Pháp luật
Hợp lực cùng ASEAN ngăn chặn ma túy
09:45, 06/05/2017 (GMT+7)
Ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia cùng nỗ lực thực hiện Tầm nhìn 2015 và Mục tiêu phấn đấu bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống tệ nạn ma túy 2016-2025: Không khoan nhượng với ma túy; không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy; kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng Cộng đồng ASEAN không ma túy sau năm 2015 và coi đây là mục tiêu ưu tiên cao của cả ba nước.
Từ Hiệp định về hợp tác phòng, chống ma túy năm 1998 và các hội nghị cấp Bộ trưởng song phương giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam về phòng, chống ma túy, đến năm 2001, cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng ba bên, gắn với hội nghị song phương đã ra đời, khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng và đã đóng góp thiết thực vào việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp này.
Đây là diễn đàn quan trọng để ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến và giải pháp hiệu quả đối với công tác phòng, chống ma túy. Nhiều hoạt động trợ giúp tập huấn, đào tạo; trao đổi thông tin, kinh nghiệm; phối hợp đấu tranh chống tội phạm ma tuý từ cấp Trung ương đến địa phương giữa 3 nước đã được triển khai thực hiện. Kết quả mỗi năm, có hàng trăm vụ mua bán, vận chuyển ma túy lớn được ngăn chặn.
Xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy trên thế giới
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, khu vực Đông Nam Á từ lâu được biết đến với địa danh "Tam giác vàng" là một trong 3 trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới - nguồn cung cấp heroin lớn thứ 2 trên thế giới và là trung tâm chính về sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp.
Ba nước Việt Nam-Campuchia-Lào có đường biên giới chung tiếp giáp lẫn nhau. Đường biên giới dài và hòa bình giữa 3 nước Đông Dương là điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch giữa ba nước. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình ma túy trên thế giới và trong khu vực, tuyến biên giới chung giữa ba nước cũng chứng kiến sự gia tăng hoạt động của tội phạm ma túy cả về quy mô và tính chất nguy hiểm.
Các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia triệt để lợi dụng các đặc điểm địa hình, tập quán sinh hoạt, hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam, Lào, Campuchia cũng như khó khăn, sơ hở trong kiểm tra, kiểm soát để mua bán, vận chuyển trái phép các loại ma túy qua biên giới.
Chưa kể trên thế giới hiện đang xuất hiện xu hướng hợp thức hóa việc sử dụng ma túy - mà bản chất là thỏa hiệp với tệ nạn ma túy, sẽ dẫn đến nguy cơ tội phạm ma túy tăng nhanh, làm gia tăng thêm số người nghiện ma túy và gây ra những hậu quả khôn lường khác. Điều đó đặt ra cho lực lượng bảo vệ pháp luật, cho Chính phủ các nước những thách thức to lớn. Đồng thời cho thấy ma túy là vấn đề xuyên biên giới, mang tính quốc tế. Từng quốc gia riêng rẽ không thể giải quyết được.
Tại Việt Nam, theo Bộ Công an, thời gian qua, ma túy tiếp tục thẩm lậu vào Việt Nam với số lượng lớn và đã phát hiện nhiều loại ma túy mới, đáng chú ý là sự xuất hiện của ma túy được tẩm trong các loại thảo mộc (thường gọi là “cỏ Mỹ”). Hoạt động của các loại tội phạm về ma tuý tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng cả về tính chất, mức độ, đối tượng, phạm vi địa bàn và chủng loại ma tuý.
Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam-Lào được xác định là trọng điểm, ma tuý được vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” thẩm lậu vào nước ta chủ yếu qua tuyến này, sau đó vận chuyển đi các nơi (20% tiêu thụ trong nước, 80% vận chuyển sang nước thứ ba). Nổi lên đáng chú ý là tại địa bàn biên giới 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, đã phát hiện có hàng chục nhóm người Mông Lào trang bị vũ khí quân dụng, áo giáp chống đạn, vận chuyển ma tuý với số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam; gần đây có dấu hiệu chuyển hướng hoạt động sang địa bàn khu vực biên giới tỉnh Nghệ An.
Tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, ma tuý chủ yếu là heroin được mua bán, vận chuyển từ Lào vào Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc, ngược lại, các loại MTTH được mua bán, vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam (số MTTH từ Trung Quốc thẩm lậu vào Việt Nam chiếm trên 90% lượng ma tuý tiêu thụ trong nước), trọng điểm là địa bàn dọc biên giới, cửa khẩu thuộc các tỉnh phía Bắc.
Tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, tội phạm ma tuý cũng tiềm ẩn phức tạp và đang có xu hướng gia tăng; đáng chú ý, phát hiện một số đường dây mua bán, vận chuyển MTTH với số lượng lớn từ Lào sang Campuchia để vận chuyển vào Việt Nam.
Theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, hoạt động hợp tác phòng chống ma tuý qua biên giới giữa các tỉnh giáp biên giữa Việt Nam, Campuchia và Lào thời gian qua đã tiếp tục được đẩy mạnh. Các hoạt động hợp tác được triển khai thực hiện đa dạng cả về nội dung và hình thức, góp phần giữ vững ổn định chính trị, kiềm chế hoạt động của tội phạm về ma túy lợi dụng tuyến biên giới giữa ba nước. Trong đó, về lĩnh vực đào tạo, phía Việt Nam đã tổ chức 15 khóa tập huấn cho 272 cán bộ làm công tác phòng chống ma tuý của Campuchia và Lào. Tuy nhiên, do địa bàn biên giới giữa ba nước rộng, phức tạp, lực lượng trực tiếp đấu tranh chống tội phạm còn mỏng, phân tán… đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Phòng, chống ma tuý không phải là vấn đề của từng quốc gia
Tại Hội nghị ba bên và song phương cấp Bộ trưởng lần thứ 16 giữa Việt Nam, Campuchia và Lào về hợp tác phòng chống ma túy diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ nước chủ nhà Campuchia Ke Kim Yan cho rằng, trước tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu suy giảm trong khu vực và trên thế giới, hơn lúc nào hết, sự gắn kết giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến phòng chống ma tuý của mỗi nước, góp phần vì sự phát triển lành mạnh, bền vững của mỗi quốc gia.
Một tuyên bố chung được đưa ra, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy mọi nỗ lực nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ tội phạm mua bán, vận chuyển bất hợp pháp ma túy và tiền chất qua biên giới; đặc biệt tập trung vào việc chia sẻ thông tin về kết quả điều tra và triệt phá các cơ sở điều chế ma túy tổng hợp.
Ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia thống nhất rằng, heroin, ma túy tổng hợp và các chất kích thích dạng amphetamine tiếp tục gây ra các thách thức lớn và ngày càng gia tăng đối với các nỗ lực kiểm soát ma túy quốc tế, đe dọa đến an ninh, sức khỏe và hạnh phúc của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Tình hình trên đòi hỏi phải có các phương pháp đối phó tập trung và toàn diện ở cấp quốc gia và khu vực, dựa trên những kinh nghiệm và cơ sở khoa học, cộng với sự hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực.
Ưu tiên cao đó là triển khai các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động mua bán và vận chuyển ma túy bất hợp pháp qua biên giới; thúc đẩy các nỗ lực phối hợp điều tra chung qua biên giới, ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến biên giới đường bộ, đường thủy và đường không; củng cố, tăng cường chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Văn phòng Liên lạc qua biên giới (BLO) và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên trách, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng của hai bên trong việc đi lại qua biên giới và phối hợp đấu tranh chống tội phạm về ma túy.
Các cơ quan chức năng của ba nước sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân ba nước, đặc biệt tại các khu vực biên giới về mối hiểm họa của ma túy; xây dựng các khu vực dân cư biên giới không ma túy và không tội phạm, góp phần xây dựng địa bàn biên giới hòa bình, hữu nghị.
Ba nước cùng nỗ lực thực hiện Tầm nhìn 2015 và Mục tiêu phấn đấu bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống tệ nạn ma túy 2016-2025. Đó là không khoan nhượng với ma túy; không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy; kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng Cộng đồng ASEAN không ma túy sau năm 2015 và coi đây là mục tiêu ưu tiên cao của cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Ba nước tiếp tục tích cực hợp tác cùng các nước thành viên để thực hiện Kế hoạch Hành động Phòng chống ma tuý lần thứ 9 của các nước trong Tiểu vùng sông Mekong, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên hợp tác về thực thi pháp luật, hợp tác tư pháp; giảm cầu ma túy; giảm lây nhiễm HIV/AIDS; phát triển và huy động các nguồn lực.
Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi các đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ phòng chống ma tuý, cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, Việt Nam sẽ tiếp tục đào tạo bồi dưỡng về kiến thức phòng chống ma túy cho các cán bộ của Lào và Campuchia; tăng cường đăng cai tổ chức hội thảo trao đổi thêm về kinh nghiệm, nghiệp vụ nhằm nâng cao khả năng tác chiến cho các lực lượng chức năng; hỗ trợ một phần thuốc cai nghiện cho phía Lào và Campuchia.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy, Trung tướng Đồng Đại Lộc nhấn mạnh tới việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân dọc tuyến biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, nhằm giúp người dân nhận thức được tác hại của ma túy và cùng nhau xây dựng thôn xã, trường học, cơ quan không có ma túy. Đặc biệt là vận động bà con phát hiện tố giác các đối tượng, các đường dây buôn bán ma túy, giúp cho các cơ quan chức năng như công an, biên phòng, hải quan sớm phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây buôn bán ma túy. Bên cạnh đó, ba nước cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế ở các vùng biên giới, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ vững chắc an ninh trật tự ở vùng biên giới.
Nguồn: Chinhphu.vn