(Congannghean.vn)-Góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, không thể không nhắc đến hiệu quả từ công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền mới, có trọng tâm, trọng điểm và thu hút đông đảo đối tượng tham gia.
Tại phiên họp tiến hành thẩm tra các dự thảo báo cáo liên quan đến lĩnh vực ATGT của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh được tổ chức vừa qua, các đại biểu tham dự đã đánh giá về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2020, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại Nghệ An giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Có được kết quả trên là nhờ công tác chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là lắp đặt camera xử phạt nguội; phối hợp trong xử lý các điểm đen, xóa các lối đi tự mở…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, nhất là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được tiếp tục đẩy mạnh. Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền theo chủ đề năm ATGT 2020 và đợt cao điểm; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan như băng rôn, pano, tờ rơi, các cuộc thi, giải báo chí viết về ATGT.
Cán bộ CSGT tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh |
Đặc biệt, với sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã hạn chế được tình trạng người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ đó, tình hình TTATGT và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Với vai trò nòng cốt, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT; tiếp tục triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình tự quản bảo đảm TTATGT; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng học sinh, sinh viên bằng nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực. Ngoài ra, các sở, ngành, đơn vị liên quan cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và mạng lại hiệu quả tích cực.
Về giải pháp trong thời gian tới, tại phiên họp, đồng chí Phan Đức Đồng, Trưởng ban Pháp chế - HĐND tỉnh đề nghị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về TTATGT; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các địa phương; rà soát lại các điểm đen và thực hiện có hiệu quả hơn công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương; bổ sung kinh phí để lắp đặt thêm các camera giao thông và tiến hành xử phạt công khai để nâng cao tính răn đe.
Cũng liên quan đến công tác tuyên truyền về TTATGT, ngày 28/8/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1317/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền về ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó nhấn mạnh, tuyên truyền về ATGT, phòng, chống tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở là khâu quan trọng góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; có vai trò là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân và là diễn đàn để người dân phản ánh tình hình vi phạm TTATGT đến lực lượng có chức năng xem xét xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tại Quyết định này, Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; phòng, chống tác hại của rượu, bia phải thường xuyên, liên tục, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của các chủ thể tham gia giao thông, những người làm nhiệm vụ quản lý, xây dựng, duy tu các công trình hạ tầng giao thông, các hộ dân sinh sống hai bên các tuyến đường, những người quản lý, điều hành giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải.
Quyết định cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đối với báo in, báo điện tử: 100% các báo bộ, ngành Trung ương và địa phương có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền ATGT, phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đối với báo nói, báo hình: 100% các đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương xây dựng, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về ATGT và phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đối với hệ thống thông tin cơ sở: 80% các hệ thống thông tin cơ sở tổ chức biên tập lại nội dung thông tin tuyên truyền về ATGT và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với địa phương, vùng miền để đăng, phát qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường và các hình thức khác. Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về ATGT, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về ATGT, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe.
.