Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//binh-yen-xu-nghe/201410/dam-bao-an-toan-giao-thong-duong-thuy-mua-mua-bao-544465/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//binh-yen-xu-nghe/201410/dam-bao-an-toan-giao-thong-duong-thuy-mua-mua-bao-544465/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 13/10/2014, 08:04 [GMT+7]

Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

(Congannghean.vn)-Mùa mưa bão đang đến gần, nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông đường thủy, ngày 22/9/2014, UBND tỉnh có Công văn số 6974/UBND-NC chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành các phương án tổng lực để đối phó với mùa mưa bão.

Thực hiện Công văn này, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông thủy; bảo vệ tính mạng, tài sản và nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thuỷ nội địa của nhân dân trong mùa mưa bão.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 bến đò ngang, 5 bến đò dọc,14 con sông với gần 1.000 km giao thông đường thủy, gồm 120,2 km sông cấp Trung ương; 129,1 km sông cấp tỉnh đã được công bố tuyến luồng, 571 km sông cấp huyện chưa được công bố tuyến luồng.

234
Kiểm tra việc thực hiện ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh

Chuẩn bị bước vào cao điểm mùa mưa lũ, dòng chảy mạnh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất TTATGT đường thủy nội địa, đặc biệt là tại các khu vực trọng điểm như các huyện: Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn… Do đó, việc đảm bảo TTATGT đường thủy trong mùa mưa bão luôn được các ngành chức năng, địa phương quan tâm.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ bến bãi, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thủy.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động kết hợp với kiểm tra, đôn đốc, giám sát và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” ở từng địa phương để rút ra bài học kinh nghiệm, nâng cao ý thức hiểu biết và chấp hành pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trong mọi tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục triển khai xây dựng, duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” có hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần đảm bảo TTATGT đường thủy. Đồng thời, đôn đốc các huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm, các bến khách ngang sông, những “điểm đen” về tai nạn giao thông đường thủy, nhất là vào giờ cao điểm như thời gian học sinh đi học và tan trường, hay thời điểm mưa to, gió lớn.

Một trong những biện pháp then chốt là công tác tuyên truyền, vận động chủ phương tiện và người dân tham gia giao thông đường thủy, chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ trong phòng chống lũ.

Song song với việc triển khai các phương án trên, việc tăng cường xử lý vi phạm giao thông đường thủy cũng được chú trọng. Điều khiển phương tiện không có dụng cụ cứu sinh, không được đăng kiểm… sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.

Theo Thượng tá Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, điều đáng lo ngại là cùng với phương tiện không được đăng ký quản lý thì người điều khiển các đò ngang chở khách cũng hoạt động tự phát, theo kiểu “cha truyền, con nối” mà không được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật và luật lệ giao thông đường thủy, không có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm giao thông đường thủy cũng gặp khó khăn nhất định khi không thể thu giữ phương tiện vi phạm như giao thông đường bộ.

Đặc biệt, ý thức người dân trong việc đảm bảo TTATGT đường thủy là vấn đề tồn đọng và gây “nhức nhối”. Đa phần họ đều có tâm lý e ngại trong việc trang bị các phương tiện cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy như mặc áo phao, sử dụng phao cầm tay mỗi khi lên đò trong khi các chủ đò vẫn chưa quyết liệt trong việc nhắc nhở người dân.

Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản, khi tham gia giao thông đường thuỷ trong mùa mưa bão, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, không được chở quá số lượng theo quy định, đề nghị hành khách mặc áo phao hoặc cầm, đeo dụng cụ nổi cá nhân theo quy định trong suốt hành trình.

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi xuất bến, hạn chế hoạt động vào ban đêm. Khi gặp mưa giông phải tìm nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không điều động tàu rời cảng, bến khi thời tiết xấu.

Đồng thời, chính quyền các địa phương vùng ven sông, các lực lượng chức năng và ban quản lý bến phà cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để kịp thời thông báo cho các chủ phương tiện thuyền, phà được biết và sẵn sàng mọi giải pháp ứng cứu nếu có sự cố xảy ra.

Hiện, mùa mưa bão đang cận kề, vì vậy, đã đến lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Đồng thời, chính những người dân cũng phải tự nâng cao ý thức về ATGT đường thủy nhằm hạn chế những tai nạn, rủi ro đáng tiếc.

.

Hồng Hạnh - Cao Loan

.