Diễn đàn pháp luật

Luật Trưng cầu ý dân: Bước tiến mới của dân chủ

15:48, 08/11/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Luật Trưng cầu ý dân 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, chính là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân được quy định trong Hiến pháp. Việc Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân là một bước tiến lớn, phù hợp với xu thế chung của thế giới văn minh.

Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân - (Trong ảnh: Người dân xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp)
Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân - (Trong ảnh: Người dân xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp)

Hiến pháp 1946 và các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013 đều có quy định về trưng cầu ý dân. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 quy định về trưng cầu ý dân tại Điều 29, Khoản 15, Điều 70; Khoản 13, Điều 74; Khoản 4, Điều 120; đồng thời quy định về quyền dân chủ trực tiếp tại Khoản 1, Điều 2 và Điều 6, Điều 29. Trong đó xác định rõ: “Nhân dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Như vậy, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc là một trong những tư tưởng được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc; tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống.

Xây dựng Luật Trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh và phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội. Điều này còn phù hợp với bản chất dân chủ XHCN, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Thực tiễn cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội đã được mở rộng; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, kết quả của hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh còn rất nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là cho đến nay, nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trưng cầu ý dân đã được thừa nhận rộng rãi như là một trong những giá trị của dân chủ trực tiếp trong xã hội và rất nhiều nước đã ban hành Luật Trưng cầu ý dân để điều chỉnh các mối quan hệ về trưng cầu ý dân. Cho đến nay, đã có 167/214 (chiếm khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể những vấn đề quan trọng của đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Luật gồm 8 chương, 52 điều, quy định về việc trưng cầu ý dân, nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và người có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; các hành vi nghiêm cấm và những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân.

Việc Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân, là hình thức cao của nền dân chủ XHCN, góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quan lý, nhân dân làm chủ.

Luật quy định cụ thể, chi tiết về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.

Trong đó có những điểm đáng chú ý: Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này. Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân là công dân nước cộng hòa XHCN Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 25 của Luật này.

Luật Trưng cầu ý dân ra đời là một bước tiến đặc biệt quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Qua đó, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; góp phần thiết thực vào việc phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Điều được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng là Luật Trưng cầu ý dân ra đời đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa ra khuôn khổ pháp lý có tính bắt buộc đối với chính quyền các cấp trong việc lấy ý kiến nhân dân về những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, đến vận mệnh của đất nước trên tinh thần tiếp thu, cầu thị, dân chủ.

Luật đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

P.V (tổng hợp)

Các tin khác