Thứ Sáu, 07/02/2020, 15:11 [GMT+7]
Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường:

Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc

(Congannghean.vn)-Những năm qua, cùng với những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thì thực trạng môi trường tự nhiên của nước ta đang bị tổn hại, gây ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống cộng đồng. Môi trường nước, không khí bị ô nhiễm trên diện rộng, có nơi ở mức độ trầm trọng; khối lượng và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng không chỉ ở khu vực phát triển công nghiệp, khu đô thị mà cả ở những vùng nông thôn.
Lực lượng chức năng kiểm tra các thuyền khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam 
Lực lượng chức năng kiểm tra các thuyền khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam 
Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, không đúng quy hoạch, thiếu sự kiểm soát; nguồn nước mặt, nước ngầm nhiều nơi bị suy thoái, cạn kiệt; đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm biến đổi khí hậu, lũ lụt, mưa bão với cường độ lớn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều nơi, nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường có xu hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, gây ra nhiều hậu quả lớn. Các đối tượng triệt để lợi dụng những kẽ hở của pháp luật cũng như công tác quản lý Nhà nước để thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh nhập khẩu phế liệu, khai thác tài nguyên, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thuốc bảo vệ thực vật… Điều này đã đặt ra cho các cơ quan quản lý nhiều khó khăn, thách thức.
 
Trước tình hình trên, 10 năm qua (2010 - 2019), Công an tỉnh Nghệ An đã chủ động trong công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (ATTP). Điển hình như: Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 03-CT/TU ngày 11/4/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12-CT/UBND ngày 28/8/2014 về tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh thành lập 8 đoàn công tác liên ngành (do lực lượng Cảnh sát Môi trường (CSMT) làm Trưởng đoàn) để kiểm tra, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực môi trường, tài nguyên, ATTP; tham mưu nhiều chủ trương, biện pháp để giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường kéo dài tại một số cơ sở trên địa bàn. Chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP. Từ năm 2011 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 5.192 vụ, 5.302 đối tượng; trong đó khởi tố, điều tra, xử lý hình sự 146 vụ, 235 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 5.046 vụ, 5.067 đối tượng, sung công quỹ 53, 205 tỉ đồng. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên thì quá trình triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP, cơ quan chức năng nói chung và lực lượng CSMT nói riêng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điển hình như một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, ATTP vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường hiện nay. Cùng với đó, sự vào cuộc của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, huyện, xã chưa thực sự quyết liệt. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên vệ sinh ATTP của một bộ phận cán bộ, nhân dân cũng như các cấp, ngành còn hạn chế.
 
Các tác động tiêu cực và hậu quả về môi trường, tài nguyên, ATTP trong một số trường hợp thường xảy ra chậm, khó nhìn nhận bằng mắt thường nên thái độ đấu tranh, lên án của xã hội chưa quyết liệt. Công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc vì vừa phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng cũng chịu áp lực của chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, đảm bảo được hoạt động của doanh nghiệp và sức ép giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài ra, phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP ngày càng tinh vi trong khi lực lượng CSMT ở cấp huyện phần lớn chưa được qua đào tạo chuyên ngành môi trường mà chủ yếu tham dự các lớp tập huấn trong một thời gian ngắn. Kinh phí, phương tiện phục vụ công tác còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đề ra.
Lực lượng chức năng kiểm tra các thuyền khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam 
Lực lượng chức năng kiểm tra các thuyền khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam 
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP, trong thời gian tới, lực lượng CSMT sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiên có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác này. Tập trung làm tốt công tác nắm, dự báo, xử lý tình hình, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền có những chủ trương, giải pháp chiến lược về bảo vệ môi trường gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các tụ điểm, địa bàn phức tạp, nổi cộm về môi trường ngay từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ, phát sinh “điểm nóng”, ảnh hưởng đến ANTT. 
 
Bên cạnh đó, phải phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp, ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP; đặc biệt là trong việc chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phức tạp nổi lên, các “điểm nóng” về môi trường. Ngoài ra, tăng cường tham mưu, chỉ đạo triển khai các biện pháp xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền, cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng. Đặc biệt là nhân dân ở các địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp, gắn với đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, tích cực cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP.
.

Ngọc Anh

.