(Congannghean.vn)-Với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là vai trò của Công an Nghệ An, tội phạm mua bán người trên địa bàn đã được ngăn chặn, phòng ngừa một cách quyết liệt. Tuy nhiên, tại các địa bàn huyện miền núi, tội phạm này vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Những ngày cuối năm, chị T.T.H. (SN 1987) trú tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ được Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) phối hợp với Tổ chức Rồng Xanh giải cứu về quê hương sau 20 năm bị lừa bán nơi xứ người.
Thời gian qua, Công an Nghệ An đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống mua bán người cho phụ nữ, trẻ em gái |
Sau khi hoàn tất các thủ tục, chị H. và cậu con trai 2 tuổi được lực lượng chức năng đưa về nhà đoàn tụ với gia đình. Người thân của chị nay chỉ còn anh trai và chị gái. Từ ngày nghe tin em gái được giải cứu, những người thân của chị thao thức cả mấy đêm không ngủ. Từ đầu ngõ, bà con lối xóm có mặt chật kín để chào đón chị, chia vui với gia đình. Trong số họ, có rất nhiều gia đình có con em cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Sự trở về của chị H. khiến họ càng có thêm hy vọng có ngày được gặp lại con em của mình. Vừa thấy bóng em gái, chị T. ôm chầm, khóc nức nở. Bố mất sớm, mẹ từ ngày đi bước nữa cũng biệt tăm tin tức, chỉ có 3 anh em nương tựa vào nhau. Ấy vậy mà chị H. bị bọn buôn người lừa bán, đằng đẵng 20 năm không một tin tức, ở quê nhà, anh chị chẳng dám nghĩ có ngày được gặp lại em gái của mình. Thế nên cuộc đoàn tụ ngày hôm nay cứ như một phép màu.
Sau khi hoàn tất thủ tục bàn giao chị H. cho gia đình, chúng tôi lên xe trở về thành phố khi trời đã nhá nhem tối. Trung tá Vi Văn Thương, cán bộ Đội 4, Phòng CSHS, người trực tiếp tham gia giải cứu lần này cho biết: Đằng sau những trường hợp được giải cứu là những phận người đầy éo le, khổ cực. Hầu hết nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc đều là phụ nữ, trẻ em các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa. Phần vì nhận thức hạn chế, cuộc sống đói nghèo nên dễ bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo. May mắn thì được bán vào nhà chồng yêu thương, không thì bị hành hạ, đối xử thậm tệ. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Tổ chức Rồng Xanh để tìm kiếm thông tin, giải cứu phụ nữ Việt Nam. Mới đây, đơn vị cũng vừa tiến hành giải cứu một phụ nữ tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, bị lừa bán vào tháng 7/2019.
Chị H. và con trai đoàn tụ người thân sau 20 năm bị lừa bán sang Trung Quốc |
Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp và xảy ra trên phạm vi cả nước. Nghệ An được xác định là địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái pháp luật và cũng là địa phương thực hiện thành công nhiều chuyên án đấu tranh với tệ nạn mua bán người. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt chung tay ngăn chặn nạn mua bán người. Đặc biệt, Công an tỉnh Nghệ An là đơn vị đầu tiên trên cả nước đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác phòng, chống mua bán người (Nghị quyết số 24/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh) nhằm huy động sự vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 - 2020), có 2.912 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tại Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai. Theo số liệu thống kê, trong quý III/2020, toàn tỉnh đã phát hiện, điều tra, làm rõ 5 vụ mua bán người liên quan đến 7 nạn nhân. Bên cạnh đó, số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người còn khá nhiều.
Địa bàn tội phạm mua bán người thường hoạt động là các vùng nông thôn, miền núi rẻo cao thuộc địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương. Đây là những nơi có trình độ dân trí thấp, người dân cả tin, kinh tế khó khăn, nhiều người thiếu việc làm... Nạn nhân chủ yếu là số phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi có tư tưởng thoát ly công việc lao động nông nghiệp vất vả tại địa phương, mong muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, thu nhập cao hơn; số trẻ em không được gia đình, bố mẹ quan tâm, chăm sóc... Phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người rất đa dạng, tinh vi và có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng. Chủ yếu là các đối tượng người Việt Nam ở các tỉnh sát biên giới hoặc số làm ăn ở Trung Quốc đến móc nối với các đối tượng ở địa phương dưới chiêu bài tuyển công nhân vào công ty làm việc, tuyển nhân viên bán hàng, công việc nhàn hạ nhưng lại có thu nhập cao, môi giới lấy chồng Trung Quốc... để lừa đảo. Đáng chú ý, một số đối tượng phạm tội là phụ nữ ở địa phương trước đây là nạn nhân của tội phạm mua bán người hoặc tự nguyện lấy chồng Trung Quốc, làm gái mại dâm ở Trung Quốc, nay quay về địa phương tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh phụ nữ đem đi bán.
Thời gian qua, Công an Nghệ An đã chủ động phối hợp với ngành chức năng tích cực truyền thông phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, tham mưu cho chính quyền cơ sở và phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, bên cạnh công tác tuyên truyền, giải pháp được cho là có tính bền vững đó là cấp ủy, chính quyền nên có cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn, đào tạo việc làm để đồng bào vùng sâu, vùng xa có công ăn việc làm ổn định, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao nhận thức để nhân dân tự giác phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm mua bán người.
.