Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo có 93,78% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022 và được thực hiện trong 05 năm.
Cán bộ quản giáo dạy nghề cho phạm nhân. |
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản như: lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế…; yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp. Mặt khác, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, theo từng năm, mang tính thời vụ, không lâu dài. Do vậy các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả hạn chế trong việc nâng cao trình độ kỹ năng lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi số lượng phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trong độ tuổi sung sức lao động (từ 18 đến 45 tuổi), có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống chiếm tỷ lệ rất cao trên tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hằng năm (trung bình là 86,41%).
Công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của các trại giam nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật. Việc trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên, môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu này, nhiều trại giam không có khả năng tạo ra việc làm, công nghệ mà phải tìm kiếm hợp tác với tổ chức, cá nhân để bố trí việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan...
Từ những lý do nêu trên, Chính phủ nhận thấy việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết (Xem thêm).
Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát Cơ động với 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn
Lực lượng Cảnh sát cơ động diễn tập phòng chống khủng bố. |
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, 454/474 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành Luật Cảnh sát Cơ động (đạt 91,16%); Luật Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Luật CSCĐ quy định 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn cho CSCĐ, CSCĐ có những quyền gồm: sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. CSCĐ cũng được quyền mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…
CSCĐ cũng được giao quyền: ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay. CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách (Xem thêm).
Bộ Công an lấy ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân làm thẻ Căn cước công dân. |
Nhằm đáp ứng các mục tiêu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ công dân số, phát triển kinh tế, xã hội và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, Bộ Công an đề xuất các nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân, trong đó, bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân vào thẻ Căn cước công dân và thay thế việc sử dụng một số loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp chứa thông tin đã được tích hợp; bổ sung quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục để thu thập, tích hợp thông tin; bổ sung quy định về loại thông tin được tích hợp; bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi...
Dự thảo Thông tư liên quan chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong Công an nhân dân
Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, tặng quà các đồng chí thương, bệnh binh. |
Nguyên tắc thực hiện quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong Công an nhân dân quy định tại dự thảo Thông tư như sau: Cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương, bị bệnh thuộc diện được xem xét, công nhận người có công với cách mạng thì Công an đơn vị, địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ đang công tác hoặc trước khi xuất ngũ, thôi việc, nghỉ hưu, chuyển ngành hoặc hy sinh chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương liên quan lập hồ sơ, đề xuất công nhận người có công theo quy định. Trường hợp Công an đơn vị, địa phương trước khi xuất ngũ, thôi việc, nghỉ hưu, chuyển ngành hoặc hy sinh đã giải thể, sáp nhập thì Công an đơn vị, địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ hoặc tiếp nhận địa bàn của đơn vị, địa phương đã giải thể, sáp nhập chịu trách nhiệm thực hiện.
Hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa của lực lượng Công an nhân dân
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy ra quân thực hiện cao điểm. |
Dự thảo Thông tư quy định việc đầu tư, xây dựng, phân cấp, ủy quyền đầu tư, xây dựng cảng, bến thủy Công an nhân dân được thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và các thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đầu tư xây dựng trong Công an nhân dân. Đầu tư xây dựng cảng, bến thủy phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn ngành Công an, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên tuyến, địa bàn và các quy định khác tại Thông tư này. Cảng, bến thủy hoạt động phải được cấp có thẩm quyền công bố hoạt động, ban hành nội quy hoạt động cảng, bến thủy Công an nhân dân theo quy định...
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC
Thẻ ABTC sẽ có giá trị sử dụng trong 05 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn. |
Theo đó, Dự thảo quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp thẻ ABTC cho doanh nhân Việt Nam tại Bộ Công an, trong đó quy định doanh nhân đang ở trong nước nếu đề nghị cấp mới, cấp lại thẻ ABTC có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hoặc trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Doanh nhân gửi hồ sơ qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an phải đảm bảo các điều kiện: Đăng ký tài khoản điện tử để giao dịch trên môi trường mạng; thực hiện chứng thực điện tử giấy tờ, tài liệu kèm theo. Doanh nhân đề nghị cấp mới, cấp lại thẻ ABTC có thể đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Người được cấp thẻ ABTC phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.