Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), vấn đề ma túy ở Đông Nam Á hiện nay đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết và đã trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra nhiều hệ lụy. Để vượt qua khủng hoảng này, cần phải cấp thiết xây dựng các chính sách về ma túy mang tính cân bằng hơn trong đó y tế công cộng và sức khỏe về mặt xã hội đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực cải cách chính sách.
Ảnh minh họa |
Hướng tới một Cộng đồng ASEAN không có ma tuý là một trong những mục tiêu quan trọng được các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp, việc cai nghiện ma tuý cho người nghiện cũng là vấn đề cần được chú trọng hơn nữa.
Cần một sự thay đổi trong nhận thức
Báo cáo Tình hình ma túy thế giới “Ma túy và Độ tuổi” xuất bản năm 2018 của UNODC cho thấy một số yếu tố môi trường kết hợp với các đặc điểm của cá nhân sẽ tác động đến việc sử dụng và nghiện chất. Con đường người trẻ bắt đầu sử dụng chất gây nghiện đến sử dụng chất gây nghiện một cách có hại bị tác động bởi các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Đó là yếu tố sức khỏe tâm thần và hành vi, cha mẹ và gia đình, trường học và những ảnh hưởng từ bạn bè và các yếu tố kinh tế-xã hội có thể khiến cho những thanh thiếu niên trở nên dễ bị sa vào sử dụng ma túy.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình và việc trẻ em và thanh thiếu niên bị gạt ra bên lề của xã hội là những yếu tố rủi ro tiềm tàng dẫn đến việc trẻ bắt đầu sử dụng ma túy, tiếp tục sử dụng ma túy, cũng như dẫn đến các hành vi bạo lực, quá khích hoặc bạo lực cực đoan. Ngược lại, các gia đình hạnh phúc, quan tâm đến con cái sẽ là một yếu tố đẩy lùi nguy cơ sử dụng ma túy gây hại và bạo lực cực đoan. Do đó, yếu tố này cần phải được tăng cường khi giải quyết vấn đề cầu ma túy và các các biểu hiện bạo lực/bạo lực cực đoan kèm theo.
Ông Inshik Sim, Nghiên cứu viên về ma túy bất hợp pháp của UNODC tại khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương cho rằng không có một can thiệp nào, chính sách nào hay cơ chế phòng ngừa nào có thể được xây dựng và thực hiện một cách độc lập, riêng rẽ.
Một hệ thống phòng ngừa hiệu quả ở cấp địa phương hay toàn quốc cần được lồng ghép vào một hệ thống lớn hơn lấy y tế làm trọng tâm, mang tính cân bằng trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến ma túy bao gồm giảm cung, hành pháp, điều trị những rối loạn về sử dụng ma túy và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro có liên quan đến sử dụng ma túy (ví dụ phòng ngừa lây nhiễm HIV, sốc thuốc...).
Mục tiêu chính, bao trùm của một hệ thống lấy y tế làm trọng tâm và mang tính cân bằng này là đảm bảo là các chất cần dùng cho y tế, khoa học luôn sẵn có trong khi phòng ngừa được việc sử dụng vì mục đích phi y tế hoặc thất thoát, chuyển đổi mục đích sử dụng các chất này.
Do thị trường ma túy bất hợp pháp mang quy mô lớn và ước tính số người sử dụng ma túy tương đối lớn, việc giải quyết vấn đề mang tính y tế và quyền con người này rõ ràng là cấp thiết và quan trọng, đặc biệt là ở chỗ nó có ảnh hưởng lớn hơn đến những người trẻ. Cần phải có một sự thay đổi trong nhận thức từ chỗ coi những người sử dụng ma túy là “những người tội phạm bê tha”, cần bị giam giữ hay kết án đến chỗ coi họ là những thành viên trong xã hội cần đến các dịch vụ về y tế, tâm lý và phúc lợi xã hội.
Cân bằng giữa các giải pháp
Trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về công tác cai nghiện và hỗ trợ phục hồi sau cai nghiện ma túy. Nhà nước áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, trong đó người nghiện ma túy có thể đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hay tại các cơ sở cai nghiện; xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy, huy động sự tham gia của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức... hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy.
Bên cạnh việc khuyến khích người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện, Luật Phòng, chống ma túy đã quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện đối với người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, giai đoạn từ 2011-2019, Việt Nam tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho trên 51.000 lượt người (chiếm 27,38% tổng số người được cai nghiện theo các hình thức); dạy nghề cho khoảng 3.000 lượt người; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 1.700 lượt người. Đến nay, có 29 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho gần 6.500 người nghiện; quản lý và hỗ trợ tư vấn tiếp cận các dịch vụ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại nơi cư trú là 24.600 người. Hiện Việt Nam có 97 cơ sở cai nghiện công lập, giai đoạn 2016 - 2019 các cơ sở đã tiếp nhận, điều trị cai nghiện cho 144.730 lượt người.
Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện. Trong đó có mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”, “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” tiến tới thực hiện mô hình “Tòa ma túy”, “Quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy” thuộc các xã khu vực biên giới. Việc triển khai các mô hình thí điểm trên đã mang lại nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị cai nghiện ma túy.
Chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu và kiên định lộ trình hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy. Quốc hội Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện luật pháp, tăng cường giám sát trong lĩnh vực này. Sắp tới, Quốc hội sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và một số luật liên quan, từ đó điều chỉnh phù hợp, ứng phó với những thách thức mới trong công cuộc phòng, chống ma túy về lâu dài.
"Không ai bị bỏ lại phía sau".
Đưa ra những đề xuất, kiến nghị mang tính thực tiễn tại nghị Hội đồng Tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3), Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ: Đối với Việt Nam, để thực hiện tốt công tác dự phòng nghiện và điều trị cai nghiện ma túy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Chính phủ, Quốc hội tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp và hướng tới chuẩn quốc tế về dự phòng nghiện và điều trị nghiện ma túy.
Điểm quan trọng khác là đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận người nghiện ma túy, người sau cai nghiện vào làm việc; nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều trị, cai nghiện tại cộng đồng; đẩy mạnh và nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng…
Trong bối cảnh khu vực hiện nay, tình hình buôn bán, sử dụng, lạm dụng ma túy và công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy ở Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung sẽ tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp. Để tiếp tục đấu tranh với tệ nạn ma túy nói chung và thúc đẩy công tác cai nghiện nói riêng, Việt Nam và các nước ASEAN cần thúc đẩy cam kết chính trị, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy, cai nghiện ma túy; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào hoạt động này. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Coi việc đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và khu vực.
ASEAN cần phải tăng cường hợp tác trong khu vực và giữa ASEAN với quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm và điển hình tốt phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy; thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy như đã thống nhất trong ASEAN.
Đại diện các nước và các chuyên gia quốc tế cũng kiến nghị, thời gian tới cần tiếp tục hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là công tác dự phòng, điều trị nghiện ma túy theo khuyến cáo của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS) năm 2016; tăng cường chia sẻ thông tin về kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý và điều trị nghiện ma túy tổng hợp.
Chiến lược phòng, chống ma túy cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, trong đó, lấy con người làm trung tâm, tập trung chỉ đạo việc mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện, bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng, giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.
Các nhà lập pháp cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ các nước xây dựng, hoàn thiện các biện pháp tăng cường dự phòng sử dụng ma túy thông qua việc can thiệp sớm cho thanh thiếu niên; về phòng, chống ma túy gắn với giảm nghèo và tạo sinh kế bảo đảm phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau".
.