Thứ Sáu, 29/05/2020, 07:56 [GMT+7]
Xử lý 'nguội' vi phạm giao thông

Góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân

(Congannghean.vn)-Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án 617 về “Xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT, an ninh xã hội trên tuyến quốc lộ trọng điểm và các tuyến đường bộ cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống camera giao thông tại Nghệ An đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT, góp phần nâng cao ý thức của người dân. Đây chính là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng tiếp tục duy trì thực hiện mô hình này trong thời gian tới.

Việc triển khai hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT đã và đang phát huy tốt hiệu quả trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ                                       của các chủ phương tiện
Việc triển khai hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT đã và đang phát huy tốt hiệu quả trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của các chủ phương tiện
Xử lý “nguội” vi phạm giao thông có thể hiểu là hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cụ thể là thiết bị ghi hình (camera). Thông qua hình ảnh camera, việc trích xuất sẽ đảm bảo đủ 4 yếu tố pháp lý là ghi được không gian, thời gian vi phạm, lỗi vi phạm và biển số đăng ký của phương tiện vi phạm. Trên cơ sở đó, bộ phận đăng ký, quản lý phương tiện sẽ tiến hành xác minh chủ phương tiện; phối hợp với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn gửi thông báo mời người vi phạm đến trụ sở Phòng CSGT để làm việc. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng hệ thống camera được quy định cụ thể tại Khoản 1, Điều 64, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 
Thực hiện Đề án 617 về “Xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT, an ninh xã hội trên tuyến quốc lộ trọng điểm và các tuyến đường bộ cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ ngày 7/8/2017, Nghệ An đã triển khai hệ thống giám sát và xử lý vi phạm TTATGT trên Quốc lộ 1A. Qua khảo sát đã lựa chọn và tiến hành thí điểm ở 4 vị trí trên địa bàn TP Vinh gồm: Ngã 4 Quang Trung - Nguyễn Thái Học; ngã 4 Lê Mao kéo dài - Trần Phú; ngã 4 chợ Vinh và ngã 4 Đại học Vinh. Đây là những tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông lớn, luôn là “điểm nóng” tiềm ẩn phức tạp về TNGT.
 
Thượng tá Nguyễn Nam Hồng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, với việc triển khai hệ thống giám sát và xử lý vi phạm TTATGT trên Quốc lộ 1A đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó, hiệu quả thấy rõ nhất đó là nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, giảm mật độ CSGT có mặt trên các tuyến đường; đồng thời cho thấy rõ sự minh bạch, hạn chế thấp nhất tình trạng người vi phạm tận dụng mọi mối quan hệ để xin tránh bị xử phạt. Với việc xử lý nguội, dù không có lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát thì người dân vẫn tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ một cách nghiêm túc. Qua đó, giảm thiểu rất lớn các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, tín hiệu đèn giao thông… Ngoài ra, với giải pháp xử lý vi phạm TTATGT thay cho lực lượng CSGT thường trực trên mỗi tuyến đường cũng đã góp phần cho hoạt động giao thông được diễn ra thông suốt, giảm được sự phiền hà và ách tắc giao thông trong một số trường hợp.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì việc đưa vào sử dụng hệ thống giám sát và xử lý vi phạm TTATGT vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập. Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là xác định người vi phạm hoặc chủ phương tiện do không tìm thấy địa chỉ của chủ xe. Bởi thực trạng hiện nay, tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới, chủ phương tiện chỉ làm thủ tục mua bán mà không làm thủ tục sang tên theo quy định vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc chủ xe thay đổi chỗ ở, đi vắng dài ngày, khai không đúng địa chỉ... nên khi người vi phạm nhận được thông báo thì thời gian đã quá lâu, khó xử lý phạt hành chính. Đặc biệt, với quy định hiện hành thì không ít người tham gia giao thông còn cho rằng, nếu việc vi phạm xảy ra ở địa phương khác, việc chấp hành nộp phạt càng khó khăn hơn rất nhiều.
 
Riêng về vấn đề này, để khắc phục, thời gian qua, Đội đăng ký, quản lý phương tiện thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên, di chuyển xe phải tra cứu trên phần mềm “Xử lý vi phạm hành chính” để kiểm tra xe có vi phạm qua hình ảnh trước đó hay không. Nếu có sẽ in thông báo vi phạm và yêu cầu chủ xe, người có liên quan phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm. Sau khi có kết quả xử lý vụ việc vi phạm hành chính thì mới tiếp tục giải quyết cho chủ phương tiện thực hiện việc đăng ký sang tên, di chuyển xe theo quy định. Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng đã có đề xuất về việc yêu cầu các hoạt động giao dịch mua bán của người dân cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc sang tên, đổi chủ theo đúng quy định. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong quản lý Nhà nước đối với việc quản lý phương tiện giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xử lý vi phạm.
 
Được biết, trong thời gian sắp tới, Nghệ An sẽ triển khai việc lắp đặt hệ thống xử lý nguội tại 28 vị trí và trước hết sẽ vận hành thử từ ngày 1 - 12/6/2020. Với những hiệu quả bước đầu từ việc triển khai hệ thống theo Đề án 617 do Chính phủ phê duyệt, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, tình hình TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân, giảm thiểu áp lực công việc cho lực lượng CSGT, nhất là ngăn ngừa và giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ TNGT trên cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, cùng với việc áp dụng Nghị định 100 với các mức phạt tăng nặng cho các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì việc triển khai hệ thống xử lý nguội hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tối ưu hơn nữa trên các tuyến, địa bàn.
.

Ngọc Anh

.