Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022
Danh tính điện tử công dân Việt Nam có thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung và vân tay. |
Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung một số điều về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. |
Nghị định số 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, Nghị định này bổ sung quy định Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế; phòng, chống buôn lậu.
Triển khai thí điểm tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Số lượng trại giam được áp dụng thí điểm không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. |
Từ ngày 01/9/2022, chính thức triển khai thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo Nghị quyết số 54/2022/QH15 trong thời gian 05 năm.
Nghị quyết này được ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, giúp cho các phạm nhân tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội; tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp...
Triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động
Luật Cảnh sát cơ động được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 14/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. |
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1026/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Bộ Công an được giao chủ trì biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tuyên truyền, phổ biến Luật cho cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân (CAND); xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp, các học viện, nhà trường trong CAND, trọng tâm là lực lượng CSCĐ.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật. Các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật cho các hội viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được thực hiện từ quý IV năm 2022 và các năm tiếp theo.
* Cùng với đó, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của CSCĐ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nguyên tắc cấp, quản lý, sử dụng phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt và trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của CSCĐ quy định rõ phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của lực lượng CSCĐ phải được quản lý chặt chẽ, cấp đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích. Trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu của CSCĐ được sử dụng trong huấn luyện, diễn tập và ra quân làm nhiệm vụ gồm 06 loại trang phục.
Đề xuất bổ sung chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang
Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang. |
Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang được quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Bộ Xây dựng đề xuất, chủ trì soạn thảo, bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND và Quân đội nhân dân và viên chức quốc phòng, công chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu thuộc Quân đội nhân dân và CAND hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Xem thêm).
* Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà công vụ; đối tượng, điều kiện sử dụng nhà công vụ; trách nhiệm, quyền hạn quản lý, sử dụng nhà công vụ; trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét, duyệt, thu hồi và các quy định khác có liên quan đến quản lý, sử dụng nhà Công vụ trong CAND để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Thông tư cho biết, nhà công vụ trong CAND là nhà được xây dựng trên đất an ninh, từ nguồn kinh phí Nhà nước cấp, dùng để bố trí chỗ ở cho cán bộ, chiến sĩ khi có quyết định điều động, bố trí công tác tại Công an đơn vị, địa phương mà chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại địa phương nơi đến công tác, bao gồm: Căn hộ chung cư được thiết kế không gian ở khép kín, có một hay nhiều không gian chức năng khác nhau như: phòng khách, các phòng ngủ, phòng ăn, bếp, khu vệ sinh, ban công hoặc lô gia. Nhà tập thể được xây dựng theo kiểu nhiều gian/phòng, có công trình phụ khép kín.
Dự thảo Thông tư quy định tuyển chọn công dân vào CAND
Đối tượng tuyển chọn gồm, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương hoặc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; công dân Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo này. |
Theo dự thảo Thông tư, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào CAND gồm 6 tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn chính trị; Phẩm chất đạo đức; Trình độ; Tuổi đời; Sức khoẻ; Năng khiếu. Trong đó, về trình độ, công dân phải đáp ứng tiêu chuẩn là đã tốt nghiệp (được cấp bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp) từ hạng khá trở lên và bảo đảm một trong các tiêu chuẩn sau:
- Đối tượng tuyển chọn quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Thông tư này yêu cầu phải tốt nghiệp đào tạo trình độ đại học trở lên;
- Đối tượng tuyển chọn quy định tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Thông tư này yêu cầu phải tốt nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng (bao gồm cả sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề), đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Tuyển chọn để bố trí làm công tác nghiệp vụ Công an hoặc tham mưu, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực theo chức năng của CAND chỉ tuyển người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên.
Về tuổi đời, dự thảo Thông tư quy định phải từ đủ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi (tính đến ngày quyết định tạm tuyển hoặc quyết định tuyển chọn chính thức đối với trường hợp không phải tạm tuyển). Riêng công dân có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học, người dân tộc thiểu số, người đã có thời gian làm lao động hợp đồng trong CAND trên 05 năm và các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này tuyển chọn đến 35 tuổi; chức danh giáo sư, phó giáo sư tuyển chọn đến 40 tuổi.
Về sức khoẻ, dự thảo Thông tư quy định phải đủ tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn vào CAND theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an và các quy định sau:
- Chiều cao: Đối với nam từ 1m64 trở lên; đối với nữ từ 1m58 trở lên;
- Thị lực: Thị lực không kính mỗi mắt đạt 9-10/10, tổng thị lực 02 mắt đạt từ 18-20/10;
- Tuyển công dân có trình độ khoa học công nghệ bố trí làm công tác kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ thuật hình sự, công nghệ thông tin, cơ yếu, an ninh mạng, tác chiến điện tử; người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học; có chức danh giáo sư, phó giáo sư; người dân tộc thiểu số: Được hạ thấp 02 (hai) cm đối với từng giới so với quy định tại điểm a Khoản này; có thể cận, viễn, loạn thị nhưng không quá 03 điốp mỗi mắt.