Diễn đàn pháp luật
Cơ quan tố tụng có trách nhiệm xin lỗi công khai người bị oan
Chiều 11/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu làm việc tai Hội trường, thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu cơ bản tán thành với những nội dung của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật này thể hiện sự đề cao quyền con người, quyền công dân và xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, cũng như cá nhân khi gây ra thiệt hại với công dân.
Không mở rộng phạm vi bồi thường sang lĩnh vực ban hành chính sách, pháp luật
ĐBQH Hoàng Văn Liên: đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các trường hợp được bồi thường để bổ sung vào dự thảo |
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Liên- tỉnh Long An đồng tình với phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước tập trung tại 3 lĩnh vực: Quản lý hành chính, Tố tụng và Thi hành án như dự thảo Luật đã nêu. Bởi đây là các lĩnh vực quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến các quyền con người, quyền công dân và đời sống hằng ngày của người dân.
Đại biểu cũng đồng tình với việc không mở rộng phạm vi bồi thường sang lĩnh vực ban hành chính sách, pháp luật vì không khả thi, và khó xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong lĩnh vực này.
Dự thảo Luật quy định phạm vi bồi thường theo phương pháp liệt kê. Điều này, thuận lợi cho việc áp dụng Luật, nhưng có thể bỏ sót một số trường hợp cụ thể Nhà nước phải bồi thường, mà chưa được liệt kê hết trong dự thảo Luật (ví dụ: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường nếu người thi hành công vụ của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Thi hành án đã ra Quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, mà gây thiệt hại).
Mặt khác, một số Luật có liên quan quy định trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong một số trường hợp cụ thể, nhưng dự thảo Luật lại chưa quy định một điều khoản quét, nên chưa có cơ chế giải quyết bồi thường trong các trường hợp này.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Liên đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các trường hợp được bồi thường để bổ sung vào dự thảo. Đồng thời, cần có quy định “Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định”, để xử lý tồn tại nêu trên.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng- tỉnh Bến Tre tán thành việc cân nhắc quy định phạm vi bồi thường, nhằm bảo đảm quyền con người, phù hợp với Hiến pháp và các luật có liên quan.
Theo nguyên lý chung, nếu việc gây thiệt hại đã được xác định một cách hợp pháp bằng các cam kết ghi rõ trong hợp đồng thì việc bồi thường được giải quyết theo cam kết đó trên cơ sở các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật thương mại, Bộ luật Lao động; trong trường hợp chưa có hợp đồng thì giải quyết theo các quy định về bồi thường thiệt hại trên cơ sở các quy định tại Chương 21 Bộ luật Dân sự.
Do đó, cần mở rộng phạm vi bồi thường bao gồm các lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án và các trường hợp khác gây thiệt hại ngoài hợp đồng, như: các trường hợp gây thiệt hại ở giai đoạn tiền tố tụng; trường hợp cơ quan nhà nước tổ chức các sự kiện hoặc thực hiện các dịch vụ công dẫn đến thiệt hại của người dân. Đồng thời, cần có sự giải thích đầy đủ, rõ ràng về các lĩnh vực nêu trên, đặc biệt phải làm rõ nội hàm của “quản lý hành chính”.
Cơ quan tố tụng có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai người bị oan trong mọi trường hợp
Cho ý kiến về vấn đề bồi thường oan trong tố tụng hình sự, đặc biệt là vấn đề tổ chức xin lỗi công khai người bị oan, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy- tỉnh Bắc Kạn cho rằng, theo dự thảo, tại các điều 4, 41 và 56, xin lỗi công khai người bị oan là một khâu nằm trong quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường. Theo đó, nếu như người bị oan có yêu cầu bồi thường thì thủ tục xin lỗi công khai mới được diễn ra.
Đại biểu cho rằng cách đặt vấn đề như dự thảo là chưa phù hợp bởi cơ quan của nhà nước đã làm oan cho người vô tội, việc tổ chức công khai xin lỗi người bị oan là trách nhiệm mà nhà nước phải làm mà không phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không. Hơn nữa, trong tố tụng hình sự, để phát hiện tội phạm, pháp luật trao cho các cơ quan tố tụng được quyền áp dụng nhiều biện pháp có tính cưỡng chế cao. Nếu như áp dụng đúng thì sẽ có tác dụng đúng thì sẽ tìm ra tội phạm, nếu áp dụng sai thì hậu quả gây ra là rất nặng nề.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: cơ quan tố tụng có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai người bị oan trong mọi trường hợp |
Qua đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần quy định rõ trong luật này: cơ quan tố tụng có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai người bị oan trong mọi trường hợp oan sai mà không phụ thuộc vào việc họ có yêu cầu hay không. Về trình tự thủ tục xin lỗi, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật này mà không giao cho Bộ Tư pháp hướng dẫn như trong dự thảo. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xin lỗi có tính hình thức như trong thời gian vừa qua là do trong luật hiện hành chưa quy định cụ thể vấn đề này, dẫn tới có những trường hợp thời gian bị oan là 4 năm nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ là 5 phút đã khiến cho người bị oan bật khóc ngay sau khi kết thúc.
Về vấn đề phục hồi danh dự người bị oan, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Liên- tỉnh Long An nhận định, dự thảo Luật quy định theo hướng trong hoạt động tố tụng hình sự, cơ quan nào giải quyết cuối cùng mà làm oan người vô tội thì phải bồi thường. Nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp, việc làm oan người vô tội là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều trường hợp, các cơ quan sau sau ra các Quyết định tố tụng phụ thuộc nhiều về tài liệu, chứng cứ do cơ quan tố tụng trước đó điều tra, thu thập.
Vì thế, đại biểu đề nghị, cần quy định trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng làm oan người vô tội thì phải có trách nhiệm xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho người bị oan, trong đó cơ quan giải quyết cuối cùng làm chủ trì thì mới bảo đảm tính cầu thị, thực sự xin lỗi người dân đối với việc làm sai của mình.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội