Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201610/khong-nen-gioi-han-doi-tuong-duoc-tro-giup-phap-ly-so-voi-luat-hien-hanh-706199/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201610/khong-nen-gioi-han-doi-tuong-duoc-tro-giup-phap-ly-so-voi-luat-hien-hanh-706199/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Không nên giới hạn đối tượng được trợ giúp pháp lý so với luật hiện hành - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 28/10/2016, 10:22 [GMT+7]

Không nên giới hạn đối tượng được trợ giúp pháp lý so với luật hiện hành

Chiều 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm, trao đổi đến các nội dung về mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, và các hình thức trợ giúp pháp lý. Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường buổi sáng, Quốc hội đã được nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án luật này.

Đại biểu Đỗ Trọng Hưng- Thanh Hóa phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng- Thanh Hóa phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ

Không nên giới hạn đối tượng được trợ giúp pháp lý

Thảo luận tại tổ số 06, đại biểu Đỗ Trọng Hưng- Thanh Hóa bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); khẳng định trợ giúp pháp lý là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, giúp cho những nhóm người yếu thế, gia đình chính sách tiếp cận với công lý, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, phòng ngừa hạn chế những tranh chấp.

Góp ý vào nội dung dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Trọng Hưng cho rằng không nên thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý như quy định tại Điều 7 của dự thảo mà cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý để đảm bảo đồng bộ với các luật khác như Luật người khuyết tật, Luật trẻ em, Luật phòng chống mua bán người và các văn bản liên quan. Đại biểu cũng cho rằng việc thu hẹp đối tượng trợ giúp pháp lý để phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực là chưa thực sự thuyết phục. Bởi xu hướng trong thời gian tới là tăng cường xã hội hóa thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, khi đó việc mở rộng đối tượng được trợ giúp lý không có nghĩa là dồn toàn bộ nguồn lực vào ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Đỗ Trọng Hưng, điều quan trọng là cần phải có những quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý thiết thực hiệu quả, tránh hình thức, tránh lãng phí và cần quy định cụ thể về người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính ngay trong Luật mà không nên giao cho Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo Luật có hiệu lực thi hành ngay.

Đại biểu Cao Thị Xuân- Thanh Hóa cho biết, thực tế dự thảo Luật đã thu hẹp rất nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý so với Luật hiện hành thể hiện ở chỗ quy định người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em... có hoàn cảnh khó khăn về mặt tài chính mới được trợ giúp pháp lý và xác định thể nào là khó khăn về mặt tài chính lại do Chính phủ quy định. Trong khi đó, Điều 30 Luật trẻ em quy định tất cả trẻ em đều được hưởng trợ giúp pháp lý hay theo Luật người khuyết tật thì tất cả người tàn tật đều được hưởng trợ giúp pháp lý. Điều này là không đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành.

Đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị, hạn chế tối đa việc giao cho Chính phủ quy định, nên minh bạch, cụ thể các nội dung có thể đưa vào luật. Đồng thời, cần phải quy định đầy đủ các đối tượng yếu thế trong xã hội, các đối tượng dễ bị tổn thương mà không có khả năng tài chính để thuê luật sư để thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý này.

Tại tổ 03, đại biểu Tống Thanh Bình- Lai Châu đề nghị cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý đã được các văn bản dưới luật quy định như người bị nhiễm chất độc hóa học, người bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa, người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên bao gồm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bị hại; đồng thời bỏ cụm từ “có hoàn cảnh khó khăn về mặt tài chính” trong quy định của dự thảo.

Đối với vấn đề lo ngại không đủ kinh phí thực hiện trợ giúp pháp lý, thảo luận tại tổ số 07, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà- Bắc Giang cho rằng, hiện vai trò của rất nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia vào trợ giúp pháp lý, cần phải xã hội hoá, kêu gọi nguồn lực để thực hiện việc này chứ không nhất thiết coi đây là trách nhiệm của nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Thực tế, có 52% luật sư trợ giúp pháp lý được Mặt trận Tổ quốc mời bảo vệ pháp luật cho đối tượng, trong đó hơn 50% số luật sư không nhận thù lao làm việc tức là họ hoàn toàn tự nguyện vì vậy cần phải phát huy lực lượng này trợ giúp pháp lý cho các đối tượng cần được trợ giúp.

Đại biểu Cao Thị Xuân- Thanh Hóa: dự thảo Luật đã thu hẹp rất nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý
Đại biểu Cao Thị Xuân- Thanh Hóa: dự thảo Luật đã thu hẹp rất nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý

Đề nghị giữ chế định cộng tác viên pháp lý

Theo đại biểu Cao Thị Xuân, thực tế cho thấy các vụ việc trợ giúp pháp lý không chỉ phát sinh ở những thành phố, trung tâm mà còn ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, nơi mà hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế. Nếu không còn chế định cộng tác viên thì hoạt động trợ giúp pháp lý tại khu vực này đối với đồng bào là rất khó khăn. Cho rằng việc bỏ chế định cộng tác viên là không phù hợp với điều kiện chung và thực tế đánh giá hoạt động của đội ngũ cộng tác viên rất hiệu quả, đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị cần tiếp tục thu hút hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, các cá nhân trong xã hội nhằm tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.

Có cùng quan điểm không đồng tình về việc bỏ chế định cộng tác viên trợ giúp pháp lý, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang- Nghệ An cho rằng không vì hiệu quả hoạt động chung của cộng tác viên chưa cao mà bỏ đi nhóm người thực hiện trợ giúp pháp lý này, mà cần phải có quy định, giải pháp để cộng tác viên thực hiện tốt hơn, phát huy vai trò của các cộng tác viên tại địa phương ngoài am hiểu pháp luật còn hiểu biết về thực tiễn, ngôn ngữ, tập quán...

Cần duy trì hoạt động của Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại vùng có điều kiện khó khăn

Khẳng định, các chi nhánh được xem như là cánh tay nối dài của các Trung tâm trợ giúp pháp lý, tại các tỉnh miền núi và đặc biệt là Lai Châu, hoạt động của các chi nhánh trợ giúp pháp lý rất có hiệu quả, nhiều vụ việc người dân chủ động tiếp cận các chi nhánh TGPL, đại biểu Tống Thanh Bình- Lai Châu cho rằng cần duy trì hoạt động của chi nhánh tại các địa phương, các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, vùng biên giới.

Trong khi đó, đại biểu Cao Thị Xuân- Thanh Hóa lại bày tỏ không đồng tình với cách thức quy định về Chi nhánh trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị phải quy quy định rõ ràng hơn, dễ tổ chức thực hiện hơn.

.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

.