Pháp luật

Thực thi pháp luật phòng, chống ma túy còn nhiều bất cập

08:02, 01/06/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sáng 31/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức họp với các Bộ Tư pháp, Y tế, Công an, Văn phòng Chính phủ, Vụ Các vấn đề xã hội của Quốc hội và một số đơn vị có liên quan về triển khai Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ liên quan đến tăng cường công tác quản lý người sử dụng, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm chủ trì cuộc họp
Còn nhiều vướng mắc trong triển khai pháp luật về cai nghiện
 
Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, thực tiễn triển khai quy định của pháp luật về cai nghiện và quản lý người nghiện được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy còn có nhiều vướng mắc, gây khó khăn khi thực hiện. Hai trong những vướng mắc được các địa phương phản hồi nhiều nhất là việc xác minh tình trạng nghiện trong thành phần hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và việc xác định người không có nơi cư trú ổn định.
 
Theo ông Lê Văn Khánh, việc xác định tình trạng nghiện hiện nay thực tiễn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước hết là từ phía người nghiện, họ không hợp tác để có đủ các chứng cứ xác định theo hướng dẫn. Bộ Y tế cũng chưa có đầy đủ quy trình xác định nghiện các loại ma túy. Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9/7/2015 quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy nhưng mới chỉ xác định tình trạng nghiện ma túy của nhóm ma túy Opiats và dạng Amphetamine. Bên cạnh đó, việc xác định nghiện cần có thời gian tạm giữ từ 3-5 ngày để xác định hội chứng cai, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính không có biện pháp để giữ đối tượng trong thời gian đó, chỉ có thể tạm giữ tối đa 24 giờ.
 
Về xác định người không có nơi cư trú ổn định, hiện không có tiêu chí xác định “nơi ở ổn định, thường xuyên đi lang thang”; không có chế tài quản lý người vi phạm trong thời gian xác định nơi cư trú.
 
Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định hình thức chuyển, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chuyển, gây khó khăn cho công tác này, đặc biệt nơi cư trú ở khác tỉnh, thành phố với nơi người đó vi phạm.
 
Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định trường hợp chưa xác định được nơi cư trú ổn định của người vi phạm thì tiến hành xác định nơi cư trú ổn định của người đó. Trong thời gian 15 ngày làm việc nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì chuyển người đó về nơi cư trú để lập hồ sơ; nếu không xác định được nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nghị định không quy định trong thời gian xác định nơi cư trú (15 ngày kể từ ngày vi phạm) thì quản lý người vi phạm như thế nào.
 
Thực tế tại các địa phương khi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì đưa vào Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội để quản lý và tiến hành xác định nơi cư trú. Nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì trả đối tượng về nơi cư trú để quản lý giáo dục theo quy định (tỷ lệ người đưa vào cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội xác định được nơi cư trú ổn định và được trả về địa phương quản lý hiện nay là khoảng 11%). Việc xác định nơi cư trú ổn định của người nghiện cũng gặp nhiều khó khăn: Người nghiện cố tình khai không đúng sự thật, khai ở nhiều nơi dẫn đến việc xác minh mất nhiều thời gian công sức. Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc xác minh nơi cư trú của người nghiện, đặc biệt là các trường hợp ngoài tỉnh chưa thống nhất…
 
Ngoài hai vấn đề kể trên, Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện còn nhiều điều khoản còn “vênh” nhau như vấn đề quản lý sau cai; cai nghiện cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi…
 
Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội hay chờ sửa luật?
 
Trước những vướng mắc trong việc thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính, một vấn đề được đại diện các Bộ, ngành đặt ra là xây dựng dự thảo Nghị quyết về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy để giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt hay chờ sửa luật. Hiện Bộ Công an, Bộ Tư pháp đang tiến hành rà soát tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và xin ý kiến góp ý việc sửa đổi một số điều khoản. Để sửa được Luật theo đúng quy trình sẽ mất ít nhất 2 năm.
 
Ông Đinh Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Điểm c Khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Tuy nhiên, nghị quyết của Quốc hội chỉ có thể tạm dừng việc thi hành chứ không thể bãi bỏ bất cứ quy định pháp luật nào. Để giải quyết cần phải sửa luật. Theo ông Quý, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần bàn bạc với Bộ Tư pháp và Công an để tìm hướng thích hợp.
 
Theo đại diện Bộ Tư pháp, một trong những vướng mắc hiện nay là việc xác định tình trạng nghiện. Khi chưa thể sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể xây dựng Nghị quyết quy định về quy trình cụ thể xác định tình trạng nghiện.
 
Ông Đoàn Hữu Bẩy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên từ thực tiễn của địa phương, việc sửa luật lại mất nhiều thời gian, vì vậy Chính phủ yêu cầu xây dựng một Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định quy định về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy hiện hành; dự thảo Nghị quyết về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy, báo cáo Chính phủ xem xét để trình Quốc hội.
 
Ông Đoàn Hữu Bẩy đề nghị, trong khi chưa sửa được luật, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, xem xét, việc xây dựng Nghị quyết có cần thiết hay không. Nếu cần thì triển khai thực hiện còn nếu chưa cần thì phải phối hợp để đẩy nhanh quá trình sửa Luật.
 
Theo ông Đoàn Hữu Bẩy, nếu xây dựng Nghị quyết, vấn đề quan trọng nhất phải đưa vào là thống nhất quan điểm về nghiện ma túy để điều chỉnh toàn bộ hệ thống pháp luật.
 
Về xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định quy định về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy hiện hành, theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, các văn bản mới ban hành đã giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật của Chính phủ như Nghị định số 56/2016/NĐ-CP; Nghị định số 90/2016/NĐ-CP; Nghị định 136/2016/NĐ-CP. Hiện nay, các vướng mắc chỉ còn tồn tại trong Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, không cần xây dựng Nghị định thay thế và cần thiết xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để điều chỉnh các nội dung bất cập trong Luật hiện hành.
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm yêu cầu Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nghiên cứu, đánh giá, xin ý kiến đề xuất có nên hay không xây dựng Nghị quyết của Quốc hội. Nếu cần, thì lựa chọn vấn đề nào phải có căn cứ, đánh giá tác động để đưa vào Nghị quyết…

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác