Diễn đàn pháp luật
Tội phạm chống người thi hành công vụ: Còn diễn biến phức tạp
(Congannghean.vn)-Chống trả lực lượng Cảnh sát Giao thông, đánh trọng thương Kiểm lâm, xúc phạm bác sĩ, y tá… là những thông tin đã không còn lạ lẫm với người dân trong suốt thời gian qua. Có thể thấy, tình trạng chống người thi hành công vụ đang gia tăng, ở nhiều địa phương, trong hoạt động công vụ của nhiều ngành, nhất là trong hoạt động chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, thi hành án, thanh tra, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế, báo chí... Xử lý nghiêm hành vi coi thường pháp luật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm người công vụ đang là yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.
Cán bộ Công an TP Vinh lấy lời khai đối tượng chống người thi hành công vụ |
Theo nhận định của các lực lượng chức năng, hành vi chống người thi hành công vụ đang diễn biến theo chiều hướng manh động, coi thường pháp luật, xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật. Trong đó, một số vụ có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Gần đây, xảy ra vụ việc nghiêm trọng 1 đồng chí CSGT thuộc Cục CSGT đường bộ, đường sắt bị đối tượng điều khiển xe máy đâm trực diện dẫn đến tử vong khi đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào ngày 30/11/2017.
Tại Nghệ An, mặc dù được tập trung chỉ đạo đấu tranh quyết liệt nhưng tội phạm chống người thi hành công vụ vẫn còn xảy ra nhiều và có xu hướng tăng. Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2017, toàn tỉnh xảy ra 71 vụ, việc chống người thi hành công vụ, làm bị thương 41 người. Đáng chú ý, xảy ra một số vụ việc đối tượng phản động, cơ hội chính trị cấu kết với một số phần tử quá khích kích động tập trung đông người, gây rối TTCC, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật.
Vào ngày 16/8/2017, trong quá trình làm nhiệm vụ trên đường Lê Duẩn thuộc phường Trung Đô, TP Vinh, Tổ công tác Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh phát hiện người điều khiển xe máy BKS 37L5-5559, không đội mũ bảo hiểm va chạm với chị Lê Thị Hiền (SN 1984) là nhân viên Công ty Vệ sinh môi trường TP Vinh, nên đã tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật. Qua làm việc được biết, người điều khiển xe máy là Hoàng Văn Hiệu (SN 1984) trú tại thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, tạm trú tại TP Vinh.
Sau khi 2 bên tự thỏa thuận, phát hiện hơi thở của Hiệu có nồng độ cồn, nghi là trước khi va chạm giao thông Hiệu đã sử dụng bia rượu nên Tổ công tác tiến hành kiểm tra hành chính nhưng Hiệu không xuất trình được giấy tờ liên quan. Tổ công tác đã yêu cầu Hiệu về trụ sở Công an để làm việc. Tuy nhiên, đối tượng không những không chấp hành mà còn có lời nói xúc phạm đến Tổ công tác; đồng thời, dùng tay phải đấm vào mặt 1 cán bộ thuộc Tổ công tác.
Qua một số vụ việc có thể thấy, những hành vi đó rõ ràng xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng còn kém. Song về mặt pháp lý, theo lực lượng thực thi công vụ, chế tài xử lý các hành vi "chống người thi hành công vụ" còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hơn lúc nào hết, công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ là một trong những việc làm cần thiết, nhằm đảm bảo ANTT, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đa số trong các vụ chống người thi hành công vụ, đối tượng vi phạm là những người thiếu hiểu biết pháp luật, nghiện ngập hay những thành phần bất mãn trong xã hội không nhận thức được hành vi sai phạm của bản thân nên thường có hành động hung hãn, sẵn sàng tấn công người thi hành công vụ. Không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn cản việc bị xử lý, chạy trốn khi bị bắt giữ mà các đối tượng còn ngang nhiên khiêu khích, thách thức, đe dọa lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, rà soát, làm rõ những bất cập, hạn chế về pháp luật liên quan hoạt động thi hành công vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ để sớm đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần đảm bảo quyền, nghĩa vụ công dân, bảo vệ người thi hành công vụ, nêu cao kỷ cương, kỷ luật và tính nghiêm minh của pháp luật. Cần có hướng dẫn cụ thể cho phép người thi hành công vụ trong trường hợp nào thì được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để trấn áp, khống chế, vô hiệu hoá người có hành vi chống lại người thi hành công vụ hoặc trong trường hợp phòng vệ chính đáng.
Tuệ Trang