Diễn đàn pháp luật

Đấu tranh quyết liệt với tình trạng khai thác cát sỏi trái phép

09:04, 25/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dù đã vào thời điểm cuối năm nhưng tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lam vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó, ngoài các trường hợp khai thác thủ công, có không ít đối tượng tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn để che đậy hành vi của mình. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đấu tranh, bảo vệ nguồn tài nguyên.

Lực lượng Công an kiểm tra số cát bị tạm giữ
Lực lượng Công an kiểm tra số cát bị tạm giữ

Theo số liệu thống kê, trên tuyến sông Lam thuộc địa bàn TP Vinh và các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương có 11 mỏ cát sỏi được UBND tỉnh cấp giấy phép. Về bến thủy nội địa tập kết cát sỏi, có 29 bến chuyên tập kết, kinh doanh cát sỏi được cấp phép hoạt động theo quy định. Tuy nhiên, dọc theo tuyến sông Lam, vẫn còn nhiều bến dù chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, thu lời bất chính. Trong đó, có một số người dân vẫn tham gia khai thác trái phép do lợi nhuận.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đội trưởng Đội 3, Phòng CSMT Công an tỉnh Nghệ An: “Việc tổ chức truy quét tổng thể hoạt động khai thác trên địa bàn tuyến sông Lam nói chung và các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên nói riêng thường gặp nhiều khó khăn do diện tích cấp mỏ nằm rải rác trên các tuyến sông, trong khi các vị trí khai thác cát trái phép đều nằm gần các vị trí được cấp mỏ”. Điển hình như trên sông Lam thuộc 2 xã Hưng Lợi, Hưng Long, huyện Hưng Nguyên; xã Khánh Sơn, Nam Thượng, huyện Nam Đàn. Các điểm này đều tiếp giáp với các mỏ đã được cấp phép. Các đối tượng khai thác trái phép là người dân lao động, khai thác nhỏ lẻ và không có quy luật thời gian hoạt động.

Thực tế, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lam thời gian qua vẫn diễn ra rải rác ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Dù lực lượng CSMT đã tăng cường tuần tra, nhắc nhở, bắt giữ nhưng vì nhiều nguyên nhân, các đối tượng trên vẫn thực hiện hành vi trái phép. Nhiều gia đình, dù bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ phương tiện nhưng sau khi hoàn trả, bồi hoàn, lại tiếp tục công việc như cũ. Họ lên bờ nhưng không có trình độ, tay nghề, lại quen với cuộc sống sông nước nay đây mai đó, nên chẳng thể chuyển đổi hình thức sản xuất mới. Nhiều người từ 3 đến 4 đời, quanh năm lênh đênh trên sông Lam, chuyên khai thác cát sỏi để mưu sinh. Hai vợ chồng, rồi con cái chẳng biết chữ, cũng không thể ký tên khi lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc đấu tranh với những đối tượng tinh vi, khai thác số lượng lớn, với những người dân thông thường, chúng tôi kết hợp giữa tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt hành chính. Rất thông cảm cho bà con không có công việc ổn định, phải mưu sinh sông nước, nhưng khai thác cát sỏi trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, phải bị xử lý nghiêm minh. Hành vi này không chỉ tác động đến tài nguyên môi trường mà còn tác động đến tình hình ANTT trên địa bàn. Vì thế, ngoài sự ra quân quyết liệt của lực lượng Công an, rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các đơn vị liên quan, nhất là chính quyền các địa phương”, Trung tá Hoàng Việt Hưng, cán bộ Phòng CSMT trao đổi.

Hành vi khai thác cát sỏi trái phép đang được lực lượng Công an quyết liệt xử lý
Hành vi khai thác cát sỏi trái phép đang được lực lượng Công an quyết liệt xử lý.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng CSMT đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, thành lập nhiều tổ công tác để phát hiện, đấu tranh với hành vi khai thác cát sỏi trái phép. Theo đó, trong năm, đơn bị đã bắt giữ, xử lý 69 vụ về khoáng sản, xử phạt hơn 550 triệu đồng. Cụ thể, 66 vụ khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt 523 triệu đồng, tịch thu 1 thuyền vỏ sắt và 12 máy nổ; 2 vụ vi phạm về cắm mốc mỏ, xử phạt 2 doanh nghiệp 16 triệu đồng; 1 vụ đưa bến thủy nội địa vào hoạt động trái phép để tập kết cát sỏi, xử phạt 7,5 triệu đồng.

Trong thời gian tới, dự báo các hành vi vi phạm liên quan khai thác cát sỏi vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Bảo vệ nguồn tài nguyên là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của chính người dân, chứ không thể một mình lực lượng Công an có thể thực hiện, hoàn thành. Bởi vậy, ngoài sự ra quân, triển khai quyết liệt của lực lượng CSMT và Công an các địa phương, rất cần sự chung tay, giúp sức của mọi người.

Mai Hậu

Các tin khác