Xuất phát từ truyền thống đi lễ cầu may mà hằng năm, cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, người dân nhộn nhịp đi "phố đổi tiền" với hi vọng rải tiền càng nhiều càng gặp nhiều may mắn. Điều đó làm những kẻ "ăn bám thánh thần" có đất sống và sống một cách dai dẳng, mặc dù lệnh cấm dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch đã được phát ra. Nhất là khi Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra thông tin sẽ ngừng in tiền lẻ trong đợt Tết Nguyên đán 2014, thị trường đổi tiền lẻ sôi động hơn bao giờ hết. Đặc biệt là trên mạng, các chợ đổi tiền online đang tranh giành thị phần bằng những lời mời mọc vô cùng hấp dẫn.
Người dân mơ hồ, con buôn dắt mũi
Hoạt động đổi tiền lẻ diễn ra nhộn nhịp không chỉ tại các điểm nóng mà còn trên mạng. Vào trang tìm kiếm www.google.com gõ "dịch vụ đổi tiền lẻ" thì cho ra 22.500 kết quả, trong đó có rất nhiều đường link dẫn tới nhiều "gian hàng" đổi tiền online công khai như http://doitienle.vn/, http://www.doitienlegiare.com/, http://doitienle.tin.vn/, http://www.doitienle.net/... Với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn như "Đổi tiền lẻ mới, giá rẻ nhất thị trường", "Đổi tiền lẻ giá thấp nhất thị trường, có giao hàng tận nơi, ngay lập tức", "Đổi tiền lẻ, nguyên serial"… dường như các gian hàng online này còn áp đảo hơn những địa điểm đổi tiền quen thuộc. Nhất là khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ Công an phối hợp xử lý những trường hợp cá nhân, tổ chức đổi tiền hưởng chênh lệch thì việc đổi tiền chỉ qua một cú click chuột như thế này có phần tiện lợi hơn. Những người dân có nhu cầu đổi tiền, lại ngại đi thì dịch vụ đổi tiền online hẳn "chắp thêm đôi cánh" trong việc đổi tiền lấy may đầu năm.
Vì những ưu thế vượt trội trên, nhiều người đã tìm đến các gian hàng đổi tiền trên mạng. Thị trường tự do đang trôi nổi này cũng vì thế mà nhộn nhịp chẳng kém chợ thực. Trong vai khách hàng, PV liên lạc với số thuê bao 01644xxxxxx, chủ của một trong những gian hàng trên để đổi 1 triệu đồng ra các mệnh giá nhỏ thì được hướng dẫn rất nhiệt tình.
Theo sự mời chào của chủ nhân số điện thoại này, gian hàng của họ đổi tiền lẻ quanh năm, không đơn thuần là dịp Tết với giá cả hợp lý. Tiền được xếp thành từng cọc mới tinh, nguyên đai, nguyên kiện với mọi mệnh giá, thậm chí có cả mệnh giá nhỏ nhất như 500 đồng phù hợp với việc "xé lẻ" trong việc đi lễ. Đặc biệt, gian hàng này còn cung cấp số serial đẹp như ngày sinh, tứ quý, tam hoa… với giá ưu đãi nhất.
Tiền có cầu được may? |
Người này còn cam kết không hét giá như những nơi khác vì chị ta cũng là Phật tử, rất thích lễ chùa, và vô cùng hiểu sự khó khăn khi đi đổi tiền lẻ. Khi tôi hỏi về lệnh cấm thì chị vô tư: "Ối giờ, cấm thì cấm, đổi thì vẫn đổi. Người ta có cung thì mình có cầu. Với nhiều người, có thể nhịn ăn nhịn mặc nhưng không nhịn đi chùa được. Mà đi chùa thì bao giờ chả cần tới tiền lẻ. Không lẽ họ vác tiền với mệnh giá lớn đi? Của nào mà lắm thế. Bây giờ người ta đi lễ rải tiền như rác".
Chị Trần Thị Mai Anh (28 tuổi, quận Cầu Giấy), khách hàng đổi tiền lẻ cho biết: "Vì Nhà nước cấm đổi tiền lẻ nên mấy ngày vừa qua, tôi đã rất vất vả để đi săn tiền lẻ. Mẹ tôi đầu năm đi rất nhiều chùa nên năm nào cũng nhờ tôi đi đổi tiền lẻ. Có năm, đi cùng mới thấy không phải mẹ mình mà rất nhiều người rắc tiền từ cổng rắc vào ban thờ Phật. Mẹ bảo như thế thì nơi nào cũng sẽ có tấm lòng của mình. Tôi dân tự nhiên, không hiểu lắm về văn hóa dân tộc, thấy người lớn bảo như thế nào thì nghe thôi".
Một thực tế mà chúng ta có thể nhận ra qua câu trả lời của chủ gian hàng online cũng như chị Mai Anh, đó là hình như hiện nay, người dân đang có một suy nghĩ tiền lẻ cầu được may, rải càng nhiều càng may. Vì thế mới có tình trạng, người người đi chùa, người người đổi tiền, ai cũng chăm chăm tiền đến được với thánh thần càng nhiều càng tốt. Và với cách "hối lộ" thần linh như thế, những thành phần đầu cơ, dịch vụ đổi tiền mới có đất sống và "sống" bất chấp lệnh cấm. Vì có cung ắt có cầu. Những kẻ hám lợi chắc chắn sẽ không bỏ qua những món hời béo bở như thế.
Niềm tin mơ hồ, loạn nhà cửa Phật
Tiền có cầu được may? Tiền có mua được hạnh phúc, sức khỏe và sung túc? Trong một bài trả lời trước báo chí, GS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: "Từ hồi tôi còn bé hay theo người lớn đi chùa nên biết được, người ta chỉ đem lễ lạt như hoa quả, bánh trái cúng thần linh. Ngay cả các nhà sư cũng có nói rằng, khi lên chùa, các tín chủ chỉ nên mang hoa quả lễ Phật và lòng thành tâm là được.
Nhưng ngày nay, người ta sẵn sàng mang xôi thịt, ôtô giấy, vàng bạc... để "lấy lòng" thần linh. Đây là thực trạng đáng buồn. Thực ra, họ đang tự lừa dối chính mình. Những người dân dẫu không tin cũng nghĩ rằng cứ rải một ít tiền là gặp nhiều may mắn. Thậm chí, còn có cuộc đua trong việc thành tâm tiền ở các đình chùa. Hay có người lại nghĩ rằng, nếu không rải đủ tiền lẻ ở các ban thờ thì thánh sẽ không ban lộc cho mình".
Những đồng tiền lẻ được rải theo tâm một cách bừa bãi này vô hình chung đã biến nơi tôn nghiêm thành bãi rác. Cảnh người người chen chúc nhau vào chùa, cảnh tiền lẻ bay tá lả trong khu vực chùa, cảnh người dân giẫm lên những đồng tiền lẻ… không còn xa lạ gì mỗi dịp năm mới sang. Chẳng biết lộc của Phật có ban phát đến đâu nhưng rõ ràng những ứng xử ấy có phần sa đà vào một thứ văn hóa khác, đó là "văn hóa đám đông". Trong dòng người đổ xô về nơi suối nguồn tâm linh ấy, ai mới là kẻ thành tâm thực sự, có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay?
Và không chỉ làm xao động góc nhỏ linh thiêng, tĩnh lặng ấy, sự trần tục của những người trần mắt thịt đã bị chính những kẻ đầu cơ, những con buôn sống tầm gửi vào thánh thần có đất sống "dắt mũi", trục lợi trên niềm tin của mình. Tất cả xuất phát từ niềm tin ngây thơ, có phần mơ hồ và ảo vọng về một thứ may mắn qua những tờ tiền lẻ. Đó là chưa kể, cái thứ đổi chác này tồn tại nhiều bất cập như gian lận, tiền giả mà chúng ta chưa lường hết được…
Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn sôi động, bất chấp lệnh cấm |
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đào Minh Tú, ước tính, chi phí cho hoạt động in tiền mới mệnh giá nhỏ chiếm tới trên 300 tỷ đồng mỗi năm. Công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng rất tốn kém và phải huy động nhiều nhân lực. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, điều này đã gây lãng phí rất lớn cho xã hội vì chi phí in ra một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao hơn so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao cũng là nguyên nhân làm phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường cảnh quan các khu di tích, đền chùa, lễ hội.
Dùng quá nhiều, dùng bừa bãi tiền lẻ để đi lễ chùa gây lãng phí trở thành phản cảm, phản văn hóa, coi rẻ, xúc phạm đồng tiền Việt Nam. Nhiều nhà sư, nhiều trụ trì cũng khuyên khách thập phương không sử dụng tiền lẻ Việt Nam để lễ chùa, xúc phạm chốn tôn nghiêm. Ai cũng cố gắng trong cuộc chạy đua "thành tâm", tuy nhiên, Phật ở trong tâm - điều tưởng chừng rất quen thuộc, ai cũng biết lại trở nên quá xa vời!
Tiếp nhận tập quán phải có văn hóa, đó mới là vấn đề then chốt
Về vấn đề này, chúng tôi có một cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam:
- Thói quen dùng tiền lẻ để đi chùa và lì xì đầu năm ngày nay và ngày xưa khác nhau như thế nào, thưa ông? - Thói quen dùng tiền lẻ để đi chùa và lì xì đầu năm mới có từ lâu đời. Tuy nhiên, ngày xưa, không cần nhiều, cốt ở tấm lòng của mình mà thôi. Tuy nhiên, bây giờ mà nói từ tiền lẻ cũng suy ra nhiều chuyện.
- Có dư luận cho rằng, cách “tung tiền” Việt Nam vào các dịp lễ chùa là coi rẻ, xúc phạm đồng tiền Việt Nam, ý kiến của ông như thế nào?
- Cách người dâng lễ và cả người nhận cũng có thái độ rẻ rúng với đồng tiền. Ngay cả nhà chùa, nhà đền tiếp nhận điều này cũng thiếu văn hóa. Khi người dân dâng lễ, để nó bay vung vãi, người ta giẫm đạp lên trên đó có hình ảnh đẹp của đất nước. Bản thân người đi lễ, tiền lẻ đặt khắp mọi nơi, trước kia dâng lên bàn thờ hoặc bỏ vào hòm công đức một cách trang trọng thì ngày nay, nó giống như…, nói không ngoa là coi đồng tiền Việt như một thứ rác rưởi, xúc phạm đồng tiền Việt. Trước đây, người ta đi lễ một cách có văn hóa và chứa đựng yếu tố tâm linh; còn bây giờ người ta làm như một tập quán, một phong tục nhưng không coi trọng.
- Về quyết định ngừng in một số mệnh giá tiền lẻ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây, ông có suy nghĩ gì?
- Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là việc in hay không in nữa mà chính mà thái độ văn hóa của người dân và cả nhà chùa, nhà đền. Dù đồng tiền mệnh giá thấp, không có giá trị nhưng đó cũng là đồng tiền của một quốc gia. Người nước ngoài sẽ nghĩ gì về một đất nước mà công dân không có thái độ và ứng xử phù hợp với nó? Tiếp nhận tập quán đó như thế nào cho có văn hóa, tôi nghĩ đó mới là vấn đề then chốt.
- Xin cảm ơn ông.
|
.