Ngày 6-12, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị phổ biến Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10-10-2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015....
Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc khối Cơ quan điều tra trực thuộc Bộ Công an, các cục, học viện, trường CAND, đại diện Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trình bày những nội dung cơ bản của Thông tư 46/2019/TT-BCA.
Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định tương đối cụ thể trong bảo đảm thực hiện các quy định liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tuy nhiên quá trình thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Thông tư số 70/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành các quy định cua Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự đã không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Ngày 10-10-2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 46/2019/TT-BCA thay thế Thông tư số 70/2011/TT-BCA, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư số 70/2011/TT-BCA.
Thông tư gồm 21 điều, 5 chương, trong đó quy định rõ trách nhiệm của lực lượng CAND trong thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam; trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện một số hoạt động của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2-12-2019.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh trình bày những nội dung cơ bản của Thông tư số 46/2019/TT-BCA |
Đại diện lãnh đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an cũng đã báo cáo về việc chuẩn bị tổ chức thực hiện các quy định của Thông tư số 46/2019/TT-BCA.
Thứ trưởng Lê Quý Vương và các đại biểu tham dự hội nghị |
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ cơ sở giam giữ trong việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội chống oan sai, bức cung, nhục hình.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch số 381/KH-BCA ngày 6-11-2019 của Bộ trưởng triển khai thực hiện Thông tư số 46/2019/TT-BCA.
Thứ ba, Công an các đơn vị, địa phương cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về điểm trực ban, điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa, hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thứ tư, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức tập huấn nội dung Thông tư số 46/2019/TT-BCA cho lãnh đạo, cán bộ thuộc Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và cán bộ, chiến sỹ các cơ sở giam giữ thuộc quyền quản lý.
Thứ năm, lực lượng Công an các cấp cần rà soát, bố trí đủ đội ngũ cán bộ có năng lực làm công tác điều tra, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ và các điều kiện cần thiết khác… phục vụ công tác điều tra hình sự; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những cán bộ, chiến sĩ có hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự.
.