Diễn đàn pháp luật

Tăng cường tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng cao

14:26, 09/05/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với đặc thù chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn thấp nên tại các vùng cao, ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Để nâng cao nhận thức cho bà con, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đã được chú trọng tăng cường.

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật cho người dân tại huyện Kỳ Sơn
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật cho người dân tại huyện Kỳ Sơn

Cuối tháng 3/2017, có dịp theo chân Đội CSGT Công an huyện Kỳ Sơn làm nhiệm vụ tại một số tuyến đường trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy, hành vi vi phạm trật tự ATGT phổ biến vẫn là người điều khiển phương tiện cơ giới chở quá số người quy định, điều khiển môtô không có giấy phép lái xe, không có chứng nhận đăng ký, chạy quá tốc độ và không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Quá trình bị xử phạt, nhiều người không biết chữ, thậm chí cho rằng bản thân không hiểu luật, chưa được học qua nên vô tư vi phạm. Với những trường hợp như vậy, ngoài việc xử lý hành chính, cán bộ làm công tác tuần tra phải bỏ ra một khoảng thời gian để tuyên truyền, giải thích Luật Giao thông đường bộ cho bà con hiểu.

Thực tế, song song với công tác tuần tra, đảm bảo trật tự ATGT, hàng năm, lực lượng CSGT Công an huyện Kỳ Sơn nói riêng và các huyện miền núi nói chung còn tổ chức hàng nghìn buổi nói chuyện, tuyên truyền, giáo dục pháp luật lưu động tại các trường học, bản làng để mang kiến thức pháp luật đến gần hơn với đồng bào.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/4, Ban ATGT tỉnh Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện và Huyện đoàn Quế Phong tổ chức Chương trình tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT tại huyện biên giới vùng cao này. Thông qua các phóng sự, phim ngắn về ATGT dễ nhớ, dễ hiểu, buổi truyền thông đã thu hút đông đảo bà con tham gia.

Cũng tại buổi tuyên truyền đã diễn ra lễ ký cam kết giữa UBND xã Tiền Phong và đại diện các thôn bản với quyết tâm xây dựng “Làng văn hóa không tai nạn giao thông”. Đây là hoạt động thường xuyên của Ban ATGT, với nỗ lực góp phần đảm bảo công tác đảm bảo trật tự ATGT vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đối với bà con ở các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc thù là hoạt động kinh tế chủ yếu làm nương rẫy, đời sống gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn thấp nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật.

Nhận thức được điều này, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đã tăng cường tuyên truyền kiến thức pháp luật lưu động đến tận thôn, bản về các nội dung như: Thực trạng mua bán phụ nữ và trẻ em trên địa bàn; Luật Phòng, chống mua bán người và những kỹ năng phòng, chống nạn mua bán người trong tình hình hiện nay. Hình thức tuyên truyền với các nội dung ngắn gọn, súc tích, kết hợp với phương pháp truyền đạt sinh động, thể hiện qua lời thuyết trình, hình chiếu và tiểu phẩm tuyên truyền, đã phần nào giúp bà con cảm nhận và phân biệt được mặt đúng, mặt trái của vấn đề.

Đơn cử, tại buổi tuyên truyền với mục đích giúp người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác phòng ngừa và tích cực tố giác tội phạm tại các bản La Ngan, Xiêng Thù thuộc xã Chiêu Lưu; bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh vào ngày 23 và 24/3 vừa qua, khi được trang bị các kỹ năng phòng tránh thủ đoạn, cách đối phó khi bị lừa bán cũng như cách thức thông tin và liên lạc với cơ quan chức năng khi bị bán, nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ đã tán đồng quan điểm, sẵn sàng đứng ra tố giác, liên lạc với cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, thậm chí trong trường hợp ngoài ý muốn là khi bản thân trở thành nạn nhân của tệ nạn mua bán người.

Không riêng gì lực lượng Công an, thời gian gần đây đã có nhiều tổ chức tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Bộ đội Biên phòng và các ngành Giáo dục, Tư pháp… với nhiều hình thức khác nhau, nội dung tuyên truyền được lựa chọn đa dạng, thiết thực từ Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân và gia đình. Thông qua các buổi tuyên truyền lưu động này, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân ở các địa bàn đặc thù đã được nâng lên.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cần đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, lựa chọn hình thức cung cấp thông tin giúp cho đồng bào dân tộc dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu khi tiếp cận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, đây là việc làm thường xuyên, do đó cơ quan chức năng cũng kiến nghị cần có kinh phí để duy trì và phát triển hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách kịp thời.

Thành Thảo

Các tin khác