Diễn đàn pháp luật

Tháo gỡ vướng mắc các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

08:04, 06/02/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 số 92/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã sửa đổi, bổ sung và quy định mới thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, qua đó giải quyết tốt các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Một vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Nghệ An
Một vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Nghệ An

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài có thể thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam theo 2 cách: Thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam hoặc thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam. Tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền chung để giải quyết các trường hợp vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà bị đơn có tài sản ở Việt Nam, các vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

BLTTDS năm 2015 cũng đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những bất cập từ trước đến nay về trình tự, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu; về chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án; quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, người có quyền, lợi ích liên quan còn có quyền nộp đơn yêu cầu không công nhận bản án; quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 cũng đã bổ sung quy định về việc cho phép xem lại các quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để khắc phục tình trạng có sai sót trong các bản án; quyết định của Tòa án khi xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành hay không công nhận bản án; quyết định của Tòa án nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Đặc biệt, theo quy định mới, nhằm đa dạng hóa các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự nước ngoài đảm bảo hiệu quả và rút ngắn thời gian của việc tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài, Luật mới cho phép thay đổi căn bản thủ tục thông báo, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài.

Theo đó, bên cạnh phương thức tống đạt, thông báo truyền thống được quy định tại điều ước quốc tế và thông qua con đường ngoại giao trước đây, BLTTDS năm 2015 bổ sung thêm các phương thức tống đạt mới như: Tống đạt theo đường dịch vụ bưu chính, tống đạt qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại Việt Nam, trường hợp thực hiện các phương thức tống đạt không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và của cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài. Với những quy định rõ ràng, chi tiết hơn về giải quyết các vụ việc tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài này, đã phần nào giúp các cơ quan tố tụng tháo gỡ được các vướng mắc liên quan.

Tại địa bàn Nghệ An, các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà Tòa án thụ lý giải quyết chủ yếu là các vụ án ly hôn, số liệu thống kê năm 2017 cho thấy tổng số án dân sự, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài là 189 vụ án. Trong đó, án ly hôn có yếu tố nước ngoài là 153 vụ, chiếm tỉ lệ 77%. Quá trình thụ lý, vẫn còn xảy ra một số vướng mắc, như một số vụ án có yếu tố nước ngoài, người khởi kiện chưa cung cấp được tài liệu chứng cứ xác định người bị kiện đang sinh sống, lao động ở nước ngoài và địa chỉ của họ để xác định thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 473, BLTTDS năm 2015. Ngoài ra, tại Khoản 12, Điều 70, BLTTDS năm 2015 quy định đương sự có quyền được “nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình”.

Đơn cử, vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa nguyên đơn chị Phan Thị H. và bị đơn anh Phùng Văn T.. Trong vụ án này, anh Phùng Văn T. đang sống và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, văn bản ủy quyền của anh T. ủy quyền cho bố đẻ là ông Phùng Đình Đ. là không đúng theo quy định tại Điều 474, BLTTDS năm 2015. Hay như vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa nguyên đơn chị Nguyễn Thị L. và bị đơn anh Nguyễn Trường L.. Trong vụ án này, ông Nguyễn Công Th. là bố của anh L. có xuất trình và nộp cho Tòa án các tài liệu là bản tự khai và đơn xin xét xử vắng mặt đề tên anh L. nhưng không công chứng, chứng thực nên không có giá trị chứng minh.

Những sơ suất trên, Phòng 9, VKSND tỉnh Nghệ An đã tham mưu lãnh đạo Viện, ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án có biện pháp chỉ đạo kiểm tra để khắc phục; đồng thời, báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm 2 vụ án. Kết quả, kiến nghị đã được Tòa án chấp nhận và Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội chấp nhận báo cáo của VKSND tỉnh Nghệ An kháng nghị phúc thẩm 2 vụ việc.

Thiện Thành

Các tin khác