Thứ Hai, 11/05/2020, 08:44 [GMT+7]

Luật Giao thông đường bộ phải có sức sống từ 10 năm trở lên

Bộ GTVT vừa tổ chức họp ban soạn thảo, tổ biên tập để lấy ý kiến về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi.
 
Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định với tinh thần cầu thị, Bộ GTVT sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên ban soạn thảo để sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Luật GTĐB sửa đổi. Những vấn đề trùng khớp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT thì sẽ xem xét phù hợp.
 
Sẽ quản lý nhiều nội dung mới
 
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Luật GTĐB có vai trò quan trọng, tác động lớn đến đời sống xã hội. Do đó, lần sửa đổi này, Bộ GTVT sẽ thận trọng, lấy ý kiến nhiều Bộ, ngành, chuyên gia để sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu của xã hội. 
 
Để dự thảo đạt chất lượng, Bộ GTVT đã thành lập ban soạn thảo gồm 52 thành viên đến từ nhiều Bộ, ngành Trung ương và ban biên tập gồm 76 thành viên. Dự thảo Luật đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, hiệp hội, doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Bộ đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có ý nghĩa để hình thành Luật GTĐB mới. 
 
"Thời gian qua, nhiều vấn đề mới xuất hiện như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính, các loại hình giao thông thông minh, các loại hình vận tải mới như Uber, Grab. Do đó, trong lần sửa đổi này, Bộ GTVT sẽ lồng ghép các nội dung mới vào Luật. Đặc biệt, một số xu hướng mới như: Giao thông thông minh, lái xe tự động, thậm chí taxi bay sẽ được đưa vào trong Luật, đảm bảo Luật có sức sống từ 10 năm trở lên", Bộ trưởng nói.
Giao thông thông minh sẽ được đưa vào nội dung Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Giao thông thông minh sẽ được đưa vào nội dung Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên tổ biên tập, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, với  tinh thần cầu thị, Bộ GTVT sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên ban soạn thảo để sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Luật GTĐB sửa đổi. Về một số nội dung chồng chéo trong quản lý giữa Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ trưởng yêu cầu điểm nào chung sẽ đưa vào Luật GTĐB. Nội dung nào riêng, sẽ cụ thể hóa theo quy định của lực lượng vũ trang. 
 
"Cần nghiên cứu đưa vào Luật các vấn đề như: Quản lý hành lang ATGT đường bộ, trong đó cần đặc biệt chú ý quản lý đường gom để đảm ATGT. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các định nghĩa, nhất là định nghĩa về các vấn đề mới xuất hiện như: Các loại hình vận tải mới; xe đạp điện, xe máy điện... để có giải pháp quản lý đảm bảo an toàn", Bộ trưởng nói. 
 
Liên quan đến giao thông tĩnh, Bộ trưởng yêu cầu hoàn thiện quy định hạ tầng đậu đỗ cho xe buýt; các điểm đậu đỗ xe kết nối giữa đường bộ và đường sắt để có hệ thống giao thông tĩnh đồng bộ với hệ thống giao thông chung. Đối với ATGT, Bộ trưởng yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông trong dự thảo Luật.
 
Xe máy bật đèn vào ban ngày:  Có khả thi?
 
Dự kiến Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020. Tuy nhiên cho đến nay dự thảo này còn một số điểm khiến dư luận băn khoăn.
 
Cụ thể, tại khoản 3 điều 27 dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau. 
 
Vào ban đêm hoặc khi trời tối hoặc khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn chiếu hậu hoặc đèn định vị theo thiết kế của nhà sản xuất.
Theo ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), trên thế giới, xe máy được coi là phương tiện yếu thế hơn ôtô, nên Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ đã quy định bật đèn nhận diện xe máy cả ngày (không phải đèn chiếu sáng) để người điều khiển ôtô phát hiện xe máy. Việt Nam đã tham gia Công ước này nên phải tuân theo quy định. 
 
Trước đây Ủy ban An toàn giao thông đã đề xuất áp dụng quy định trên, song nhiều người dân phản ứng rằng trong Luật chưa có nên lần này ban soạn thảo đã đưa vào Luật. Nói về đề xuất trên, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, Việt Nam có hàng chục triệu xe máy trong khi chỉ có 3 triệu ôtô, vì vậy ôtô mới là phương tiện cần bật đèn nhận diện. 
 
"Xe máy bật đèn đồng loạt thì thành rừng đèn giữa thành phố, việc nhận diện không hiệu quả", ông Liên nói và cho rằng quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu khi ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều và xe máy ít nên cần bật đèn. 
 
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cũng cho rằng, Việt Nam là nước nhiệt đới, trời nóng, trên đường có hàng nghìn phương tiện ùn tắc thì việc bật đèn xe càng gây nóng nực và cảm giác khó chịu với người đi ngược chiều.
.

Nguồn: CAND

.