Diễn đàn pháp luật
Đề xuất về trách nhiệm bồi thường của người quản lý DNNN
Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Dự thảo Nghị định này quy định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả và trình tự, thủ tục giải quyết trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của người quản lý tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước.
Trường hợp người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi gây thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc giải quyết trách nhiệm bồi thường, hoàn trả được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Dự thảo nêu rõ, căn cứ quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, việc xác định bồi thường, hoàn trả quy định như sau: Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi gây thiệt hại có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp đã bồi thường cho doanh nghiệp bị thiệt hại.
Trường hợp người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi gây thiệt hại bị phát hiện nhưng đã chết hoặc trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, địch họa hoặc các nguyên nhân bất khả kháng khác được cấp có thẩm quyền xác nhận thì người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường, hoàn trả.
Xác định thiệt hại, bồi thường, hoàn trả
Theo dự thảo, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan nhà nước hoặc của người có thẩm quyền xác định người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi gây thiệt hại thì cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp bị thiệt hại phải hoàn thành việc xác định thiệt hại hoặc thuê cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện việc định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản.
Chi phí xác định thiệt hại, định giá tài sản, giám định thiệt hại do người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi gây thiệt hại chi trả.
Cấp có thẩm quyền yêu cầu người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi gây thiệt hại viết bản tường trình về vụ việc, đề xuất hướng giải quyết, đồng thời thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm bồi thường, hoàn trả.
Nguồn: Chinhphu.vn