Diễn đàn pháp luật

Cần loại bỏ tình trạng 'quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá tài sản

08:09, 26/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Sáng 24/10, thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản, các dại biểu Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật đã có sự đột phá trong quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nhưng vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến vấn đề này cần được quy định rõ trong Luật.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại tại Chương VI, dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân - TP Cần Thơ cho rằng, xử lý vi phạm hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại là vấn đề thực tiễn rất nan giải, phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy. Vì vậy, để bảo đảm thực sự công khai minh bạch tính chịu trách nhiệm cao đề nghị phải có chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng quân xanh quân đỏ hay tay trong, nhằm tạo hạn chế mức độ thiệt hại trong thất thoát ngân sách nhà nước. Đồng thời, đại biểu đề nghị xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản. Bên cạnh đó, cần làm rõ ràng hơn, tách bạch hơn những vấn đề trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá; các hành vi bị nghiêm cấm đối với các đấu giá viên tổ chức đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An phát biểu tại Hội trường   Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An, ngoài đấu giá viên, để tổ chức một phiên đấu giá có sự tham gia tích cực của một lực lượng khác không phải là đấu giá viên như thư ký, chuyên viên,... thực tiễn cho thấy đây có thể là một nhóm người có khả năng vi phạm rất lớn, tuy nhiên dự thảo luật chưa đề cập đến. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo xem xét bổ sung các quy định về tiêu chuẩn điều kiện, hành vi cấm và các quy định khác để quản lý hành vi của nhóm người này.

Hiện nay, nhiều cuộc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản hiện nay đang bị chi phối bởi một nhóm đối tượng và chúng ta quen gọi là cò, thậm chí có cả xã hội đen, mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng vẫn bằng mọi cách uy hiếp những người tham gia đấu giá để chi phối làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá thu lời bất chính vô hiệu hóa các quy định pháp luật của nhà nước gây hoang mang trong nhân dân.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang tin tưởng và kỳ vọng vào những quy định mới đột phá của dự thảo. Tuy nhiên, không chắc chắn những quy định này sẽ triệt tiêu hoàn toàn nạn cò, nạn xã hội đen trong bán đấu giá tài sản. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là những phiên đấu giá tài sản bán đấu giá có giá trị lớn.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân- Thái Bình phát biểu tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân- Thái Bình phát biểu tại hội trường
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân- Thái Bình cho rằng, trong dự thảo luật quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 về quy định nghiêm cấm đối với việc đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá, hội đồng đấu giá, người có tài sản đấu giá và người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức cá nhân khác trong hoạt động tham gia đấu giá. Đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng các tổ chức cá nhân cùng thông đồng hợp lý hồ sơ và tập trung một số đơn vị hoặc một người trúng đấu giá gây thất thoát tài sản của nhà nước, tổ chức cá nhân; cần quy định cụ thể trong Điều 33, Điều 72, về việc hủy kết quả đấu giá khi phát hiện ra các sai phạm và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật, phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh cho rằng, nếu chúng ta không làm kỹ sẽ xảy ra hình thức sự thông đồng móc nối, gọi là quân xanh, quân đỏ, trong trường hợp này quân xanh, quân đỏ chỉ tạo điều kiện cho 1 người tham gia và người đó sẽ dìm giá và thực tế điều này diễn ra rất nhiều. Vì vậy, từ những phân tích trên tôi kiến nghị bỏ toàn bộ nội dung Điều 49 và sửa đổi như sau: Điều 49, việc đầu giá trong trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá là trường hợp đấu giá không thành. Bổ sung vào Điểm f, Khoản 1, Điều 52 về trường hợp đấu giá không thành là chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh phát biểu tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương - Tây Ninh phát biểu tại hội trường
Ngoài những nội dung trên, trong phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau như: Về các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật; Về đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho đấu giá viên; Về tổ chức xã hội- nghề nghiệp toàn quốc của đấu giá viên; Về tổ chức đấu giá tài sản...

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Các tin khác