Diễn đàn pháp luật
Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhân dân
(Congannghean.vn)-Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ việc bồi thường của Nhà nước cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Trên địa bàn Nghệ An, đã có 2 trường hợp cá nhân được Nhà nước bồi thường với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Điều này cho thấy, quyền lợi chính đáng của người dân đã được pháp luật coi trọng và bảo vệ.
Công an tỉnh Nghệ An tổ chức tập huấn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cho lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ |
Xác nhận sai, bồi thường tiền tỉ
Ngày 7/11/2016, UBND huyện Nghi Lộc ban hành quyết định bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Bùi Tôn Kiêm với số tiền 1,04 tỉ đồng. Việc bồi thường thực hiện theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Lý do bồi thường liên quan đến việc xác nhận của UBND Nghi Lộc đối với việc bán 2 máy đẩy thuỷ 16CV.
Cụ thể: Năm 1988, ông Kiêm có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Nghi Lộc về việc UBND huyện đã bán 2 chiếc máy đẩy thuỷ 16CV. Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Kiêm, ngày 17/3/2016, UBND huyện Nghi Lộc đã thành lập Đoàn kiểm tra, xác minh đơn thư khiếu nại. Đến ngày 28/4/2016, UBND huyện có quyết định giải quyết đơn khiếu nại của ông Bùi Tôn Kiêm, trong đó đã xác định được hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường là UBND huyện Nghi Lộc. Sau quá trình trao đổi, bàn bạc giữa 2 bên để thông nhất giá cả bồi thường, đến ngày 7/11/2016, UBND huyện có quyết định về việc giải quyết bồi thường cho ông Kiêm, với số tiền 1,04 tỉ đồng.
1 vụ việc khác, năm 2004, ông Vương Đình Văn trú tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, là em ruột của ông Vương Chí Thuần, đã ký tên thay ông Thuần vào hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (không được sự đồng ý của ông Thuần, vì thời điểm đó ông Thuần không có mặt tại địa phương). Tuy nhiên, UBND xã Nghi Thái vẫn chứng thực vào các hợp đồng chuyển nhượng và các giấy tờ liên quan trình phòng chuyên môn và UBND huyện Nghi Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Vương Đình Dũng và bà Vương Thị Cát.
Sau khi được cấp GCNQSDĐ, vợ chồng ông Dũng xây dựng nhà bằng kiên cố và sinh sống trên thửa đất đó. Đến năm 2011, ông Trương Xuân Sinh trú tại xã Nghi Thái gửi đơn tố cáo việc làm không có căn cứ pháp luật của UBND xã Nghi Thái và UBND huyện Nghi Lộc.
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của ông Sinh, UBND xã Nghi Thái và UBND huyện Nghi Lộc đã thành lập Đoàn thanh, kiểm tra xác minh về vụ việc trên. Quá trình xác minh, đến ngày 6/6/2011, UBND huyện Nghi Lộc đã có quyết định thu hồi, huỷ bỏ GCNQSDĐ của vợ chồng ông Dũng và bà Cát. Đến năm 2015, ông Thuần làm đơn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong việc chuyển nhượng đất trên.
Sau khi tiếp nhận đơn của ông Thuần, UBND huyện Nghi Lộc đã xác định được hành vi trái pháp luật đối với người thi hành công vụ, đồng thời giao lại quyền sử dụng mảnh đất đó cho ông Thuần. Quá trình giải quyết, ông Thuần đã rút đơn không yêu cầu bồi thường về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và chỉ yêu cầu bồi thường đối với cá nhân thiệt hại. Đến ngày 24/11/2016, UBND huyện Nghi Lộc có quyết định về việc giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước đối với ông Vương Chí Thuần với số tiền 26.622.000 đồng.
Mặc dù 2 vụ việc trên đã được xử lý, tuy nhiên các cơ quan chức năng thực hiện công tác bồi thường Nhà nước còn chậm. Khi giải quyết bồi thường thiệt hại cho 2 vụ việc trên, các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm và giải quyết còn lúng túng; thủ tục rườm rà nên chậm chi trả. Bên cạnh đó, người dân chưa nắm rõ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước dẫn đến nhiều trường hợp thuộc diện được bồi thường nhưng do không biết luật nên đã không yêu cầu; đến khi biết luật thì lại hết thời hiệu yêu cầu…
Lợi ích của người dân được bảo vệ
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, trở thành công cụ pháp lý để cá nhân, tổ chức đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến nay đã có nhiều thay đổi về yêu cầu đảm bảo, bảo vệ quyền con người, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
Thực tế trên đã làm cho Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật này là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tế đối với các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Luật đã bổ sung 5 điều quy định cụ thể về các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính (Điều 8), tố tụng hình sự (Điều 9), tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Điều 10), thi hành án hình sự (Điều 11), thi hành án dân sự (Điều 12).
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 được xây dựng trên tinh thần kế thừa các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và phù hợp với Hiến pháp 2013; đồng bộ thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp cho biết, trong những năm qua, công tác bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả bước đầu. Cán bộ, công chức, tổ chức và nhân dân nhận thức được ý nghĩa, vai trò của pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác bồi thường, trách nhiệm giải quyết bồi thường khi phát sinh yêu cầu bồi thường Nhà nước và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, do công tác bồi thường của Nhà nước là lĩnh vực mới, nhạy cảm, phức tạp; các cơ quan, đơn vị chưa thống nhất được đầu mối quản lý và theo dõi công tác bồi thường của cơ quan, đơn vị mình; công tác phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ; biên chế bố trí cho công tác này còn thiếu; một bộ phận lớn công dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa hiểu rõ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật Tránh nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác bồi thường; đảm bảo việc thực hiện giải quyết bồi thường của Nhà nước công bằng, khách quan, thống nhất, đúng pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có yêu cầu bồi thường.
Cao Loan