(Congannghean.vn)-Những năm qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt công tác giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đến thời điểm hiện nay, hành lang ATGT đường bộ cơ bản đã thông thoáng. Tuy nhiên, cần có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm.
Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa”
Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Diễn Châu đã triển khai 3 đợt cao điểm giải tỏa vi phạm hành lang ATGT với quy mô trên toàn huyện. Trong đó, chú trọng nhất là các xã trọng điểm trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, như thị trấn Diễn Châu, Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Kỷ, Diễn Xuân, Diễn Phúc, Diễn Bình, Diễn Cát… Tính đến tháng 11/2020, toàn huyện đã giải tỏa được 25 mái tôn vi phạm, 4.061 ô dù, biển quảng cáo, 982 m3 vật liệu, vật kiến trúc khác… lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT. Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Diễn Châu tiếp tục tích cực ra quân giải tỏa vi phạm hành lang ATGT nhằm đảm bảo đường thông hè thoáng, giảm ách tắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm vi phạm hành lang ATGT cần khắc phục như: Công tác tái lấn chiếm hành lang ATGT vẫn xảy ra, tình trạng phân lô bán nền bám Quốc lộ 1A chưa được đấu nối gây cản trở giao thông nghiêm trọng, bãi tập kết vật liệu xây dựng, gỗ bên đường nhiều, người dân tập kết rác hai bên đường gây cản trở giao thông…
Tại TP Vinh, các xã, phường đang triển khai mở đợt cao điểm giải tỏa vi phạm hành lang ATGT. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai đợt ra quân, trên nhiều tuyến đường thành phố, vỉa hè lại bị người dân và các hộ kinh doanh chiếm dụng để bày bán hàng hóa, đỗ xe cho khách khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Cụ thể như đường Thăng Long (gần chợ Quán Bàu), các hộ buôn bán thực phẩm tươi sống, hoa quả… đã chiếm toàn bộ vỉa hè để bày bán hàng hóa; người mua hàng thì đứng dưới lòng đường khiến cho đoạn đường này thường xuyên ách tắc giao thông. Vào các buổi sáng và cuối buổi chiều, vỉa hè đường Nguyễn Trung Ngạn, đi qua chợ Quán Lau, phường Trường Thi lại trở thành nơi để những người buôn bán hàng rong chiếm dụng bày bán đủ thứ từ rau, củ, quả đến cá, tôm. Hay tình trạng họp chợ tự phát, trái phép ở các tuyến đường Đinh Lễ, Cao Thắng... Vào buổi chiều tối, vỉa hè ở hầu hết các tuyến phố lớn ở trung tâm thành phố trở nên “náo nhiệt” với các hàng ăn đêm như các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Trường Thi, Hồ Tùng Mậu... Một số địa bàn có tình trạng sử dụng vỉa hè để trông giữ xe trái phép tại các phường Hưng Dũng, Trường Thi… Tình trạng đỗ xe sai quy định vẫn tái diễn trên các tuyến phố trung tâm như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai... Hầu hết các tuyến đường, phố có vỉa hè nhỏ cũng bị chiếm dụng làm chỗ để xe, gây khó khăn cho người đi bộ.
Các lực lượng chức năng giải tỏa hành lang ATGT trên địa bàn thành phố Vinh |
Tăng trách nhiệm để tránh tái lấn chiếm
Nhằm khắc phục tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ, góp phần đảm bảo TTATGT và giảm thiểu TNGT trên địa bàn, những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn và xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm. Trong 11 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã giải tỏa được 1.563 m2 nhà, ki-ốt, lều quán; 1.734 m2 mái che các loại; 1.835 biển quảng cáo; 198 điểm kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu và 3.755 m3 vật liệu xây dựng… Ban ATGT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương liên quan, tuyên truyền, vận động các hộ dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm, tổ chức cưỡng chế các hộ cố tình vi phạm. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất hạn chế và tình hình vi phạm hành lang ATGT đường bộ vẫn tiếp tục có những phức tạp. Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường trên quốc lộ, tỉnh lộ, xây dựng lều quán bán hàng, xây dựng tường rào, lắp đặt biển quảng cáo, san lấp mặt bằng trái phép trong hành lang đường bộ gây mất ATGT vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một số người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, cố tình vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. Thậm chí có những trường hợp khi đã vi phạm nhưng không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm, gây phức tạp tình hình. Nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông để xử lý các vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình đường bộ và hành lang ATGT đường bộ cho người dân chưa sâu rộng, chưa đa dạng về hình thức tuyên truyền. Việc giải tỏa các công trình xây dựng trong hành lang ATGT đường bộ trong thời gian qua hầu như chỉ thực hiện thông qua việc tuyên truyền, giải thích mà chưa có đủ kinh phí đền bù hỗ trợ, chỉ vận động dân đóng góp phạm vi công trình hay đền bù để xây dựng công trình. Công tác phối hợp địa phương trong thực hiện lập lại trật tự vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ có lúc, có nơi chưa được thường xuyên…
Công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang ATGT là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Để tránh tình trạng ra quân rầm rộ nhưng việc lấn chiến hành lang ATGT vẫn tái diễn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị. Các ngành, chính quyền địa phương phải thường xuyên, liên tục kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm. Đồng thời, nhanh chóng tiến hành chỉnh lý biến động đất đai những nơi chưa thực hiện. Sở Giao thông Vận tải và các cấp chính quyền địa phương phải luôn thực hiện tốt công tác phối hợp, tăng cường tuyên truyền, vận động không lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, hành lang ATGT đường bộ để người dân nâng cao ý thức, tự chấp hành. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và kiên quyết xử lý các vi phạm để quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, các tầng lớp nhân dân, bảo đảm duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới. Kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm lấn chiến hành lang, vỉa hè để bày bán hàng hóa, như các khu vực chợ. Cần đưa quy định bảo đảm về hành lang ATGT vào quy ước, hương ước của thôn, tổ, để người dân có ý thức thực hiện ngay từ cơ sở.
.