Pháp luật
Ngăn chặn hiểm hoạ lái xe 'phê' ma tuý
08:31, 25/05/2017 (GMT+7)
Trên thế giới số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ xảy ra do lái xe sử dụng chất ma túy chiếm tỷ lệ 14%. Lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn cao gấp 3 lần so với lái xe không sử dụng ma túy. Nếu lái xe vừa uống rượu, vừa sử dụng ma túy thì dẫn đến gây TNGT tăng gấp 23 lần. Nguy hiểm hơn, số vụ TNGT đường bộ do lái xe sử dụng chất ma túy gây ra thường rất thảm khốc.
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua thực trạng lái xe sử dụng ma túy vẫn chưa được kiểm soát, nhiều vụ tai nạn thảm khốc diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe “phê” ma túy nên đã không làm chủ được tay lái. Còn lái xe thì cho biết do các chủ xe tạo áp lực bằng những yêu cầu gắt gao về doanh số, số lượt, hành trình,…buộc tài xế phải lái xe với cường độ cao để bảo đảm thu nhập của mình, dẫn đến tình trạng sử dụng ma túy.
Trên thực tế có khá nhiều trường hợp các lái xe, nhất là lái xe đường dài sử dụng chất ma túy, coi đó là thuốc “an thần” để giữ tỉnh táo khi làm việc. Thậm chí họ còn truyền tai nhau cách để “thoát” mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Theo cơ quan chức năng, để quản lý và phát hiện thì thực sự không dễ.
Đại tá, GS.TS Bùi Minh Trung, Trưởng khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy (Học viện Cảnh sát nhân dân) |
Phóng viên Trang Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với Đại tá, GS.TS Bùi Minh Trung, Trưởng khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy (Học viện Cảnh sát nhân dân) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Sử dụng ma tuý, đặc biệt là ma tuý đá khi lái xe sẽ đối mặt với nguy hiểm như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Bùi Minh Trung: Ma túy đá là loại ma túy tổng hợp dạng “đá” được điều chế từ Methamphetamine, xăng và nước, tồn tại dạng tinh thể, trong suốt như đá lạnh. Đây là loại ma túy rất độc hại, gây ảo giác đối với người sử dụng. Sử dụng ma túy đá bằng cách hút khói khi ma túy đá cháy thông qua bình ục hay còn gọi là coóng đá.
Khi lái xe sử dụng ma túy đá sẽ bị ảo giác và không làm chủ được quá trình điều khiển phương tiện giao thông trên đường, từ đó dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông khôn lường. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây ra nhiều cái chết vô tội, thương tâm cho người tham gia giao thông.
Vậy nguyên nhân các lái xe sử dụng ma tuý và các chất kích thích là gì?
Đại tá Bùi Minh Trung: Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng chủ yếu gồm các nguyên nhân sau:
Do khoán sản phẩm hàng hóa, nhất là vào các dịp cuối năm hoặc chiến dịch vận chuyển hàng hóa... nên đã gây áp lực cho lái xe, trong đó có cả lái xe container, xe siêu trường, siêu trọng, xe tải...
Do lái xe muốn chạy tăng chuyến, tăng ca, tăng hàng hóa, trước áp lực nói trên và muốn có nhiều thu nhập nên dẫn đến lái xe mệt mỏi, quá sức. Để có "sức khỏe" lái xe sử dụng chất kích thích, ma túy tổng hợp.
Bên cạnh đó, lái xe chạy đường dài, đường trường, chạy ban đêm dẫn đến mệt mỏi và họ sử dụng ma túy, chất ma túy tổng hợp.
Hơn hết, là do nhận thức của một bộ phận lái xe có hạn chế cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp, các chất kích thích sẽ giúp lái xe có sức khỏe, bền bỉ trong qua trình điều khiển phương tiện giao thông. Điều này rất nguy hiểm đối với lái xe như ảnh hưởng thể chất, tinh thần nhất là não bộ của lái xe và sẽ gây tai nạn rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.
Vậy việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng nghiện ma tuý đối với cánh tài xế, phụ xe có những khó khăn gì?
Đại tá Bùi Minh Trung: Việc phòng ngừa, ngăn chặn lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích đã được Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt và đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Các lực lượng chức năng đã và đang vào cuộc nhằm ngăn chặn kịp thời lái xe sử dụng ma túy và chất kích thích trong quá trình lưu thông. Tuy nhiên so với đòi hỏi thực tiễn vẫn còn chưa đáp ứng được.
Khó khăn của công tác phòng ngừa, ngăn chặn đối với lái xe sử dụng ma túy và chất kích thích có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là nhận thức của một bộ phận lái xe còn hạn chế về hậu quả tác hại của ma túy và chất kích thích. Lái xe thường xuyên di chuyển, lưu thông trên đường, không cố định nên công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy rất khó khăn với số lái xe. Mặt khác hình thức tuyên truyền của lực lượng chức năng có lúc, có nơi chưa hiệu quả, thiết thực, chưa thường xuyên, liên tục, chưa trọng tâm, trọng điểm đối với lái xe, công ty vận tải.
Bên cạnh đó, việc quản lý lái xe, nhất là lái xe vi phạm kỷ luật, sử dụng ma túy chưa hiệu quả. Phối hợp giữa lực lượng chức năng với các cơ quan chủ quản còn chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ nên dẫn đến vẫn còn lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích gây tai nạn.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đối với người điều khiển phương tiện trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng (trường hợp có giấy phép lái xe), hoặc phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (trường hợp không có giấy phép lái xe, hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng). Phải chăng các chế tài xử lý lái xe sử dụng ma túy chưa đủ nghiêm cũng như chưa đủ sức răn đe?
Đại tá Bùi Minh Trung: Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đối với người điều khiển phương tiện trên đường đúng là còn nhẹ chưa đủ sức răn đe lái xe nên vẫn còn không ít lái xe thường xuyên vi phạm luật giao thông đường bộ...
Theo tôi, để phòng ngừa ngăn chặn lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích trong quá trình lái xe nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông, bên cạnh việc xử phạt kết hợp với giáo dục nhận thức cho lái xe, cơ quan chức năng cũng cần bổ sung, sửa đổi Nghị định 46 theo chiều hướng tăng mức xử phạt tiền đối với lái xe, nhất là lái xe thường xuyên vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ, lái xe sử dụng ma túy và chất kích thích. Vấn đề này nhiều nước tiên tiên trên thế giới đã áp dụng như Mỹ, Nga, Anh, Pháp ...
Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma tuý mới, vậy có khó khăn gì khi kiểm tra, phát hiện ma tuý đối với các lái xe trên tuyến đường giao thông không, thưa Đại tá?
Đại tá Bùi Minh Trung: Hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy mới, hình thức sử dụng ma tuý cũng đa dạng hơn nhất là đối với lái xe sử dụng ma túy thì việc phát hiện cũng khó khăn hơn vì lái xe thường xuyên lưu thông, không cố định.
Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn này, lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, phối hợp với Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy... đặt trạm kiểm soát cố định và di động trên các tuyến giao thông trọng điểm thường xuyên xảy ra tai nạn để kiểm tra lái xe về việc sử dụng ma túy, chất kích thích... Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các công ty vận tải tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các lái xe nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích gây tai nạn; kiên quyết không cho lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích lái xe.
Bên cạnh đó, đầu tư mua sắm phương tiện kiểm tra lái xe sử dụng ma túy trong quá trình lưu thông trên đường để kịp thời phát hiện lái xe vi phạm, gây mất an toàn cho xã hội.
Biện pháp ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng ma tuý là gì, thưa Đại tá?
Đại tá Bùi Minh Trung: Như đã nói ở trên, biện pháp ngăn chặn vẫn là phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, hậu quả tác hại của ma túy; phối hợp giữa các lực lượng chức năng và Bộ Giao thông vận tải, công ty vận tải thường xuyên thanh tra, kiểm tra lái xe, công tác quản lý lái xe. Tăng cường xử phạt nặng đối với lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, kiên quyết không cho người nghiện ma túy và chất kích thích lái xe.
Xin cảm ơn Đại tá!
Hoàng Anh (thực hiện)
Nguồn: Chinhphu.vn