Diễn đàn pháp luật
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự: Nhiều nội dung được góp ý
(Congannghean.vn)-Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Tại ngày làm việc thứ 3 (24/5), các đại biểu Công an - từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm đã kiến nghị sửa đổi nhiều kẽ hở khiến tội phạm lợi dụng lộng hành, pháp luật mất tính nghiêm minh. Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (tỉnh Nghệ An), Giám đốc Công an tỉnh đã góp ý nhiều nội dung quan trọng.
Công an Nghệ An tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự |
Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã có kế hoạch về việc nghiên cứu, góp ý nghiên cứu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015. Ý kiến của đại diện các phòng nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương, những người từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu, điều tra cũng đã được tổng hợp. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đã thẳng thắn chỉ ra nhiều nội dung để hoàn thiện dự án Luật.
- Về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 2, Điều 12, BLHS năm 2015)
Việc quy định liệt kê một số tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như BLHS năm 2015 là chưa hợp lý. Do đó, cần lấy lại cách quy định chung (không liệt kê) như khoản 2, Điều 12, BLHS năm 1999 là: “2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Bởi nếu liệt kê các tội danh như trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm, nhóm tuổi này còn có thể phạm tội rất nghiên trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác như: Tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 149), Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174)… Nếu quy định như dự thảo Luật thì nhóm tuổi này có thể chọn hành vi phạm tội để không bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ sở để người khác lôi kéo nhóm tuổi này phạm tội.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, việc giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999 đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, phòng ngừa đối với tuổi vị thành niên có ý định phạm tội, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm; đồng thời, phù hợp với các nguyên tắc trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Riêng đối với trường hợp phạm tội hoặc thuộc loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng chỉ nên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính dưới góc độ tâm, sinh lý thì ở độ tuổi này các em cần giáo dục hơn là trừng phạt, giúp các em nhận thức sai lầm để tiếp tục rèn luyện, xử lý hình sự chỉ là biện pháp cuối cùng.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV |
- Phòng ngừa, răn đe và xử lý tội phạm ma túy
Tội phạm ma túy được quy định tại Điều 249, 250, 252, 253, 259 BLHS năm 2015 đều có quy định: “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Nếu quy định như vậy sẽ không phòng ngừa, răn đe và xử lý triệt để tội phạm. Bởi lẽ, xu thế hiện nay là tội phạm ma túy hoạt động theo băng ổ nhóm, có sự phân công vai trò nên hội tụ 3 hành vi của nhóm tội phạm. Thực tiễn cho thấy, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy gắn chặt với nhau, làm tiền đề cho nhau và trước đây quy định chung trong cùng 1 điều luật (Điều 194, BLHS năm 1999).
Mặt khác, nếu so sánh khoản 1 các Điều 249, 250, 252, 253 với khoản 1, Điều 259 về tội “Vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần” thì thấy không công bằng và rất mâu thuẫn. Điều 259 mở rộng diện xử lý hình sự, quy định là “Đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma túy chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” chứ không quy định “đã bị kết án về tội này” và nếu so sánh tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt trái phép chất ma túy với tội trộm cắp, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì các tội phạm về ma túy nghiêm trọng hơn nhiều. Trong khi đó, tội trộm cắp, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được mở rộng diện xử lý hình sự đối với khoản 1 quy định tình tiết “Đã bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt”.
Do đó, cần quy định như sau: “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về ma túy hoặc đã bị kết án về tội phạm ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Những nội dung góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự nhằm ngăn ngừa việc bỏ lọt tội phạm (Trong ảnh: CBCS Công an huyện Hưng Nguyên kiểm tra tang vật vụ mua bán trái phép chất ma túy) - Ảnh: Mai Hậu |
- Tội cố ý gây thương tích
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134, BLHS năm 2015). Tại điểm b khoản 1 quy định “Dùng a xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác”. Nếu căn cứ độ mạnh, yếu của a xít để đưa a xít sunfuric làm đại diện là không hợp lý. Do vậy, cần quy định chung là “Dùng các loại hóa chất nguy hiểm”. Tại khoản 6 quy định “Người nào chuẩn bị hung khí nguy hiểm, a xít sunfuric, hóa chất nguy hiểm khác”.
Căn cứ hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ ngày 17/4/2003 và Nghị quyết số 01/2006 ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì người nào chuẩn bị các vật sẵn có trong tự nhiên như gạch, đá… đều bị khởi tố về tội này, thực tế sẽ gây nên tình trạng quá tải cho cơ quan điều tra trong thụ lý các vụ án này. Do vậy, cần quy định người nào chuẩn bị “vũ khí” hoặc “các loại hóa chất nguy hiểm” mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Ngoài ra, một số nội dung cũng cần được điều chỉnh, bổ sung hợp lý để tránh bỏ lọt tội phạm. Như về quy định miễn trách nhiệm hình sự, không tố giác tội phạm, chuẩn bị phạm tội. Đơn cử như quy định miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29, BLHS năm 2015) thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Tại điểm b khoản 2 quy định “Khi tiến hành điều tra, truy tố xét xử mà người phạm tội không có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh hiểm nghèo” thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Cần cụ thể hóa quy định này, bởi thực tế các đối tượng phạm tội về ma túy bị nhiễm HIV giai đoạn cuối (bệnh hiểm nghèo) nếu miễn trách nhiệm hình sự thì các đối tượng tiếp tục phạm tội, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng, không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật…
Mai Hậu - Thiện Thành (Tổng hợp)