Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/huyen-thoai-than-bien-dien-ngoc-437327/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/huyen-thoai-than-bien-dien-ngoc-437327/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Huyền thoại 'thần biển' Diễn Ngọc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 06/01/2014, 08:39 [GMT+7]

Huyền thoại 'thần biển' Diễn Ngọc

(Congannghean.vn)-Biển bạc cho con người biết bao tiền của từ những mớ cá mặn mòi đến cá thương mại và đặc biệt là cá xuất khẩu. Nhưng phần do biến đổi khí hậu và quy luật tạo hóa, biển có thể bất ngờ nổi bão tố, giận dữ gầm thét với muôn trùng sóng dữ, cướp đi mọi tàu thuyền và cả con người. Và theo truyền thuyết cho đến ngày nay, thì cá voi là vị thần biển đã cứu con người qua nhiều thảm họa trên biển khơi.
 
Theo Quốc lộ 1, nếu đi từ TP Vinh ra hướng Bắc đến gần ngã tư Cầu Bùng, rẽ phải khoảng vài cây số là tới xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Đến trụ sở UBND xã, đã nghe tiếng sóng dạt dào của cửa biển Lạch Vạn, với vị mặn mòi của biển và mùi thơm của cá. Quả là quê biển có hương vị đặc biệt riêng làm cho du khách tới đây phải tò mò với sự thích thú.
 
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Quê hương tôi có cửa biển Lạch Vạn như một con rồng uốn khúc bao quanh. Từ cửa lạch này , hàng ngày ngư dân hướng mũi thuyền lướt sóng và chỉ mấy phút sau là ra biển rộng. Đang chuyện trò sôi nổi, giọng ông Dũng như chùng xuống. Ông cảm động, đưa mắt nhìn ra hướng biển, nơi ấy nắng hanh vàng rực như mật ong đổ đầy cửa Lạch Vạn, ông nói: Tôi cũng đã từng đi biển với ngư dân. Nghề đánh bắt hải sản vất vả lắm, nguy hiểm luôn rình rập và bất ngờ. Có thể biển đang yên lành bỗng nổi giận và gầm lên với những con sóng cao như quả núi, sẵn sàng nhấn chìm tất thảy. Bố tôi là ngư dân, trong một chuyến đi ra biển đánh cá, cơn bão số 7 năm 1972 đã cuốn thuyền của ông cùng với 14 ngư dân khác ra đại dương, vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa… Bao đời nay, biển bạc mang lại cho con người bao nhiêu là của cải, tiền bạc, song cũng cướp đi cuộc đời của không biết bao nhiêu ngư dân. Ngày nay, nhờ khoa học và cùng với thiết bị viễn thông hiện đại, chuyển tải thông tin dự báo thời tiết khá chính xác, nên ngư dân trên biển đang đánh bắt cá từ ngoài phao số không cũng biết tình hình mưa bão sắp đổ xuống, để kịp cho tàu, thuyền chạy về đất liền an toàn trước cơn thịnh nộ của biển cả.
 
Người dân thờ vị thần cá ông cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa cá bội thu
Người dân thờ vị thần cá ông cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa cá bội thu
 
Xã Diễn Ngọc là địa phương có những đội thuyền đánh bắt hải sản vào loại mạnh nhất trong khu vực Bắc miền Trung. Toàn xã có 12 xóm thì đã có 7 xóm làm nghề đánh bắt hải sản. Diễn Ngọc có 3.058 hộ với 14.400 nhân khẩu, trong đó hơn 7.000 người độ tuổi lao động, mà đa số là lao động đánh bắt cá trên biển. Hiện nay, cả xã có 420 tàu thuyền đánh bắt cá trong lộng, ngoài khơi. Mỗi năm đạt sản lượng gần 14 nghìn tấn cá các loại với 3 loại sản phẩm biển: Loại 1 cá ngon dành cho xuất khẩu; loại 2 cá thương mại cho thị trường nội địa và loại 3 dùng cho việc sản xuất nước mắm với thương hiệu nước mắm Vạn Phần nổi tiếng.
 
Biển mặn còn là cái nôi nuôi bao lớp người vùng biển trường thọ. Chúng tôi gặp cụ ông Nguyễn Văn Thân, xóm Yên Thịnh, bước qua năm 2014, cụ đã trở thành người cao niên nhất xã. Sống tới 105 tuổi mà mắt cụ vẫn sáng, lời nói vẫn sang sảng. Cụ kể: Mới 8 tuổi, cụ đã theo bố đi biển. Cụ có tài bơi lội như rái cá, cụ khỏe nhờ hít hơi nước biển cả và được ăn cá biển tươi ngay trên thuyền. Hiện nay, nhiều hôm cụ ăn cá thay cơm, mà chỉ thích ăn cá biển với khoai lang luộc, giống khoai lang trồng trên cát có vị ngọt như mật ong. Những năm gần đây, cụ nhớ biển, đòi con cháu đưa cụ ra ngắm biển, bởi vì cụ đã có gần 70 năm sống trên biển. Ngư dân kể rằng, cụ Thân có nhiều kinh nghiệm đi biển, cụ nhìn mây có thể biết giông bão lúc nào đến, nhìn màu nước biển cụ phát hiện được đâu có nhiều cá nục, cá thu. Cụ cho rằng, đã nhiều lần vượt qua “lưỡi hái của tử thần” là nhờ cá ông che chở. Ngồi trên dải cát trắng, cụ Thân đưa đôi mắt mờ đục nhìn ra biển rồi hít một hơi thật mạnh, cụ nói: Ngày trước ta ăn cá sống trên thuyền giữa biển, cá biển luộc với nước biển ngon như được ăn cá ở cõi tiên. Cá mang từ biển đã về đất liền, có ngon bao nhiêu cũng không thể bằng cá tươi vừa đánh bắt từ dưới biển mang lên thuyền, luộc ăn ngay. Bổ lắm, bổ dưỡng hơn cả sâm Hàn Quốc. Cụ Thân nói trong tiếng sóng dào dạt: Biển đã cho ta sức khỏe, các vị Thần cá ông đã cứu tàu ta thoát bão biển nhiều lần lắm. Ta cất tiếng khóc chào đời trên biển, lúc nào ta cũng về với cát vàng của biển. Cụ lặng yên nhìn ra trùng khơi xa và ngủ say trên dãi cát vàng lúc nào không biết. Xã Diễn Ngọc hiện có nhiều cụ là ngư dân sống khỏe, sống vui đến 90 tuổi là chuyện thường. Và thế hệ đi trước lại truyền dạy cho con cháu nghề đi biển đánh cá.
 
Mọi người dân cho rằng, để có cuộc sống no đủ là nhờ cá ông, loài cá to lớn nhất trên biển, biểu tượng của sự sống bất diệt. Ngài đã hóa thân trở thành các vị thần che chở cho con người trên biển qua mọi bất trắc bão tố. Bởi vậy, tục lệ thờ cá ông đã có lâu đời tại miền quê này. Diễn Ngọc hiện có 3 đền, miếu thờ là đền Thiện, miếu Ngư ông và miếu thờ ông Bùng. Theo tục lệ thì đền thờ, miếu mạo là nơi linh thiêng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bà Nguyễn Thị Hương - Người trông coi miếu Ngư ông tại Ngọc Minh cho biết: Năm 1984, ông Thái Doãn Tranh - Một ngư dân trong làng, đánh bắt được một con cá voi khá lớn, mọi người trên thuyền đem dao ra để xẻ thịt thì thấy trên mình con cá có một chữ nho và hai hàng tóc. Người ta không dám xẻ thịt nữa mà đặt tên là cá Hoàng cô, có nghĩa là nàng tiên cá. Sau đó, ngư dân đưa nàng cá Thần về miếu Ngư ông thờ phụng cho tới nay. Mới đây, các ngư dân vừa đưa về một cốt cá ông nặng khoảng 16 tấn và đưa “ngài” vào điện thờ. Người dân ở đây còn kể nhiều chuyện về sự linh thiêng của vị thần biển, với những điềm báo mộng và che chở cho con người trên biển nghe như huyền thoại giữa đời thường, thật huyền bí nơi quê hương xứ biển. Để rồi mỗi người dân trước khi bước lên tàu ra biển, họ đều sắm lễ vật, dâng nén nhang thành kính kêu lên các vị Thần hộ mạng, cầu mong cho thần linh giúp sóng yên biển lặng, mùa cá bội thu. Sau khi về, người vợ lại mua lễ vật, thay chồng đến miếu thờ cá ông để trả lễ biết ơn.
 
Ngư dân Diễn Ngọc đan lưới chuẩn bị ra khơi đầu năm mới
Ngư dân Diễn Ngọc đan lưới chuẩn bị ra khơi đầu năm mới
Lãnh đạo xã Diễn Ngọc cho biết: Năm 2013, thời tiết khắc nhiệt, lắm biến cố thiên tai. Bởi vậy, việc đánh bắt hải sản khó khăn. Có thể Tết cổ truyền Giáp Ngọ này, đời sống bà con ngư dân Diễn Ngọc sẽ khó khăn về kinh tế một ít, nhưng mọi người rất vui khi dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, người dân Việt đang vượt lên trong khó khăn của suy thoái toàn cầu hóa. Hiện nay đang là mùa cá vụ Đông - Xuân, vụ đánh bắt cá quan trọng nhất, mang hiệu quả lớn nhất so với các vụ đánh bắt hải sản trong năm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Diễn Ngọc đang có những chủ trương mới cho nghề đánh bắt hải sản trên biển, để làm giàu cho quê hương. Diễn Ngọc đã có nhiều người nghèo nhờ nghề đánh bắt xa bờ mà trở thành các “đại gia” có nhiều tỷ đồng. Điển hình như ông Ngô Trí Đông ở xóm Ngọc Văn, vừa đóng mới cặp tàu trị giá 6 tỷ đồng, để làm phương tiện đánh bắt xa bờ. Hoặc gia đình ông Lê Văn Vinh ở xóm Đông Lâm, cũng vượt lên trong khó khăn nhờ đánh bắt hải sản xa bờ nay đã trở nên giàu có, tích lũy bạc tỷ.
 
Tạm biệt vùng quê biển Diễn Ngọc giữa những ngày gió yên biển lặng, trong tôi rộn lên niềm vui và tin rằng, ngư dân Diễn Ngọc - những người lao động trên biển, đã và đang vươn lên, phát triển kinh tế bền vững, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước.
.

Lê Hoa