Diễn đàn pháp luật
Đề xuất về tuổi nghỉ hưu, lương và giờ làm thêm
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mức lương tối thiểu; tăng thời giờ làm thêm; tuổi nghỉ hưu...
Bộ luật Lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012; trong đó lần sửa đổi năm 2012 là lần sửa đổi cơ bản, toàn diện. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng thực thi trên thực tế, trước áp lực của hội nhập thương mại và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm gần gây, đã xuất hiện các đòi hỏi lớn đặt ra cho Bộ luật Lao động và yêu cầu cần phải được tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.
Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, Điều 37 Bộ luật Lao động hiện hành quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động phải gồm 2 điều kiện: 1 - Có lý do được quy định bởi luật; 2- Tuân thủ thời hạn báo trước. Riêng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì chỉ cần báo trước 45 ngày mà không cần lý do.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, có ý kiến đề xuất bỏ lý do, chỉ cần yêu cầu về thời hạn báo trước. Các ý kiến này cho rằng bãi bỏ quy định này để đảm bảo quyền được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cưỡng bức lao động: bất cứ khi nào mà người lao động cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn ở doanh nghiệp khác thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có lý do, chỉ cần báo trước. Đồng thời, quy định báo trước một thời hạn nhất định để doanh nghiệp biết, chủ động trong việc tìm kiếm lao động thay thế. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất giữ như quy định hiện hành (có lý do và thời hạn báo trước). Do vậy, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án để xin ý kiến.
Mức lương tối thiểu
Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành quy định, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thực tiễn thực hiện quy định này trong thời gian vừa qua cho thấy việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng vì nhu cầu sống gồm cả nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần. Trong khi, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá rằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Có ý kiến đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng đảm bảo "mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ" và đề nghị bổ sung thêm các yếu tố xác định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất. Do vậy, dự thảo Luật hiện nay đang thể hiện theo phương án trên tại Điều 91, 92 và bổ sung một điều mới 92a.
Tăng thời giờ làm thêm
Điều 106 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Thực tiễn thực hiện quy định này trong thời gian vừa qua, rất nhiều ý kiến đề nghị cần tăng thời giờ làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu của đa số doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng làm thêm để tăng thêm thu nhập; tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực: trong mối tương quan so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc 36 giờ/tháng; Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Thailand 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines không khống chế.
Có ý kiến đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa theo hướng quy định 1 ngày làm việc thì người lao động làm việc bình thường và làm thêm giờ tối đa không quá 12 giờ/ngày và không được phép huy động người lao động làm thêm giờ liên tục quá 5 ngày làm việc cho mỗi đợt làm thêm giờ. Do vậy, dự thảo hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều 106 để xin ý kiến.
Về tuổi nghỉ hưu
Đề 187 Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua: Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Lần sửa đổi này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì những lý do sau: 1- tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp; 2- dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt; 3- nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn; 4- bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO...; 5- tận dụng được nguồn nhân lực động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm; 6- kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều 187 để xin ý kiến: Phương án 1: giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.
Nguồn: Chinhphu.vn