(Congannghean.vn)-Để ngăn chặn vi phạm của các chủ phương tiện thủy nội địa trên địa bàn, Thanh tra giao thông Nghệ An đang xây dựng kế hoạch kiểm tra trên tất cả các tuyến vận tải. Qua đó, phương tiện đường thủy chở hàng hóa và chở người sẽ được kiểm soát chặt chẽ ngay tại các bến cảng trước khi xuất phát, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý.
Kiểm tra đâu, sai phạm đó
Ông Phan Huy Chương, Phó Chánh thanh tra giao thông Nghệ An cho biết: Hiện nay, công tác đăng ký, đăng kiểm nói riêng và quản lý phương tiện vận tải đường thủy nội địa nói chung còn nhiều bất cập, khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát.
Do đó, Thanh tra giao thông được giao nhiệm vụ lập kế hoạch để đề xuất UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy nội địa vi phạm nhằm thực hiện tốt công tác quản lý các phương tiện thủy nội địa, góp phần đảm bảo trật tự ATGT.
Tàu chở cát quá tải trọng trên sông Lam, đoạn qua huyện Hưng Nguyên |
Trước đó, ngày 9/12/2015, Cục CSGT (Bộ Công an) có Báo cáo số 5177/BC-C67-P13 về kết quả kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy nội địa vi phạm gửi Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh, với rất nhiều vi phạm về vận tải đường thủy.
Tại Nghệ An, năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy trên toàn địa bàn. Qua kiểm tra 25 bến đò ngang chở khách ngang sông, có 29 phương tiện, trong đó có 18 phương tiện đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; 2 phương tiện chưa đăng ký. Kiểm tra tại 5 bến đò chở khách dọc sông, có 389 phương tiện nhưng chỉ có 102 phương tiện được đăng ký, đăng kiểm.
Trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên và ven các tuyến đường thủy nội địa, có khoảng 420 phương tiện thì chỉ có 147 phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm.
Sẽ siết chặt quản lý
Số liệu của Chi cục Kiểm định số 3 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam), trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 479 phương tiện thủy nội địa được đăng kiểm. Theo đánh giá chung của Chi cục Kiểm định số 3, các phương tiện chở khách ngang sông, dọc sông dù chưa đủ điều kiện an toàn kỹ thuật hoặc đã bị xuống cấp do hư hỏng, nhưng vì nhu cầu đi lại của người dân nên vẫn hoạt động.
Ông Nguyễn Hữu Thủy, Chi cục phó Chi cục Kiểm định số 3 cho biết: Năm 2015, Chi cục đã tiến hành kiểm tra nhưng số lượng phương tiện đã được đăng kiểm rất ít. Lý do là chủ phương tiện không chịu chấp hành, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển cát, sỏi của tư nhân dọc sông Lam.
Để xử lý triệt để nạn chở quá tải trên sông thì lực lượng Cảnh sát đường thủy, Thanh tra giao thông đường thủy vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì không thể hạ tải phương tiện vi phạm trên sông.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm soát giao thông đường thủy không có bến bãi đủ sức chứa, thuận tiện để neo đậu phương tiện vi phạm nhằm xử lý triệt để các trường hợp quá tải. Ngoài ra, việc xử lý phổ biến hiện nay là xử phạt rồi cho phương tiện tiếp tục lưu thông nên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Thực hiện Kế hoạch số 753/KH-UBND-NC ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên tuyến sông Lam, cuối năm 2015, Đoàn liên ngành đã bắt giữ, xử lý một số cá nhân khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép sử dụng phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm.
Theo đánh giá, ngoài vi phạm không đăng ký, đăng kiểm theo quy định, nhiều phương tiện vận tải thủy nội địa còn thường xuyên vi phạm lỗi chở quá tải trọng nhưng rất khó kiểm tra, xử lý. Thực tế trên sông Lam hiện nay không chỉ chở cát quá tải, mà tình trạng các phương tiện đường thủy chở vật liệu xây dựng quá tải xảy ra khá phổ biến.
Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết thêm, với việc xây dựng kế hoạch kiểm tra chi tiết và có lộ trình cụ thể, tin rằng các phương tiện vận tải đường thủy nội địa sẽ được kiểm định, kiểm soát, góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh.