Diễn đàn pháp luật

Huy động sức mạnh tổng hợp ngăn chặn tội phạm mua bán người

09:01, 15/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 130/CP về phòng, chống tội phạm mua bán người, Nghệ An đã bắt giữ 34 vụ, 57 đối tượng; giải cứu kịp thời 8 vụ, 16 nạn nhân; đưa 41 nạn nhân từ nước ngoài về địa phương ổn định cuộc sống.

Các tập thể được nhận Bằng khen của Bộ Công an về thành tích đấu tranh với tội phạm mua bán người
Các tập thể được nhận Bằng khen của Bộ Công an về thành tích đấu tranh với tội phạm mua bán người

Một năm xảy ra từ 12 đến 16 vụ mua bán người

Thời gian qua, tội phạm mua bán người trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, vì vậy Nghệ An được chọn là 1 trong 6 tỉnh chỉ đạo điểm trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Theo thống kê, hàng năm tại Nghệ An xảy ra từ 12 - 16 vụ mua bán người; nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 14 - 30, đa số là người miền núi rẻo cao và vùng nông thôn, có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức về xã hội, pháp luật còn hạn chế, đặc biệt không có công ăn việc làm. Lợi dụng những đặc điểm này, các đối tượng mua bán người đã đưa ra những lời hứa về công việc lương cao khiến các nạn nhân nhanh chóng tin tưởng và “sập bẫy”.

Đơn cử như trường hợp của chị L.T.H. (23 tuổi) trú tại bản Thắm, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, cũng bởi tin vào lời hứa có việc làm lương cao, đã trở thành món hàng cho các đối tượng mua bán người. Trở về từ Trung Quốc, chị H. là một trong số ít những nạn nhân may mắn được lực lượng chức năng giải cứu, trở về đoàn tụ với gia đình vào ngày 11/3/2018.

Theo chia sẻ của chị H., vào khoảng tháng 10/2016, chị đang ở nhà chồng tại xóm bản Xết thì có 1 người tên Duyệt (chị dâu của mẹ chồng) và 1 người tên Trường (con bà Duyệt) đến nhà chơi, hỏi bà Vi Thị Quế (mẹ chồng H.) tìm người cho bà Duyệt đưa sang Trung Quốc làm việc, nếu tìm được sẽ trả công. Sau đó, bà Duyệt hỏi H. đi Trung Quốc bán hàng tạp hóa sẽ được trả mỗi tháng 6 triệu đồng. Tại thời điểm đó, bố đẻ H. bị ung thư, để có tiền chữa bệnh cho bố, H. đã đồng ý. Tuy nhiên, khi sang đến Trung Quốc, H. bị các đối tượng ép lấy chồng. Chúng đã bán H. cho 1 người đàn ông Trung Quốc với giá 9,5 vạn nhân dân tệ (tương đương khoảng 300 triệu đồng) nhưng H. cũng không nhận được đồng nào.

Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, trong giai đoạn I (2016 - 2018) của chương trình phòng, chống mua bán người, các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 34 vụ, 57 đối tượng phạm tội mua bán người (trong đó lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 30 vụ, 52 đối tượng; lực lượng Bộ đội Biên phòng bắt giữ 4 vụ, 5 đối tượng). Đấu tranh, bắt giữ 6 vụ, 18 đối tượng mua bán trẻ em; tổ chức lực lượng giải cứu và hỗ trợ kinh phí đưa về địa phương 41 nạn nhân, giúp đỡ họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Lực lượng Công an tăng cường bám địa bàn, tuyên truyền về các thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho nhân dân vùng cao
Lực lượng Công an tăng cường bám địa bàn, tuyên truyền về các thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho nhân dân vùng cao

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mà trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế.

Chỉ trong 3 năm của giai đoạn I, các tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân đã tổ chức được hơn 450 buổi truyền thông phòng, chống mua bán người, thu hút hơn 4.000 lượt người dân tham gia; tổ chức 16 cuộc đối thoại chính sách, 44 diễn đàn nhằm tuyên truyền, tư vấn, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, đã phát động mạnh mẽ đợt tuyên truyền hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7).

Bên cạnh đấu tranh quyết liệt với tội phạm, các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt chuyên đề. Qua đó, đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền hơn 900 buổi với hơn 35.000 lượt người dân tham gia; tổ chức 45 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các khu vực biên giới, nâng cao tinh thần cảnh giác cho nhân dân đối với tội phạm mua bán người tại các địa bàn trọng điểm như Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn I (2016 - 2018) trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào ngày 11/4/2018, Đại tá Hoàng Anh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục C42 Bộ Công an nhấn mạnh: So với các vụ án hình sự khác thì số vụ án liên quan đến mua bán người không nhiều, tuy nhiên, nó liên quan trực tiếp đến quyền con người, chà đạp lên thân thể và nhân phẩm của con người mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Các nạn nhân trở thành những món hàng hóa được đem ra cân đo đong đếm, được trả giá, đây là một việc làm đáng lên án và cần phải có biện pháp đấu tranh quyết liệt hơn.

Trong 3 năm qua, mặc dù kinh phí triển khai công tác phòng, chống mua bán người còn hạn hẹp nhưng Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hiệu quả việc thực hiện Chương trình 130/CP, qua đó, số vụ, số nạn nhân giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tội phạm mua bán người trên địa bàn cả nước và Nghệ An sẽ còn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng và quốc tế hóa. Vì vậy, Nghệ An cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người một cách hiệu quả nhất.

Nhật Minh

Các tin khác