Diễn đàn pháp luật
Quy định cụ thể từng trường hợp được nổ súng để đảm bảo quyền công dân
Chiều 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật cảnh vệ. Nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể từng trường hợp được nổ súng của lực lượng cảnh vệ để tránh lạm dụng khi thi hành nhiệm vụ.
Theo dự thảo luật, trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ được huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện của đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật… Đặc biệt, trong khi thi hành nhiệm vụ, các Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh vệ được nổ súng trong các trường hợp: để cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ. (Điều 23)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Bình: định việc sử dụng vũ khí khi thi hành nhiệm vụ còn quá sơ sài |
Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Do đó, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ khi nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự thảo Luật quy định nổ súng để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ là chưa phù hợp với nguyên tắc người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra và cần bảo đảm điều kiện về phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Bình- TP Hải Phòng cho rằng, dự thảo Luật quy định việc sử dụng vũ khí khi thi hành nhiệm vụ còn quá sơ sài, giao quyền tự quyết quá lớn khi điểm c, khoản 2, Điều 23 quy định được nổ súng để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.
Theo đại biểu Nguyễn Trọng Bình, bản chất của việc nổ súng là để ngăn chặn ngay lập tức hành vi tấn công và vô hiệu hóa hành vi tấn công tiếp theo của đối tượng, chứ không phải tiêu diệt đối tượng. Do vậy, việc cho phép lực lượng cảnh vệ được nổ súng trong những trường hợp như thế này là chưa cần thiết.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho rằng, khái niệm “tấn công trực tiếp” được đề cập ở Điều này có nội hàm rất rộng, bao hàm nhiều cấp độ cao, thấp khác nhau để tác động xâm hại đối tượng cảnh vệ. Để kịp thời ngăn chặn hành vi này, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc. Do vậy, việc áp dụng ngay biện pháp nghiệp vụ cao nhất là nổ súng trong những trường hợp này là chưa hợp lý.
Đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng phát biểu tại Hội trường |
Đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng- tỉnh Thái Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và xác định rõ các mức độ của “hành vi tấn công trực tiếp” để tránh lạm dụng việc nổ súng, nhưng đồng thời cũng phải phát huy được sự chủ động, linh hoạt của lực lượng cảnh vệ trong công tác bảo vệ đặc biệt của mình.
Đại biểu Quốc hội Dương Đình Thông- tỉnh Bắc Giang cho rằng, nổ súng là hành vi cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ nhưng cần phải quy định chặt chẽ và cụ thể để bảo đảm quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ không vi phạm quyền con người, quyền công dân.
Theo đại biểu, dự thảo Luật cần quy định cụ thể trong trường hợp bị tấn công thế nào thì sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trước khi áp dụng biện pháp nổ súng để tránh lạm dụng.
Về vấn đề nổ súng tiêu diệt người có hành vi tấn công đối tượng cảnh vệ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Được- TP Hà Nội cho rằng, nếu không trong tình thế khẩn cấp, cấp bách, không nguy hiểm mà còn cách khác để ngăn chặn thì nổ súng là “không ổn”. Do vậy, việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ phải được quy định chặt chẽ, cụ thể cho từng trường hợp được nổ súng để tránh lạm dụng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý lại dự thảo về nội dung này cho chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội |
Trước các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Ban soạn thảo dự kiến sẽ chỉnh lý điểm c, khoản 2, Điều 23 của dự thảo luật về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh vệ theo hướng tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định cụ thể, đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện để lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội