Diễn đàn pháp luật
Thượng tôn pháp luật
(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, những hoạt động liên quan đến tổ chức “Đức Chúa trời Mẹ” hay còn gọi là “Hội Thánh đức chúa trời” đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của công luận. Đằng sau đó là rất nhiều tâm sự, nỗi niềm, nỗi đau và cả nước mắt của những gia đình có người thân tham gia “Hội Thánh đức chúa trời”. Vậy tổ chức đó là gì và tại sao nó lại là nguyên nhân khiến nhiều gia đình mâu thuẫn, tan nát? Vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu trước sự phát triển của tổ chức này?
Kỳ 3: Thượng tôn pháp luật
Trái pháp luật và thuần phong mỹ tục
Sau thời gian tìm hiểu và bị cuốn theo, anh Chu Văn Q. (Diễn Châu) đã tự nguyện rời bỏ “Hội thánh đức chúa trời”. Tò mò về những giáo lý, nội dung tuyên truyền là lý do đầu tiên để người đàn ông đã ngoài 40, có công việc, gia đình ổn định tìm đến những cuốn sách giảng đạo của Hội thánh. Từ tìm hiểu, anh Q. bị cuốn theo lúc nào không hay. Qua thời gian, gia đình bắt đầu nghi ngờ khi phát hiện những biểu hiện bất thường của anh Q.. Đầu tiên là không tham gia các hoạt động thắp hương, cúng lễ, sau lại thường xuyên ra ngoài không rõ lý do. Đến khi bị Công an huyện Diễn Châu thông báo về việc anh Q. tham gia sinh hoạt tôn giáo trái phép, mọi người trong nhà mới ngã ngửa.
Là gia đình có tri thức, mọi người tìm cách động viên, phân tích đúng sai, từ đó, kéo anh Q. tách dần khỏi “Hội thánh đức chúa trời”. “Mình tìm đến Hội thánh với mong muốn đơn giản là hiểu rõ hơn về Kinh thánh, giáo lý, sau bị lôi cuốn từ lúc nào không hay. Đến nay, đã không tham gia vào Hội thánh nữa. Vợ, rồi tất cả mọi người trong gia đình đã khuyên nhủ rất nhiều trong thời gian đó”, anh Q. cho biết.
Chia sẻ quan điểm về những nội dung truyền đạo của “Hội thánh đức chúa trời”, Mục sư Hoa Xuân Trực, Trưởng đại diện Hội thánh Tin lành miền Bắc tại Thanh Hóa thể hiện rõ thái độ không đồng tình. Theo đó, những người tin theo “Hội thánh đức chúa trời” đã tự tôn nhân vật sáng lập Anh Sang Hông là Chúa Giêsu tái sinh. Họ cho rằng, Đức Chúa trời mẹ là cao cả nhất, đứng lên trên mọi vật, mọi thế lực. Họ dỗ dành rằng chỉ có Hội thánh của họ mới có sổ sách sự sống, hễ ai được ghi vào sách sự sống thì mới được cứu rỗi.
“Có một số tín đồ của đạo Tin lành của chúng tôi tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã được vài người dụ dỗ ra Hà Nội để tìm hiểu thêm về Kinh thánh, được đài thọ hoàn toàn miễn phí. Tới đó, mọi người được nghe truyền đạo và thuyết phục làm lễ Vượt qua. Tuy nhiên, khi được nghe những điều giảng đạo, họ thấy không phù hợp. Sau 3 ngày, mọi người trở về và đã làm lễ rửa tội, thể hiện sự sám hối”, Mục sư Hoa Xuân Trực cho biết thêm.
Không đồng tình với cách sinh hoạt của những người tin theo “Hội thánh đức chúa trời” đang làm trong thời gian qua cũng là quan điểm của ông Lưu Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An. “Bất kỳ tôn giáo mới nào xuất hiện phải đăng ký và được pháp luật, chính quyền sở tại chấp nhận. Nếu được chấp nhận, phải có cơ sở thờ tự và địa điểm sinh hoạt hợp pháp. Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, “Hội thánh đức chúa trời” vẫn chưa đăng ký hoạt động. Đa phần những người tin theo đang chọn địa điểm sinh hoạt tại nhà riêng, các khách sạn. Điểm này vi phạm các quy định tại Điều 14, 16, Luật Tín ngưỡng tôn giáo về việc đăng ký sinh hoạt tập trung".
Ngoài ra, cũng theo ông Vinh, tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi công dân, điều này đã được pháp luật thừa nhận, tuy nhiên, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi đều phải phải xử lý nghiêm.
Ông Lưu Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh trả lời phóng viên |
Tất cả cùng vào cuộc ngăn chặn
Trước hoạt động và dư luận xung quanh “Hội thánh đức chúa trời”, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo đó, hiện nay có một số nhóm mang tên “Hội thánh đức chúa trời”, bao gồm cả các nhóm Tin lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở một số địa phương liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh đức chúa trời” cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin lành nói chung.
Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các cấp, ngành ở địa phương cần làm tốt công tác nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc...
Trên thực tế, những đối tượng mà “Hội thánh đức chúa trời” hướng tới là các học sinh, sinh viên - những người chưa có sự chắc chắn, vững vàng về quan điểm sống, phương hướng phát triển trong tương lai. Những luận điểm về sự cứu rỗi, thoát khỏi thực tại của Hội Thánh cũng lôi cuốn không ít những người nhẹ dạ, có hoàn cảnh éo le, bị ốm đau lâu ngày…
Trong một động thái mới đây, Công đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Văn bản số 92/CĐN-TGNC liên quan đến hoạt động của "Hội thánh đức chúa trời". Công văn nêu rõ theo các cơ quan chức năng, "Hội thánh đức chúa trời" là tổ chức tôn giáo chưa được pháp luật cho phép hoạt động. Hoạt động của hội này là phi pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc công tác, học tập rèn luyện và sinh hoạt của cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên, tác động xấu đến tới an ninh trật tự trong các trường học, cơ sở giáo dục cũng như cuộc sống gia đình thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn giáo dục các tỉnh, thành, các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ và học sinh sinh viên về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Thông báo rộng rãi tới toàn thể cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh sinh viên trong nhà trường về sự phi pháp của "Hội thánh đức chúa trời" và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo và những lời tuyên truyền lừa đảo…
Tại tỉnh Nghệ An, ngoài vai trò tích cực của lực lượng Công an trong việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sinh hoạt tôn giáo trái phép, lợi dụng tôn giáo để trục lợi, gây phức tạp ANTT, các ban, ngành, đoàn thể cũng đã chủ động có hướng dẫn cụ thể.
Theo ông Lưu Công Vinh, Ban Tôn giáo tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn chính quyền địa phương tăng cường nhận diện, nắm rõ các diễn biến cụ thể trên địa bàn. Từ đó, chủ động tuyên truyền, nhắc nhở người dân sớm nhận diện những tôn giáo lợi dụng tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.
Các trường đại học, cao đẳng tại Nghệ An cũng đã có những khuyến cáo đối với các học sinh, sinh viên trong việc nâng cao nhận thức, không sa vào những luận điệu, tổ chức đi ngược với thuần phong mỹ tục, với những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
“Tuy nhiên, với các gia đình có người thân đã tham gia vào “Hội thánh đức chúa trời”, chúng ta không nên nóng vội. Cần bình tĩnh khuyên nhủ, dần dần phân tích, tác động để họ hiểu ra điều hay lẽ phải, từ đó, tự giác tách khỏi những luận điệu có nội dung lừa đảo, xuyên tạc. Riêng với những bạn trẻ, nói không với những lời mời gọi, dụ dỗ, tránh sự tò mò với những điều rao giảng xa rời thực tế là cách tốt nhất để không bị rơi vào cạm bẫy của các tổ chức tà giáo”, Mục sư Hoa Xuân Trực chia sẻ.
Tìm hiểu kỹ càng những giáo lý, giáo luật, đặc biệt là của những tổ chức tôn giáo mới để chuẩn bị cho mình tâm thế, kiến thức vững vàng khi tham gia bất cứ tổ chức tôn giáo nào chính là lời khuyên của ông Lưu Công Vinh, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh dành cho các bạn trẻ trong thời đại phát triển công nghệ, mạng xã hội như hiện nay.
Việt Nam là đất nước đa văn hóa, đa tín ngưỡng. Pháp luật nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi công dân. Qua lịch sử hình thành và phát triển của các tôn giáo đều có thể thấy, điểm chung nhất vẫn là hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, đến chân - thiện - mỹ. Hay nói cách khác, tôn giáo song hành cùng cuộc sống với mỗi người, thúc đẩy mỗi cá nhân hoàn thiện mình hơn, phát triển mình hơn, tăng kết nối hòa hợp dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh. Điều này được thể hiện rõ qua quan điểm “Sống tốt đời đẹp đạo”, “Kính Chúa yêu nước”… mà bao thế hệ công dân Việt Nam đã thực hiện và gìn giữ suốt nhiều thế kỷ qua.
Bởi vậy, sớm muộn, những giáo lý xa rời thực tế, khiến con người mê muội; những âm mưu của các cá nhân, tổ chức gây mâu thuẫn giữa các tín đồ, công dân, ảnh hưởng ANTT, đến cuộc sống bình yên của người dân đều sẽ bị loại trừ. Sự tích cực vào cuộc của các lực lượng chức năng, thái độ tự giác, cẩn trọng của mỗi người dân chính là chìa khóa để đẩy lùi những tà giáo, những tôn giáo đi ngược với thuần phong mỹ tục, với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Mai Hậu