Diễn đàn pháp luật
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật vùng biên giới, ven biển
(Congannghean.vn)-UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo” giai đoạn 2014 - 2016.
BĐBP Nghệ An phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho người dân ký cam kết phòng, chống ma túy |
Việc triển khai thực hiện Đề án trên toàn tỉnh Nghệ An được tiến hành với các hình thức tuyên truyền khá phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn như: Tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cố định, lưu động; tuyên truyền miệng trực tiếp tại các buổi họp thôn, bản; cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức chiếu phim lưu động kết hợp tuyên truyền; tổ chức “Ngày pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; nói chuyện pháp luật, trợ giúp pháp lý (có 55 câu lạc bộ pháp luật, trợ giúp pháp lý được thành lập tại các xã, phường biên giới, ven biển). Sân khấu hóa các nội dung pháp luật để tuyên truyền và phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên hai tuyến biên giới.
Tổ chức xét xử lưu động một số vụ án tại các xã, phường khu vực biên giới, ven biển để tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ Quân sự, Công an, Biên phòng và các lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới, ven biển để tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả được tổ chức tại cơ sở, tiêu biểu như mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người” ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương; “Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3” tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương; nhiều cách làm hay như các cuộc thi: “Gương sáng thanh, thiếu niên chấp hành pháp luật”, “Tìm hiểu văn bản pháp luật mới” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An do Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu thực hiện; “Bản tin pháp luật” phát trên hệ thống truyền thanh của các xã, phường thuộc TX Hoàng Mai...
Các lực lượng liên quan đã phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền 6.121 buổi/918.150 lượt người nghe. Trong đó có 2.240 buổi tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh của các xã, phường và các đồn Biên phòng; 2.688 buổi họp dân tuyên truyền trực tiếp tại thôn bản; 150 buổi tuyên truyền thông qua hình thức xem băng đĩa hình; 23 buổi tuyên truyền thông qua xét xử lưu động; 800 buổi tuyên truyền thông qua “Ngày pháp luật”; 220 buổi thông qua hoạt động của các câu lạc bộ tư vấn pháp lý; 350 buổi biểu diễn ca, kịch của đội tuyên truyền văn hóa BĐBP tỉnh và các tổ tuyên truyền văn hóa cơ sở.
Đã cấp cho các xã, phường biên giới, ven biển, các đảo, các đồn Biên phòng 320 cuốn sách hướng dẫn các nghiệp vụ trong thực hiện Đề án; 14.200 đĩa DVD tuyên truyền về phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống vượt biên trái phép, tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; bác bỏ những yêu sách phi lý về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc (trong đó có 6.200 đĩa DVD do BĐBP tỉnh tự nghiên cứu, xây dựng); 6.000 tờ rơi, tờ gấp các loại hướng dẫn khu vực đánh bắt cá và cách xử lý các sự cố khi tàu thuyền đánh bắt cá trên biển.
BĐBP tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới cho học sinh lớp 9 với 297 lớp/8.162 em tham gia; phối hợp với UBND 2 huyện Quế Phong và Kỳ Sơn xây dựng Kế hoạch 678 về việc giải quyết tình hình phức tạp về ma túy trên địa bàn tuyến biên giới của 2 huyện. Trong đó, đã tập trung tổ chức tuyên truyền cho hàng nghìn lượt cán bộ và nhân dân về các văn bản pháp luật, trọng tâm là Luật Phòng, chống ma túy và những tác hại của ma túy; qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội tại các xã biên giới 2 huyện Quế Phong, Kỳ Sơn và các địa bàn đối diện.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, nhìn chung nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn biên giới, ven biển và cán bộ, chiến sỹ trên các đảo được nâng lên rõ rệt. Tình trạng vi phạm pháp luật và các quy chế, quy định giảm so với trước khi thực hiện Đề án. Ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo có nhiều chuyển biến.
Các xã, phường biên giới ven biển đã thành lập được 101 tổ tự quản về ANTT, 158 tổ hòa giải; 79 thôn, bản đăng ký tham gia tự quản 287 km đường biên, 48 cột mốc biên giới. Ở địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn và Quế Phong có 115 đối tượng vi phạm pháp luật (trong đó 70 đối tượng liên quan đến tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy) đã tự giác kiểm điểm, hứa không tái phạm trước cộng đồng dân cư tại các buổi họp thôn, bản. Nhân dân đã cung cấp cho các lực lượng chức năng 2.603 nguồn tin phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tự giác giao nộp 420 khẩu súng các loại...
Kết quả trên đã góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, ven biển của tỉnh trong thời gian qua.
Hùng Phong