Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201603/ky-son-nghe-an-nhieu-cung-duong-bi-buc-tu-vi-loi-mo-qua-bien-gioi-667086/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201603/ky-son-nghe-an-nhieu-cung-duong-bi-buc-tu-vi-loi-mo-qua-bien-gioi-667086/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kỳ Sơn, Nghệ An: Nhiều cung đường bị 'bức tử' vì lối mở qua biên giới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 16/03/2016, 15:25 [GMT+7]

Kỳ Sơn, Nghệ An: Nhiều cung đường bị 'bức tử' vì lối mở qua biên giới

(Congannghean.vn)-Việc mở lối mở, cửa phụ qua biên giới đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp của hai nước Việt Nam - Lào đẩy mạnh thông thương, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, do không được đầu tư, nâng cấp đồng bộ nên nhiều tuyến đường độc đạo tại các lối mở này đã bị xuống cấp trầm trọng vì lưu lượng xe cộ lưu thông hàng ngày.

“Cày nát” đường dân sinh

Tại huyện Kỳ Sơn, từ năm 2004 đến nay, đã có 4 lối mở qua biên giới được mở để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của hai tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng (Lào) đẩy mạnh giao thương hàng hóa. Các lối mở Tha Đo (xã Mường Típ), Buộc Mú (xã Na Ngoi) và Xiềng Trên (xã Mỹ Lý) đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, riêng lối mở Keng Đu (xã Keng Đu) bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2015.

Đường từ xã Lưu Kiền vào xã Na Ngoi bị “cày nát”
Đường từ xã Lưu Kiền vào xã Na Ngoi bị “cày nát”

Trên thực tế, việc mở lối mở và cửa khẩu phụ đã tạo điều kiện cho cư dân khu vực biên giới đẩy mạnh trao đổi hàng hoá, góp phần phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, thúc đẩy quá trình giao lưu kinh tế, dịch vụ, thương mại khu vực nông thôn, xuất nhập khẩu hàng hóa và củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều bất cập khi cơ sở hạ tầng không được nâng cấp đồng bộ, dẫn đến những hệ lụy dân sinh. Trong đó, huyết mạch giao thông là yếu tố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi đây là những tuyến đường độc đạo, vốn đã xuống cấp, hư hỏng, nay phải “oằn mình” gánh chịu lưu lượng lớn xe cộ dẫn đến xuống cấp trầm trọng.

Tuyến đường từ thị trấn Mường Xén đến lối mở Keng Đu có độ dài khoảng 80 km, trong đó có khoảng 50 km, đoạn bắt đầu từ ngã ba Huồi Tụ đến trung tâm xã, nền địa chất vốn đã rất yếu.

Trước đó, khi chưa mở lối Keng Đu để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, đoạn đường này luôn là nỗi khiếp sợ đối với người dân và thầy cô giáo cắm bản ở các xã Huồi Tụ, Na Loi, Đoọc Mạy và Keng Đu mỗi lần mưa xuống. Tuyến đường này một bên là núi cao, bên kia là vực sâu, lòng đường trơn trượt, có những quãng sình lầy ngập ngang bánh xe; vì vậy không thể “độc hành” mà phải đi từng nhóm để “hợp tác”, người trước, kẻ sau “vần” xe qua những cung đường chết.

Từ cuối năm 2015, khi lối mở Keng Đu đi vào hoạt động, người dân bản địa cho biết, hàng chục xe tải lưu thông trên tuyến đường này mỗi ngày đã “cày nát” con đường, khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng dịp này, chúng tôi đã có chuyến thực tế khi vào Keng Đu công tác và quả thực, so với trước đây, tuyến đường này giờ đã xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt là đoạn giáp ranh giữa hai xã Huồi Tụ và Na Loi, nhiều đoạn xe bị trơn trượt, xoay ngang giữa đường khiến người ngồi trên xe phải xắn quần lội bùn “tăng bo” đẩy xe vượt dốc và sau gần 4 giờ, chúng tôi mới vào đến trung tâm xã Keng Đu.

Tương tự, tuyến đường nối từ xã Lưu Kiền (Tương Dương) đi Na Ngoi (Kỳ Sơn) mặc dù mới được đầu tư, nâng cấp song gần đây đã bị nhiều phương tiện chở hàng hóa giao thương giữa hai nước Việt Nam - Lào làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua lối mở Buộc Mú “cày nát”, khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.

Tuyến đường này có chiều dài khoảng 50 km, đi qua các xã Nậm Càn và Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn, được đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con nơi đây. Thế nhưng hiện nay, toàn tuyến đã bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều đoạn hình thành nhiều điểm sụt lún, ổ gà, ổ voi.

Kiên quyết xử lý xe quá khổ phá đường

Ông Nguyễn Anh Đoài, Trưởng phòng Công thương huyện Kỳ Sơn cho biết: Tuyến đường vành đai dài hơn 20 km từ bản Khe Kiền của xã Lưu Kiền (Tương Dương) vào đến bản Thăm Hín của xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) được khởi công xây dựng vào năm 2002 và hoàn thành năm 2005, nhưng những năm gần đây đã xuống cấp và hư hỏng nặng.

Đây là tuyến đường duy nhất đi từ xã Lưu Kiền (Tương Dương) vào các xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ (Kỳ Sơn). Sau 10 năm sử dụng, con đường bị mưa lũ làm xói lở, đất đá sạt từ núi xuống. Bên cạnh đó, việc mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chở gỗ và nguyên vật liệu lưu thông liên tục cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyến đường bị xuống cấp trầm trọng.

“Hiện nay, huyện Kỳ Sơn đang xin chuyển cung đường này về cho tỉnh quản lý. Bởi con đường này nối liền hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn chứ không phải nội huyện. Huyện Kỳ Sơn cũng đã giao Công an huyện kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có hiện tượng xe chở hàng hóa, vật liệu quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường này, đặc biệt là xe chở gỗ từ Lào về. Ngoài ra, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đang đề xuất xin kinh phí để sửa chữa đường cho bà con đi lại”, ông Đoài cho biết thêm.

Về vấn đề này, Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Công an huyện đã tiến hành kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý 13 trường hợp xe chở gỗ Lào có dấu hiệu cơi nới, quá khổ; đồng thời xử lý các lái xe vi phạm, phạt hành chính từ 3 - 3,7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1 tháng.

Theo số liệu của Công an huyện Kỳ Sơn, tổng số xe quá khổ đã bị phát hiện và xử lý trên cung đường này trong thời gian qua là 45 chiếc, với số tiền xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 135 triệu đồng.

Việc mở lối mở, cửa khẩu phụ qua biên giới trong điều kiện giao thương phát triển hiện nay là chủ trương đúng đắn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp nói riêng và nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Xiêng Khoảng nói chung, qua đó góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Tuy nhiên, để các lối mở và cửa khẩu phụ phát huy tối đa hiệu quả, thiết nghĩ cần có sự đầu tư, nâng cấp đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông để không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân bản địa.

.

Hà Thành

.