Diễn đàn pháp luật
Báo chí trong sứ mệnh đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, phản động
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, lợi dụng một số vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường trên phạm vi cả nước, các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động xuyên tạc, chống phá. Mục đích chính là làm lung lay niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trong bối cảnh đó, người làm báo, các cơ quan báo chí - truyền thông càng phải ý thức rõ ràng và trách nhiệm hơn về yêu cầu, nhiệm vụ của bản thân trong cuộc đấu tranh bền bỉ, cam go này.
Phóng viên Báo Công an Nghệ An trong một lần tác nghiệp |
Có thể nhận thấy, đặc điểm chung trong nhiều hoạt động chống phá của các đối tượng phản động là thường tập trung đẩy mạnh vào thời điểm diễn ra các hoạt động kinh tế - xã hội lớn của đất nước. Hoặc đơn giản là “xé lẻ” một trong những vi phạm, hạn chế về tham nhũng, vi phạm đất đai của một lĩnh vực, một địa phương cụ thể. Từ đó, “gắn” với những câu nói của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là các luận điệu xuyên tạc sự thật, vu khống những chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như tôn giáo, nhân quyền… Điển hình như các đối tượng phản động đã lợi dụng một số linh mục cực đoan để gây rối, làm phức tạp tình hình trong thời gian qua. Những trang facebook của các đối tượng quá khích thường xuyên livestream (truyền hình trực tiếp), hoặc chia sẻ nhiều thông tin tại các “điểm nóng” thiếu chính xác, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Lợi dụng đức tin của bà con giáo dân, một số người đã xuyên tạc bản chất sự việc đến nhiều cơ quan báo chí và truyền thông, các tổ chức nhân quyền thiếu thông tin trên toàn thế giới. Chúng đặc biệt chú ý đến trạng thái tâm lý của quân và dân ta, của dư luận xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc vị trí, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng.
Không khó để nhận ra tham vọng đầy ảo tưởng của các đối tượng phản động là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, yêu cầu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, làm cho lực lượng vũ trang xa rời mục tiêu, lý tưởng, mất phương hướng chính trị, không thực hiện đúng chức năng... luôn là mục tiêu hướng đến của các thế lực thù địch.
Chúng đòi hủy bỏ một số nội dung như quy định việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Hay yêu cầu chấm dứt tình trạng độc quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, đảm bảo quyền tự do thành lập các cơ quan báo chí, xuất bản của mọi cá nhân… Thủ đoạn phá hoại của chúng cũng ngày càng tinh vi và thâm độc.
Nguy hiểm hơn cả là những đối tượng phản động tồn tại ở cả trong và ngoài nước. Đó có thể là những kẻ cơ hội chính trị, thành phần bất mãn với chế độ, những kẻ ham lợi ích vật chất, bị thế lực thù địch móc nối, mua chuộc, dụ dỗ. Bên cạnh đó, cũng có một số người do kém hiểu biết, bị thiếu thông tin chính thống hoặc người có hiểu biết nhưng bàng quan và thiếu ý thức chính trị đã có những hành động, phát ngôn không đúng, vô tình tiếp tay tuyên truyền cho các thế lực thù địch, phản động.
Trong nỗ lực ngông cuồng chống phá Đảng, Nhà nước, các đối tượng phản động đặc biệt lợi dụng ưu thế của internet và mạng xã hội. Đây được xem là công cụ đắc lực để truyền tải những thông tin sai sự thật, thiếu thiện chí đến người dân. Với một quốc gia có tốc độ phát triển CNTT như Việt Nam, điều này rất thuận lợi. Từ khi xuất hiện tờ báo điện tử đầu tiên, đến nay, tại Việt Nam đã có hàng triệu website, blog cá nhân, thu hút hàng tỉ lượt người xem và trao đổi thông tin. Nhiều trang facebook hoạt động theo dạng tổng hợp thông tin để bày tỏ quan điểm cá nhân về những vụ việc “nóng” thu hút dư luận.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, người dân phải sáng suốt trong tiếp nhận thông tin |
Đặc biệt, từ khi kênh chia sẻ video trực tuyến youtube hỗ trợ kiếm tiền qua quảng cáo tại Việt Nam thì lượng người đăng video tăng đột biến. Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia hàng đầu có người xem và chia sẻ video trên youtube. Lợi dụng điều này, các tổ chức phản động, các đối tượng cơ hội chính trị đã dàn dựng nhiều video clip xuyên tạc, bôi nhọ, làm sai lệch bản chất một số vụ việc ở nước ta.
Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của những người làm báo là phải không ngừng học hỏi về công nghệ mạng, truyền thông mạng để phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ngay trên hệ thống mà chúng đang phát triển.
Hiện nay, thế giới và các nước trong khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, các cuộc chiến tranh vẫn xảy ra, những bất đồng và tranh chấp lãnh thổ ngày càng leo thang, xung đột giữa các quốc gia vẫn ngấm ngầm và công khai, mưu toan lật đổ và gây bạo loạn đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, an ninh chính trị trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, để người dân có nhận thức đúng đắn về tình hình thế giới cũng như hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò của báo chí truyền thông hết sức quan trọng.
Báo chí với sứ mệnh của mình, phải chứng minh vai trò là phương tiện hữu hiệu nhất góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, tạo môi trường truyền thông lành mạnh, làm đúng chức trách, nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân. Đảng, Chính phủ Việt Nam rất tôn trọng quyền tự do công luận của nhân dân; đồng thời, sẽ nghiêm trị những cá nhân lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để chống phá Đảng, Nhà nước, vu khống, xuyên tạc sự thật.
Đối tượng mà bọn chúng hướng đến để tuyên truyền những thông tin, luận điệu xuyên tạc là các tầng lớp nhân dân, nhưng trọng tâm, trọng điểm là giới trẻ (thanh niên, học sinh, sinh viên) nhằm tạo lập lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước ta. Thanh, thiếu niên là lứa tuổi sử dụng CNTT nhiều nhất, lại hay bị kích thích, tò mò bởi những vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm dư luận, trong khi việc tiếp nhận truyền tải thông tin còn hạn chế.
Cùng với việc phát tán các tài liệu, ấn phẩm phản động từ nước ngoài gửi về, chúng kích động một số người ở trong nước viết sách, báo, tài liệu và lợi dụng một số diễn đàn để tuyên truyền cho các quan điểm sai trái về “tự do dân chủ”, “nhân quyền”. Vì thế, báo chí phải có nhiều bài viết có tính chiến đấu cao, định hướng rõ ràng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. “Xây” bao gồm tuyên dương, đẩy mạnh nhân rộng những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định những thành tựu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo của đất nước. “Chống” được thể hiện rõ rệt bằng những bài viết phát hiện, phản ánh những vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ của một số cá nhân, đơn vị. “Xây” và “chống” phải được thực hiện song hành với nhau, bổ trợ nhau thường xuyên, liên tục.
Cuộc đấu tranh nào cũng dai dẳng, khó khăn. Trên lĩnh vực báo chí truyền thông, cuộc đấu tranh ấy càng phức tạp hơn trước sức mạnh truyền tải to lớn của internet. Trong đó, báo chí Công an nhân dân phải chủ động, tích cực đi đầu trong cuộc đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Điều này vừa là nhiệm vụ quan trọng, vừa là trách nhiệm lớn lao của những chiến sỹ CAND trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.
Mai Hậu