Diễn đàn pháp luật

Hạn cuối làm thủ tục đăng ký cho xe đã bán qua nhiều chủ

Người dân cần khẩn trương thực hiện

08:34, 20/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 31/12/2016 là thời hạn cuối cùng cho việc chuyển đăng ký sang tên xe môtô, xe máy điện đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc sang tên, chuyển quyền sở hữu xe môtô đã được Bộ Công an ban hành Thông tư số 12 và có hiệu lực từ năm 2013, trong đó quy định tất cả các phương tiện giao thông khi đã mua bán mà chưa sang tên chuyển chủ (mặc dù qua nhiều người) thì đều được làm thủ tục sang tên chuyển chủ, chỉ cần người mua cuối cùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe của mình thì được làm thủ tục bình thường.

Lực lượng CSGT hướng dẫn cụ thể thủ tục sang tên, đổi chủ đối với từng trường hợp
Lực lượng CSGT hướng dẫn cụ thể thủ tục sang tên, đổi chủ đối với từng trường hợp

Tiếp đó, Bộ Công an ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014, quy định cụ thể hơn về việc “Đăng ký xe máy” theo hướng tạo điều kiện hết sức cho người dân. Theo đó, tại Điều 24 của Thông tư này quy định rõ, “Giải quyết đăng ký sang tên đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người”. Văn bản này quy định cụ thể từng nội dung như: Đăng ký sang tên xe cùng tỉnh; đăng ký sang tên, di chuyển xe đi tỉnh khác; đăng ký sang tên xe tỉnh khác chuyển đến; trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe; trách nhiệm của người sử dụng xe và trách nhiệm của Công an cấp xã.

Thiếu tá Nguyễn Quỳnh Long, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, chủ trương của Nhà nước đang tạo điều kiện hết sức cho người dân về việc chuyển đăng ký sang tên xe môtô, xe máy điện đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người. Thủ tục đăng ký sang tên rất đơn giản, người dân trực tiếp đến Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt hoặc Đội CSGT Công an các huyện sẽ được hướng dẫn lấy phiếu kê khai đối với từng trường hợp cụ thể.

Sau đó, phiếu kê khai sẽ được Công an cấp phường, xã xác nhận; chủ xe đến cơ quan thuế nộp lệ phí trước bạ (tính theo giá trị sử dụng xe) rồi nộp lại cho cơ quan có nhiệm vụ đăng ký sang tên, chuyển chủ. Tiếp đó, cơ quan đăng ký xe gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe biết và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe.

Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe; giữ nguyên biển số cũ (từ biển loại 3 số, 4 số hoặc khác hệ biển thì thu lại biển số cũ để đổi sang biển 5 số theo quy định).

Mặc dù đã được thông báo, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, song nhìn chung việc người dân tự giác đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, đổi chủ hiện còn khá khiêm tốn. Theo Thiếu tá Nguyễn Quỳnh Long, tính đến ngày 15/12/2016, đơn vị này chỉ mới tiếp nhận 17 hồ sơ xin chuyển quyền sở hữu xe. Ngoài ra, có khá đông người dân đến hỏi thủ tục sang tên, đổi chủ khi biết thông tin.

Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An có Văn bản số 3858CV/CAT-PC67 gửi các phòng chức năng, Công an các huyện, thành, thị quán triệt nội dung: “Kể từ ngày 1/1/2017 trở đi, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt và Công an các huyện, thị xã không tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục đăng ký sang tên di chuyển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ”.

Trả lời báo chí về việc, trường hợp nào thì CSGT kiểm tra phương tiện có chính chủ hay không? Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng, Cục CSGT - Bộ Công an cho biết: “Trong quy định chỉ đưa ra 2 trường hợp, đó là khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả nghiêm trọng và khi đến làm thủ tục đăng ký xe nếu mua bán lâu không chuyển quyền sở hữu thì sẽ bị xử phạt. Đến ngày 1/1/2017, việc xử lý vi phạm theo Nghị định 46 có hiệu lực và người dân đã có khoảng thời gian rất dài (từ 2013 đến hết 2016) để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Do vậy, nếu đến thời điểm đó, người dân không làm thủ tục, chứng tỏ người đó cố tình không thực hiện theo quy định của pháp luật. Lúc đó, lực lượng Công an thông qua các hoạt động nghiệp vụ tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm nói chung, trong đó có các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, nếu phát hiện các trường hợp không sang tên chuyển chủ thì vẫn tiếp tục xử lý, chứ không chủ động dừng xe kiểm tra chỉ để xử lý có chính chủ hay không”.

Có thể nói, việc sang tên, đổi chủ khi mua bán xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện là rất cần thiết, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về sở hữu, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, việc đăng ký xe “chính chủ” còn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng khi xử lý các vụ việc liên quan đến TNGT, tài sản bị mất cắp…

Đức Thắng

Các tin khác