(Congannghean.vn)-Tình trạng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ở TP Vinh gây ô nhiễm môi trường, “hành dân” đã và đang diễn ra trong suốt nhiều năm qua. Để khắc phục, xử lý triệt để vấn đề này, chính quyền địa phương lẫn các cơ quan chức năng đang loay hoay tìm giải pháp bởi nhiều ràng buộc liên quan chưa có phương án tháo gỡ.
KCN Bắc Vinh được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ năm 1999, tuy nhiên, đến nay hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn chưa đạt yêu cầu nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nhức nhối. Đơn cử, Nhà máy sản xuất bao bì Sabeco Sông Lam đi vào hoạt động từ năm 2009, nhưng nhiều năm nay, đơn vị này đã xả thải trực tiếp ra môi trường khiến 11 ha đất hoa màu các xóm Mỹ Long, Trung Mỹ, Yên Xá, Mỹ Hoà… của xã Hưng Đông bị thiệt hại nặng nề. Toàn bộ diện tích canh tác lúa, hoa màu nói trên cũng như ao nuôi thủy sản của HTX Hưng Đông 1 và HTX Đông Vinh của xã Hưng Đông đã bị giảm năng suất, không thể canh tác, bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Doanh nghiệp tận dụng hành lang, giải phân cách đường để bảo quản sản phẩm tại CCN Hưng Lộc |
Trước đó, tháng 6/2010, Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu nước thải của Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam để kiểm tra. Kết quả phân tích chất lượng nước thải cho thấy, công ty đã xả nước thải có 16/30 thông số vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là đối với mương tiêu của HTX Đông Vinh. Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam hơn 47 triệu đồng và buộc công ty đình chỉ ngay hành vi xả nước thải có chứa chất nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Sự việc sau đó được UBND tỉnh, UBND TP Vinh và các cơ quan chức năng vào cuộc, kết luận Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam đã có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường 11 ha đất nông nghiệp và yêu cầu bồi thường cho người dân. Cụ thể, ngày 29/12/2015, UBND TP Vinh đã có Báo cáo số 7952/QĐ-UBND về kết quả giải quyết ô nhiễm môi trường và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại khu vực Bàu Đông, xã Hưng Đông. Báo cáo còn kiến nghị: “Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khắc phục ô nhiễm môi trường theo đề nghị của UBND xã Hưng Đông tại Công văn số 405/UBND-NN ngày 10/7/2015. Tổng giá trị phải bồi thường và khắc phục ô nhiễm môi trường là 4.066.586.699 đồng”. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, việc bồi thường vẫn chưa được thực hiện. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã giao cho UBND TP Vinh chủ trì, Sở Tư pháp, Sở TN&MT, Ban quản lý KKT Đông Nam phối hợp, hướng dẫn công dân, UBND xã Hưng Đông khởi kiện ra tòa để yêu cầu Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam bồi thường thiệt hại theo quy định.
Tại CCN Đông Vĩnh có diện tích 5,34 ha do Công ty Cổ phần quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh quản lý. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, tại CCN Đông Vĩnh hiện nay đang tồn tại Công ty cổ phần Bao bì Nghệ An có nước thải sinh hoạt xử lý chưa đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành. Một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Xuân Ngọc, Công ty CP Động Lực... công tác quản lý chất thải nguy hại vẫn chưa đúng quy trình, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tương tự, tại CCN Nghi Phú, nhiều doanh nghiệp như Công ty CP sản xuất thương mại Quyết Thành, Công ty TNHH Việt Mỹ, Công ty CP sản xuất và thương mại Long Bình, Công ty CP nhựa Hùng Linh, Công ty CP Austdoor Nghệ An… qua kiểm tra đều tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp luật bảo vệ môi trường. Trong đó, vi phạm chủ yếu là quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa đúng quy trình, thực hiện quan trắc môi trường chưa đúng với cam kết.
Thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có 11 KCN lớn đã được quy hoạch xây dựng, trong đó có 6 KCN đã và đang xây dựng, đi vào hoạt động. Riêng tại TP Vinh có 1 KCN Bắc Vinh với quy mô 143,17 ha đã đi vào hoạt động từ năm 2005 trên địa bàn xã Hưng Đông và 3 CCN tại các xã Hưng Lộc, Nghi Phú và Đông Vĩnh với diện tích hàng trăm nghìn m2. Các ngành nghề được đầu tư, xây dựng đang hoạt động trong KCN Bắc Vinh và các CCN gồm: Chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, xí nghiệp may xuất khẩu, sản xuất bao bì, xí nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu. Các KCN và CCN này từ khi đưa vào hoạt động đến nay đã liên tục gây ô nhiễm môi trường, lĩnh vực vi phạm chủ yếu là hệ thống xử lý nước thải tập trung, ô nhiễm khói bụi và ô nhiễm tiếng ồn. Vấn đề này đã được phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thậm chí người dân còn gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường vẫn chưa được đưa ra.
Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh khóa XVII, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ giao cho TP Vinh huy động và bố trí kinh phí để nâng cấp hoàn thiện hạ tầng các CCN một cách đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung. Vấn đề đặt ra là, đối với các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh, sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao yêu cầu phải sớm di dời ra khỏi khu vực thành phố.
Trước đó, UBND TP Vinh cũng đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi vùng nội thành để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hợp đồng thuê đất giữa chủ đầu tư hạ tầng với chính quyền vẫn còn thời hạn nên việc di dời chưa thể thực hiện được; cần phải có lộ trình, kế hoạch, cơ chế hỗ trợ việc di dời phù hợp quy hoạch địa điểm mới. Đồng nghĩa với việc, người dân sinh sống gần các nhà máy thuộc CCN trong nội đô TP Vinh phải tiếp tục điệp khúc kêu cứu, chờ đợi trong lúc chính quyền địa phương lẫn các cơ quan chức năng đang loay hoay tìm phương án tháo gỡ.
.