấy tờ hợp pháp sẽ dễ bị bắt giữ..." chị Thanh kể.
Chị Hoàng Thị Cảnh (mẹ nạn nhân Phạm Văn Tiễn) đau đứt ruột khi đứa con trai đầu Phạm Văn Tiễn còn quá trẻ đã tử nạn nơi đất khách |
Hai cha con anh Xuân cùng làm việc ở Nga nhưng lại cách nhau hàng trăm cây số, ngày nhận được hung tin bố tử nạn thì Huân chỉ kịp gọi điện về thông báo cho mẹ và các em một tiếng rồi tìm cách lo hậu sự cho bố.
Xa một đoạn cuối xóm 10A, là gia đình nạn nhân Phạm Văn Tiện, bà con hàng xóm cũng đang kéo nhau tới hỏi thăm động viên thắp nén nhang cho người đã mất. Là con trai đầu trong gia đình, ngày hết học cấp 3 thấy bố mẹ khó khăn vất vả nên Tiễn xin bố mẹ cho theo chân mọi người đi xuất khẩu để trang trải cuộc sống. Anh Phạm Văn Thuần (39 tuổi, bố nạn nhân Tiễn) ôm di ảnh con trai vật vã: "Tiễn ơi, bố mẹ không cần tiền nữa Tiễn ơi, con hãy về đi. Bố mẹ biết lỗi khi đã để con đi sang bên đó...". Chị Hoàng Thị Cảnh (38 tuổi, mẹ của Tiễn), cho biết thông tin về con trai mình tử vong khi sưởi bếp gas trong phòng đã được mọi người thông báo về từ ba ngày trước. Mọi người cũng đã chụp ảnh thi thể của Tiễn bằng điện thoại để gửi về cho mọi người xem. Hai ngày nay chị Cảnh kiệt sức phải nhờ bác sĩ trợ giúp.
Ông Vũ Đức Công - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, từ hôm nhận được thông tin của người thân các nạn nhân thông báo gia đình họ có người thân bị tử nạn bên Nga và đã lập bàn thờ phát tang thì chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi động viên gia đình các nạn nhân. Chúng tôi hi vọng, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình có người thân bị thiệt mạng ở nước ngoài, để họ vơi bớt nỗi đau, vượt qua hoạn nạn.
Ông Phan Huy Hải - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghĩa Đàn xác nhận đã biết thông tin về 3 nạn nhân tại xã Nghĩa An tử nạn ở Nga qua liên lạc với chính quyền địa phương. Chính quyền xã đã báo lại bằng miệng với phòng là nghe gia đình 3 nạn nhân thông báo họ nhận được tin người thân tử nạn bên đó qua điện thoại của người thân bên Nga.
"Hiện tại Sở Ngoại vụ thông báo cho phòng về việc 3 lao động tại xã Nghĩa An tử nạn tại Nga là chưa có. Chúng tôi đang đợi văn bản và xác minh chính xác thì phòng sẽ phối hợp cùng các cấp để giúp đỡ các gia đình các nạn nhân", ông Hải cho biết thêm.
Cũng theo ông Trưởng phòng Phan Huy Hải thì, hiện tại trên địa bàn huyện có hàng trăm người đi sang Nga xuất khẩu lao động theo con đường du lịch chui. Vì trên thực tế tại địa phương không có đơn vị nào được phép tuyển dụng người đi lao động tại Nga.
.